Những vấn đề về hậu Covid-19 ở trẻ cha mẹ cần chú ý

Thanh Mai |

Các triệu chứng mệt mỏi, rối loạn vị giác, đau đầu... có thể tồn tại từ lúc mắc bệnh ban đầu hoặc xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh.

Nhóm bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương và Trường Đại học Y Hà Nội đã đưa ra bộ tài liệu giải đáp một số thắc mắc thường gặp về hậu Covid-19 ở trẻ em. Bộ hướng dẫn được công bố hồi đầu tuần bởi phó giáo sư, tiến sĩ Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; tiến sĩ, bác sĩ Phan Hữu Phúc - Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa, Viện trưởng Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương; bác sĩ Lê Nhật Cường - Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội.

Hậu Covid-19 là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): "Tình trạng hậu Covid-19 xảy ra ở các cá thể có tiền sử nghi ngờ hoặc chẩn đoán xác định mắc Covid-19, thường 3 tháng kể từ khi bệnh khởi phát, với triệu chứng kéo dài ít nhất hai tháng mà không tìm được chẩn đoán thay thế".

 

Với trẻ em, các triệu chứng mệt mỏi, rối loạn vị giác, đau đầu, ho, khó thở... có thể tồn tại từ lúc mắc bệnh ban đầu, hoặc mới xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh và không do các căn nguyên khác gây ra. Tỷ lệ trẻ em có các triệu chứng dai dẳng sau mắc Covid-19 dao động tùy theo nghiên cứu ở các quốc gia, lứa tuổi, quần thể cũng như thời gian xuất hiện triệu chứng.

Nguyên nhân của hậu Covid-19

Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá đây là tình trạng chưa có căn nguyên xác định, kết hợp nhiều yếu tố bao gồm đặc điểm của virus, yếu tố miễn dịch, di chứng sau điều trị hồi sức tích cực.

Một số tình huống khác cũng có thể gây ra các triệu chứng mới hay tiếp diễn như: virus tồn tại lâu hơn bình thường, do phản ứng miễn dịch không hiệu quả; tình trạng tái nhiễm (ví dụ bởi một chủng khác của virus); thể lực yếu do thiếu vận động khi ốm; stress hậu sang chấn hoặc di chứng tâm thần khác, đặc biệt ở người có tiền sử lo âu, trầm cảm, mất ngủ, hay bệnh lý tâm thần khác; giảm trao đổi oxy do hậu quả của các cục máu đông dai dẳng; sự hình thành các kháng thể tự miễn sau nhiễm virus.

Một trẻ mắc bệnh mức độ nhẹ cũng có thể xuất hiện các dấu hiệu của hậu Covid-19. Nếu bệnh nguy kịch cần thở máy hoặc chăm sóc ở các đơn vị hồi sức tích cực, trẻ sẽ dễ bị mắc các triệu chứng như mệt mỏi, yếu cơ... là những triệu chứng hay gặp ở người đã phải điều trị hồi sức.

Một số nghiên cứu cũng cho thấy trẻ béo phì, tiền sử các bệnh dị ứng, bệnh lý mạn tính, bé trên 5 tuổi có nguy cơ xuất hiện các triệu chứng của hậu Covid-19 cao hơn các nhóm khác.

Các triệu chứng hay gặp hậu Covid-19 ở trẻ em là gì?

Hậu Covid-19 có thể gây ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, ở trẻ em và trẻ vị thành niên thường biểu hiện các triệu chứng nhiều nhất trên cơ quan thần kinh như mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, rối loạn vị giác, khứu giác... Bên cạnh đó là biểu hiện rối loạn cảm xúc, kém tập trung, giảm trí nhớ, khó khăn trong học tập.

Các triệu chứng hô hấp hay gặp khác là ho kéo dài, đau họng, khó thở, đau khớp, đau cơ, nặng ngực, hồi hộp đánh trống ngực...

Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) tuy hiếm gặp nhưng là tình trạng nặng và có thể nguy hiểm đến tính mạng thường xảy ra sau 2-6 tuần mắc Covid-19. Bệnh thường gây tổn thương đa cơ quan như tim, mạch máu và các cơ quan khác khiến tình trạng bệnh tiến triển nhanh cần nhập viện.

Khi cha mẹ thấy con có các triệu chứng như mô tả ở trên hoặc thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào mà trước khi mắc Covid-19 không có, cần đưa đi khám.

Bệnh nhi không có các triệu chứng nghi ngờ hậu Covid-19, cha mẹ vẫn nên đưa tới bác sĩ nhi khoa khám sau 4-12 tuần khỏi Covid-19, để được kiểm tra, tư vấn về các vấn đề sức khỏe.

Không phải tất cả triệu chứng xuất hiện sau mắc Covid-19 đều là hậu Covid-19. Trước khi kết luận triệu chứng đó do hậu Covid-19, cần loại trừ nguyên nhân khác.

Khi tới khám, bệnh nhi được bác sĩ đánh giá sức khỏe tổng thể, xác định các triệu chứng chính hiện tại, nếu cần sẽ được hội chẩn hoặc thăm khám lại bởi các bác sĩ chuyên khoa khác nhau, kiểm tra các xét nghiệm, biện pháp thăm dò như chụp phim, siêu âm, đánh giá chức năng hô hấp... và có kế hoạch điều trị cụ thể.

Hiện nay chưa có biện pháp vật lý, thuốc hay thực phẩm nào giúp ngăn chặn việc xuất hiện hậu Covid-19. Phương pháp duy nhất giúp không xuất hiện hậu Covid-19 là dự phòng nhiễm nCoV bằng các biện pháp phòng bệnh thích hợp và tiêm vaccine khi có chỉ định. Khi trẻ mắc Covid-19, cần theo dõi, chăm sóc trẻ theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế và đưa bé tới khám, điều trị tại các cơ sở y tế kịp thời khi có dấu hiệu bất thường.

(Nguồn: Phụ nữ mới)

TAGS

Xuất hiện virus "siêu cảm cúm" có triệu chứng tương tự Covid-19

Thanh Mai |

Điểm khác biệt duy nhất đó là những người nhiễm “virus siêu cảm cúm" sẽ không mất vị giác hoặc khứu giác như một số F0.

Trẻ mắc Covid-19 bao lâu sẽ tái nhiễm?

Minh Khang |

Đây là kết quả được một nhóm chuyên gia tại Đại học UTHealth, Mỹ công bố ngày 18/3 trên tạp chí Pediatrics.

Những trường hợp nào có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao hơn?

Thanh Mai |

Có trường hợp bệnh nhân lần trước đã nhiễm biến chủng Omicron BA.1, sau đó vẫn tái nhiễm với biến chủng BA.2.

Hướng dẫn mới về các loại thuốc điều trị COVID-19 tại nhà

TL |

Ngày 14/3/2022, Bộ Y tế ban hành Quyết định 604/QĐ-BYT hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19.