Đang có những trái chiều về chủ trương vận động đội ngũ công chức thí điểm mặc áo dài truyền thống đi làm đầu tháng của Sở Văn hóa - Thể thao Thừa Thiên-Huế. Nhiều ý kiến cho rằng mặc mẫu áo dài tên gọi áo ngũ thân là vướng víu bất tiện. Theo Giám đốc sở Phan Thanh Hải, dường như những người lên tiếng thực tế lại chưa hề mặc áo ngũ thân nên mới suy nghĩ như vậy.
Trang phục thể hiện tự tôn dân tộc
Theo ông Hải, nhìn lại lịch sử trang phục người Việt ở quá khứ, có thể thấy dân tộc ta đã trải qua nhiều giai đoạn thay đổi y phục, trang sức, song vào mỗi thời điểm độc lập dân tộc đều luôn lấy tinh thần tự chủ quật cường, tự tôn dân tộc làm chủ đạo, chế tác mẫu trang phục riêng. Ví dụ thời Lý, các Vua từng có chỉ dụ toàn quốc chỉ mặc vải và gấm quốc nội, không dùng vải vóc nhập từ Trung Quốc. Quần áo kích cỡ phải may đo đúng kích thước người Việt, thuận tiện sinh hoạt đi lại, không học mẫu áo quần phương Bắc.
Trong Phủ biên tạp lục, nhà bác học Lê Quý Đôn cũng từng tả, y phục người dân được quy định rõ, thường phục thì đàn ông đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay tùy cỡ người mà tính rộng hoặc hẹp, áo không được xẻ mở từ hai bên nách trở xuống. Theo các nhà nghiên cứu, mẫu áo quần này thường được gọi là trực lĩnh với các biến thể phù hợp kích cỡ người Việt.
Sự thật thì do kích cỡ vải dệt thời phong kiến đều chỉ có khổ từ 35 - 40cm nên việc may thành áo phải ghép 4 mảnh lại gọi là áo tứ thân. Với người vóc dáng to hơn thì dùng 5 mảnh ghép, gọi là áo ngũ thân nên ban đầu, 2 mẫu áo này đều dùng cả nam và nữ. Tuy nhiên, do kích cỡ khác nhau, áo tứ thân nam dần biến mất, áo ngũ thân nữ cũng không mấy ai mặc nữa.
Đến thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1744) làm kiểu trang phục chung, gọi là mẫu áo ngũ thân. Tiếp về sau, các Vua triều Nguyễn đều lấy mẫu áo ngũ thân làm chuẩn, gọi là quốc phục, buộc người dân thay thế dần các mẫu áo quần có trước. Mẫu áo này phổ biến với người nam mặc, song hành với người nữ quen mặc áo tứ thân, đã trở thành mẫu y quan suốt cả triều Nguyễn. Thời điểm Cách mạng tháng Tám thành công, các bậc văn thân tham gia chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Huỳnh Thúc Kháng, khi ra trước công chúng, đi làm việc, đều mặc bộ áo dài ngũ thân này.
Không chỉ đơn giản là thời trang
Theo nhóm nghiên cứu Đình Làng Việt (Hà Nội), tính tự tôn dân tộc trong trang phục áo dài truyền thống không phải duy ý chí suông mà còn gắn với những quan điểm triết lý, nhân sinh quan truyền thống của cha ông. Khi Chúa Nguyễn Phúc Khoát định lại trang phục cho quốc dân, bên cạnh thực tiễn sử dụng vải vóc trong nước, các triều thần cũng gắn thêm các triết lý với mẫu trang phục để góp phần nâng cao vai trò thể chế.
Cụ thể áo tứ thân cho nữ giới là mẫu áo dài từ cổ xuống dưới đầu gối chừng 20cm, có hai vạt trước và sau, mỗi vạt tách làm hai tà. Áo tứ thân không có khuy, có hai tay áo để xỏ vào, bên trong mặc thêm yếm và áo cánh mỏng. Mẫu áo này, theo đó được giải thích có 4 tà áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu (cha mẹ chồng và cha mẹ vợ) mà người phụ nữ phải chăm nom săn sóc. Bên trong áo có vạt áo cụt tượng trưng con cái phải được người phụ nữ ôm ấp vỗ về. Áo gọi tứ thân còn gợi nhắc đến tứ đức của nữ giới, là “công, dung, ngôn, hạnh”. Áo có 2 tà trước luôn buộc với nhau, tượng trưng cho nghĩa vợ chồng mà người phụ nữ cần gìn giữ.
Với áo ngũ thân cho nam, quy chế phải có cổ cao, thẳng và vuông, tượng trưng lòng chính trực can đảm của người quân tử trong xã hội phong kiến. Áo được tả có tứ thân tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và thêm một thân còn lại tượng trưng chính mình, gọi là ngũ thân, đồng thời thể hiện quan điểm tuân thủ ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) của người đàn ông. Áo ngũ thân mặc kèm áo lót màu trắng bên trong, thể hiện quan niệm tinh thần và thân thể luôn thuần khiết sạch sẽ. Áo đi kèm khăn vấn, thể hiện sự trang trọng học thức của người mặc.
Cả áo tứ thân và ngũ thân đều có 5 nút, thể hiện quan điểm bảo vệ ngũ luân (phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu thê hữu biệt, trưởng ấu hữu từ, bằng hữu hữu tín) trong đạo làm người. Điều quan trọng là mẫu áo này yêu cầu may hợp kích cỡ người mặc, nên sẽ không có chuyện lùng nhùng vướng víu hay chật bó khó chịu. Môi trường mặc áo cũng rất linh hoạt, vừa hợp văn phòng làm việc, sinh hoạt công sở, vừa trang trọng hợp các hoạt động lễ nghi, khánh tiết…
Ông Phan Thanh Hải cho biết thêm, kèm áo ngũ thân cho nam nhân phục dựng hiện nay, còn có thẻ bài khắc 4 chữ “nguyên phong chấp sự” (gìn giữ nếp xưa), hàm chứa tinh thần cầu thị phục dựng lễ tiết đạo đức, tác phong hành xử của người xưa trong phong thái làm việc của người hôm nay...
(Nguồn: Báo Lao Động)