Vụ bé trai bị bắt cóc ở Bắc Ninh đã kết thúc có hậu khi công an đã giải cứu được cháu bé và bắt được nghi phạm. Tuy nhiên, từ câu chuyện này, có lẽ nhiều bậc phụ huynh cần thay đổi mỗi khi đi chơi với con.
Tại các công viên, nơi vui chơi công cộng, bên cạnh những ông bố, bà mẹ “kèm chặt” con như hình với bóng, chơi cùng với con thì một cảnh tượng không hiếm gặp là trẻ em đang nô đùa, nghịch ngợm, còn bố, mẹ hoặc người thân của các em chăm chú vào điện thoại thông minh, thi thoảng mới ngẩng lên để nhìn đến con.
Điều đáng nói là nhiều người dùng điện thoại lúc đó không phải trong trường hợp cấp thiết mà đơn thuần chỉ để lướt mạng xem tin tức hay thậm chí chơi games. Có đôi lần, người viết còn chứng kiến cảnh một ông bố vừa không rời mắt khỏi điện thoại, vừa cáu kỉnh với con khi cậu bé “mè nheo” muốn mua một cây kem.
Tại những nơi vui chơi công cộng, nhất là ở công viên, thường có rất đông người, nhiều thành phần. Bên cạnh những mối nguy hiểm từ những người lạ có mục đích xấu, thì còn có nguy cơ từ các hồ nước, nguy cơ ngã, gây thương tích… Vì vậy, chú ý đến con, không lúc nào là thừa.
Chị Ngô Thị Quyên (Khu đô thị Dương Nội, Hà Đông) kể lại: Trước đây, chị ở trọ gần công viên Nghĩa Đô (Cầu Giấy), nên thường đưa con ra đây chơi. Lúc đó, cháu gần 2 tuổi, nhưng đã rất hiếu động. “Hôm đó, rất đông trẻ em chơi. Cháu cũng chơi đùa, chạy nhảy rất vui vẻ. Tôi ngồi gần chỗ cháu chơi, cầm điện thoại ra xem Facebook khoảng nửa phút, ngẩng lên đã không thấy cháu đâu. Giật thót người, tôi chạy đi tìm. Rất may là cháu chạy sang chỗ vui chơi khác. Từ đó, tôi tự hứa là mỗi khi ở nơi công cộng, tôi không bao giờ rời mắt khỏi con nữa, vì chỉ cần vài giây không để ý đến con, mọi thứ có thể rất tồi tệ, vượt khỏi tầm kiểm soát của mình”.
Tra Google cụm từ “bố mẹ mải chơi điện thoại”, trong vòng 0,43 giây đã cho ra 20,7 triệu kết quả. Con số này đủ để thấy đây không phải là hiện tượng hiếm gặp, không những ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Báo chí, mạng xã hội đã rất nhiều lần đăng tải thông tin những tai nạn đáng tiếc xảy ra khi mà bố mẹ quá mải mê vào màn hình điện thoại, “quên” đi đứa con của mình.
Cách đây không lâu, mạng xã hội đăng tải đoạn clip ngắn gần 1 phút ghi lại cảnh tượng hãi hùng và đầy đau đớn mà một bé gái phải chịu đựng khi mẹ quá mải mê vào điện thoại di động.
Cụ thể, trong lúc người mẹ chăm chú tập trung vào chiếc điện thoại di động thì cô con gái tung tăng đùa nghịch ngay cửa thang. Bất ngờ cánh cửa mở ra ngay khi cánh tay trái của cô bé tiếp xúc với bề mặt cửa khiến bàn tay em bị cuốn vào bên trong cửa.
Lúc này, người mẹ hoảng loạn chạy đến cố gắng kéo tay con ra, những người ở bên ngoài ra sức bấm nút đóng thang máy, nhưng do có vật cản nên cánh cửa không thể đóng lại được. 1 phần bàn tay trái của bé gái đã mắc kẹt trong khe cửa thang máy. Đứa con thì không ngừng la khóc vì đau và hoảng sợ. Sau 1 hồi ra sức ép cánh cửa thang máy, tay em bé cũng được gỡ ra.
Không chỉ xảy ra nhiều nguy cơ an toàn đối với trẻ, bố mẹ mải mê điện thoại còn ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm lý, nhận thức (ví dụ khả năng ngôn ngữ) của trẻ.
Nhiều chuyên gia đều khuyên các bậc phụ huynh hãy bỏ điện thoại xuống để chơi cùng con, không chỉ ở những nơi vui chơi công cộng, mà còn ngay ở chính ngôi nhà của mình. Dẹp điện thoại sang một bên, chơi cùng con, hoặc nếu không chơi cùng (nhiều khi trẻ chỉ muốn chơi một mình hoặc chơi với bạn) thì hãy dõi mắt về con với sự ấm áp, tin tưởng, không rời.
Điều đó không những đảm bảo an toàn gần như tuyệt đối cho con mà còn khiến tình cảm bố con, mẹ con ngày càng bền chặt. Trẻ sẽ cảm nhận rõ nét được tình cảm yêu thương, sự gắn bó của bố mẹ; có những kỷ niệm êm đềm, vui vẻ cùng gia đình mà trẻ sẽ nhớ mãi khi lớn lên.
Vụ bé trai mất tích ở Bắc Ninh khiến nhiều bố mẹ phải nhìn lại mình, để quan tâm, gần gũi, đồng hành cùng với con nhiều hơn nữa.
(Nguồn: Báo Lao Động)