Tích cực phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi vào những tháng cuối năm

Đan Tâm |

Có thể thấy, trong giai đoạn 2017 - 2020 sản xuất chăn nuôi trên cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là phải đối mặt với dịch bệnh hết sức phức tạp, nguy hiểm, gây tổn thất về kinh tế đối với người chăn nuôi. 

Theo nhận định, tình trạng này kéo dài đến những tháng cuối năm 2021 và có thể sẽ diễn biến phức tạp vào đầu năm 2022. Do vậy, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thúc đẩy chăn nuôi phát triển.

Những năm qua, nỗ lực cơ cấu lại ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã đem lại những kết quả tích cực. Nhờ vậy, đã hạn chế được sự ảnh hưởng của dịch bệnh đối với đàn vật nuôi. Phương thức chăn nuôi đã có sự chuyển đổi từ quy mô hộ gia đình sang chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong xử lý chất thải chăn nuôi, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn dịch bệnh và kiểm soát tốt về môi trường. Tỉ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng từ 25,9% năm 2017 lên 31,68% năm 2020.

Tiêm phòng cho đàn gia cầm ở Cam Lộ - Ảnh: Đ.T
Tiêm phòng cho đàn gia cầm ở Cam Lộ - Ảnh: Đ.T

Đã hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi dưới các hình thức chăn nuôi gia công, hợp tác xã chăn nuôi. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 243 trang trại chăn nuôi lợn, bò và gia cầm. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025, duy trì đàn trâu khoảng 22.000 con; phát triển đàn bò 70.000 con; khôi phục và phát triển đàn lợn 243.000 con; đàn gia cầm 3.500.000 con. Tổng sản lượng thịt hơi đạt 47.000 tấn. Muốn hoàn thành mục tiêu này và giữ vững thành quả mà ngành chăn nuôi đã đạt được, cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là rất quan trọng.

Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2021 đến nay, trên phạm vi cả nước, các loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng, cúm gia cầm... vẫn tiếp tục xảy ra ở diện rộng, gây tổn thất lớn về kinh tế (trên 2.000 tỉ đồng). Tại Quảng Trị, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 ổ dịch cúm gia cầm H5N8 tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ; 2 ổ dịch lở mồm long móng tại xã Gio Sơn và Gio An, huyện Gio Linh với tổng số gia súc mắc bệnh là 70 con (58 con bò, 12 con lợn), tiêu hủy 12 con lợn; 65 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 53 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 2.806 con lợn bị bệnh chết, buộc chôn hủy, trọng lượng tiêu hủy 120.327 kg.

Đặc biệt, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tại 1.623 hộ, 350 thôn, 86 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố với tổng số mắc bệnh 2.793 con (8 con trâu, 2.785 con bò), tiêu hủy 266 con (1 con trâu, 265 con bò), tổng trọng lượng tiêu hủy 35.408 kg. Dịch bệnh trên đàn vật nuôi của tỉnh vẫn còn xảy ra là do dịch tả lợn Châu Phi đến nay chưa có vắc xin tiêm phòng; các ổ dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng xảy ra do chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh theo quy định. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của COVID-19 làm đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, vật tư phục vụ chăn nuôi, tác động bất lợi đến đời sống, việc làm của người dân, hạn chế khả năng triển khai các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi cũng gây thêm khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi có thể xảy ra vào những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh vì nhiều lý do. Trước hết, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng so với cùng kỳ năm trước và có thể tiếp tục tăng mạnh vào các tháng cuối năm, nhất là để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt gia súc, gia cầm trong dịp tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, tỉ lệ gia súc, gia cầm được tiêm phòng thấp, nhiều đàn chưa hoặc không được tiêm phòng. Các loại mầm bệnh lưu hành với tỉ lệ cao, ở phạm vi rộng, trong đó có các loại mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường, chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh (như bệnh dịch tả lợn Châu Phi), bệnh lây lan nhanh và rộng do các véc tơ truyền bệnh (như vi rút gây bệnh viêm da nổi cục).

Một thực tế là nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật vào các tháng cuối năm tăng mạnh trong khi việc giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn quy mô nhỏ lẻ chiếm đa số, làm tăng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Địa bàn Quảng Trị đang vào thời điểm có mưa nhiều, dài ngày, gây ngập nước cục bộ, nhất là ở những vùng trũng sẽ khiến cho các loại mầm bệnh trên đàn vật nuôi có nguy cơ phát tán, lây lan. COVID-19 đang diễn biến phức tạp cũng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm...

Tại công văn số 5031/UBND-NN ngày 20/10/2021 về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, chính quyền các địa phương bố trí nguồn lực để tổ chức hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật đã được UBND tỉnh phê duyệt, chỉ đạo thực hiện.

Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng các bệnh, đảm bảo tối thiểu trên 80% tổng đàn, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dại... Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao. Có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các véc tơ truyền bệnh.

Chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng đến người dân và cộng đồng. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra việc chấp hành đảm bảo an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Các địa phương trong tỉnh tổ chức tháng tổng vệ sinh, sát trùng từ ngày 25/10 - 25/11/2021 để tiêu diệt các loại mầm bệnh ở ngoài môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh nhằm từng bước xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, thúc đẩy chăn nuôi phát triển.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Sớm có giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi, bình ổn giá thịt lợn

Đức Tuân |

Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ sớm có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, dần bình ổn giá, đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên gồm người chăn nuôi, các khâu trung gian, người tiêu dùng. Cho rằng “cần có giải pháp hỗ trợ cho bà con đang có lượng tồn lớn về đàn lợn, chưa xuất chuồng được”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ về lĩnh vực tài chính.

990 triệu đồng thực hiện dự án chăn nuôi bò sinh sản cho người khuyết tật, nạn nhân da cam

PV |

Ngày 13/10/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định phê duyệt dự án “Hỗ trợ hòa nhập xã hội cho người khuyết tật, nạn nhân da cam tại huyện Gio Linh và huyện Vĩnh Linh thông qua hoạt động chăn nuôi bò sinh sản” do Tổ chức Global Civic Sharing (GCS) tài trợ.

Phát triển chăn nuôi hữu cơ theo chuỗi khép kín

Lê Trường |

Mô hình chăn nuôi tổng hợp theo hướng hữu cơ của anh Nguyễn Đăng Vương ở thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) bước đầu đã mang lại hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương.

Nuôi vịt trên sàn lưới, bước đi “đột phá” trong ngành chăn nuôi tại miền núi

Trường Sơn |

Thay vì chăn nuôi vịt truyền thống bằng cách chăn thả trên đồng ruộng, ao hồ thì nhiều hộ chăn nuôi ở xã Tân Long (Hướng Hóa, Quảng Trị) đã áp dụng hình thức chăn nuôi vịt trên sàn lưới. Bước đầu đã phát huy được hiệu quả, tăng năng suất và đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế được dịch bệnh.