Vì sao tỉ lệ mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam tăng? Làm gì để phòng tránh, hạn chế ung thư?
Để trả lời những thắc mắc trên, Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Nguyên Tường - Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Trung ương Huế, Trưởng Khoa Ung bướu - Trung tâm điều trị theo yêu cầu Quốc Tế.
Thưa TS Phạm Nguyên Tường, từ thực tế điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, xin bác sĩ cho biết diễn tiến tình trạng bệnh ung thư trong những năm gần đây như thế nào?
- Theo ghi nhận ung thư toàn cầu, năm 2020 tỉ lệ mắc mới và tỉ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam lần lượt tăng 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia) và 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so với năm 2018.
Cả nước hiện có khoảng hơn 350.000 bệnh nhân đang sống với bệnh ung thư. Riêng tại Bệnh viện Trung ương Huế, số liệu thống kê cho thấy số lượt bệnh nhân ung thư vào điều trị tại Trung tâm Ung Bướu tăng qua từng năm, mức tăng từ 30 - 45%; cuối năm 2019 và năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 có giảm chút ít nhưng thời gian gần đây với chủ trương sống thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, số lượng bệnh nhân nhập viện đã tăng trở lại.
Các loại ung thư thường gặp nhất vẫn là ung thư phổi, gan, đại trực tràng, vú, dạ dày, các ung thư vùng đầu - cổ.
Không phải cứ ung thư là chết, vấn đề là đừng để phát hiện, chữa trị muộn. Truyền thông y tế đã nói nhiều về điều đó. Nhưng thực tế vẫn còn quá nhiều bệnh nhân ung thư "phát hiện muộn", TS nghĩ sao về điều này?
- Thành công trong điều trị ung thư tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó giai đoạn sớm là một. Đúng là hiện nay, tỉ lệ bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn tại thời điểm điều trị vẫn còn cao.
Hàng chục các nghiên cứu hàng năm từ các cơ sở điều trị ung thư tại Việt Nam đều cho thấy tỉ lệ ung thư giai đoạn III - IV luôn chiếm từ 60 - 70% trở lên, ở hầu hết các loại bệnh ung thư.
Tình hình này là chung cho cả thế giới, không riêng gì Việt Nam, ngoại trừ một số rất ít quốc gia báo cáo tăng số lượng bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm; mà cũng chỉ ở một số loại bệnh ung thư mà thôi.
Để cải thiện tình trạng này, không gì khác hơn là người dân cần theo dõi và khám sức khỏe thường xuyên, nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng bất thường của cơ thể. Điều này ngoài ý thức tự chăm lo sức khỏe cho bản thân, vai trò của bác sĩ gia đình là rất quan trọng.
Có ý kiến cho rằng, tỉ lệ người bị mắc ung thư ở nhóm nghèo, có điều kiện sinh sống, ăn uống không an toàn, mất vệ sinh cao hơn các nhóm cư dân khác. Có đúng như vậy không, thưa TS?
- Điều này không đúng. Giàu nghèo không phải là những yếu tố nguy cơ gây ung thư. Giàu mà béo phì, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thì nguy cơ ung thư rất lớn.
Nghèo nhưng có ý thức giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt và ăn uống thì khó mà mắc các loại bệnh ung thư liên quan đến bệnh nhiễm.
Tất cả mọi người đều “bình đẳng” trong nguy cơ mắc ung thư. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Hiệp hội Phòng chống Ung thư quốc tế (UICC), 30 - 40% tất cả các ca ung thư là có thể phòng tránh được. Và chúng ta cũng biết rằng hơn 80% các yếu tố nguy cơ gây ung thư đến từ bên ngoài, môi trường và lối sống. Để phòng tránh ung thư, phải tìm cách hạn chế, loại bỏ, tránh xa các yếu tố này.
Cụ thể, theo khuyến cáo của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ung thư: Không hút thuốc, ngừng hút thuốc; Hạn chế thức ăn rán, nướng, muối; Không ăn quá cay, quá mặn, quá nóng; Hạn chế bia rượu; Hạn chế ăn mỡ động vật; Không ăn thức ăn mốc, ôi thiu, ô nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc kích thích sinh trưởng; Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao; Tình dục an toàn; Tiêm phòng viêm gan B, HPV, điều trị viêm dạ dày HP (+).
Xin cảm ơn TS Phạm Nguyên Tường!