Sữa là nguồn protein dồi dào, song thường xuyên thiếu vắng trong các bữa ăn sáng của trẻ em.
Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã công bố về thực trạng dinh dưỡng phổ biến của trẻ em Việt Nam, đặc biệt trong đó có nhiều vấn đề đáng lo ngại về bữa sáng.
Theo khảo sát dinh dưỡng Đông Nam Á (SEANUTS II), hơn 90% trẻ được ăn sáng nhưng đến 50% không đáp ứng nhu cầu vi chất dinh dưỡng cần thiết. Điều này dẫn đến tác động tiêu cực như trẻ bị uể oải, mệt mỏi, kém tập trung khi đi học.
Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh sau một đêm nhịn ăn, cơ thể và não bộ trẻ cần gấp rút bổ sung năng lượng lẫn dinh dưỡng để phát triển và học tập hiệu quả.
Theo giới chuyên gia, protein là “chất sinh trưởng”, “chất kiến tạo cơ thể”, cấu thành nên mọi tế bào và chiếm đến 18% thể trọng con người.
Các nhà khoa học đã chứng minh sữa có hơn 400 dưỡng chất quan trọng giúp cung cấp năng lượng và nuôi dưỡng cơ thể. Sữa cung cấp đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng là chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và nhiều khoáng chất giúp cơ thể trẻ tăng trưởng, phát triển và khỏe mạnh.
Ngoài ra, vitamin cũng đóng vai trò sữa chữa tế bào, củng cố xương, tăng khả năng miễn dịch. Dù quan trọng như vậy nhưng có tới 50% trẻ thiếu 8 vi chất thiết yếu và 20% trẻ không đáp ứng nhu cầu protein khuyến nghị.
Sữa được coi là “nhân tố vàng” tiếp sức trẻ cao lớn và học tập tốt hơn nhưng hầu như đều vắng bóng trong bữa sáng khi có tới 40% trẻ uống dưới 4 phần nhỏ/tuần. Mức uống này chỉ bằng 20-30% so với khuyến nghị 2-3 phần sữa/ngày tùy độ tuổi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP), Viện Dinh dưỡng Quốc gia (NIN)… Phụ huynh cần cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, uống thêm sữa vào bữa sáng… để vừa bổ sung năng lượng vừa tốt cho quá trình phát triển của trẻ.
(Nguồn: Phụ nữ mới)