Cán bộ Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc áo dài truyền thống đi làm là quá hay, đặc biệt khi có sáng kiến đàn ông mặc áo dài ngũ thân, đội khăn đóng đến công sở.
Chuyện hay như vậy nhưng có nhiều người "ném đá". Góp ý xây dựng, khen chê là quyền của mỗi người, nhưng mắng chửi là chuyện không nên.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai đề án "Huế - Kinh đô áo dài", trong đó "sưu tập" nhiều loại áo dài sinh ra từ vùng đất cố đô, trong đó có áo dài ngũ thân truyền thống. Vậy thì, ngành văn hóa địa phương phục hồi hình ảnh của chiếc áo dài này là quá đúng.
Đàn ông mặc áo dài có gì sai nhỉ, và mặc áo dài ngũ thân, vấn khăn đóng đến công sở có gì xấu. Mặc áo dài ngũ thân có trái với thuần phong mỹ tục không, có làm ảnh hưởng bản sắc văn hóa dân tộc không?
Xin thưa là không, mà là làm giàu thêm cái đẹp truyền thống, làm đậm thêm bản sắc văn hóa dân tộc.
Có nhiều người chê mặc áo dài ngũ thân quá xấu, không hiện đại. Hoặc cho rằng bất tiện, đi lại, làm việc khó khăn.
Trước tiên, xấu hay đẹp là cảm tính, là cảm nhận mang tính chủ quan cá nhân, người này thấy xấu, người khác khen đẹp. Cán bộ ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được lấy ý kiến và đồng tình về mặc áo dài ngũ thân, thì lựa chọn đó là quyền của họ.
Về ý kiến cho rằng bất tiện, thiết nghĩ mỗi tháng chỉ mặc một lần chào cờ sáng thứ hai đầu tháng thì không có gì ghê gớm. Những người mặc chỉ là cán bộ văn phòng, không phải người làm việc ngoài hiện trường, thế thì chẳng có gì ảnh hưởng đến công việc.
Lại có ý kiến "xỉa xói" phí tiền của nhà nước. Lạ quá, người mặc áo dài tự bỏ tiền may áo cho mình, họ yêu thích khi mặc trang phục đó, thế thì ảnh hưởng gì đến "hòa bình thế giới" nhỉ!
"Huế - Kinh đô áo dài" là một đề án văn hóa của địa phương. Trong đó, vận động phụ nữ đi làm mặc áo dài, nữ sinh mặc áo dài đi học. Ngày xưa ở Huế, những người gánh bún, gánh chè đi bán rong thường mặc áo dài. Đó là nét văn hóa riêng biệt đã bị phai mờ, nay khôi phục lại để "giữ chút gì rất Huế".
Huế muốn xây dựng bảo tàng áo dài, quá tốt. Nhưng không chỉ là một bảo tàng lưu giữ các loại áo dài qua các thời kỳ, mà cần xây dựng một bảo tàng áo dài "sống".
Đó là nữ sinh áo dài tím, áo dài trắng đến trường, cô giáo mặc áo dài lên lớp. Đó là những phụ nữ mặc áo dài đi lễ chùa, đi nhà thờ. Đó là nữ công chức, viên chức mặc áo dài đến công sở. Và đã là bảo tàng sao có thể thiếu được chiếc áo dài ngũ thân đặc sắc của xứ Huế.
Cho nên, việc phục hồi hình ảnh của chiếc áo dài ngũ thân bằng cách công chức mặc chào cờ mỗi tháng một lần của ngành văn hóa địa phương là một sáng kiến độc đáo đáng được ủng hộ.
(Nguồn: Báo Lao Động)