Ngày 11/3/2022, Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã bế mạc sau 3 ngày làm việc (từ 9 đến 11/3) tại Hà Nội. Một trong những nội dung quan trọng tại đại hội lần này là chương trình đối thoại với Thủ tướng Chính phủ về chủ đề “Đối thoại 2030 - Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ”.
Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ chính là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển bền vững và tiến bộ lâu dài của xã hội. Bình đẳng giới trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Một trong những thành công đáng kể của nước ta từ ngày khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (1945) cho đến hôm nay là vấn đề giải phóng phụ nữ và bình đẳng giới.
Lịch sử luôn nhắc nhớ chúng ta rằng nhiều quốc gia, nhiều dân tộc trên thế giới đã từng tồn tại chế độ mẫu hệ. Chế độ mẫu hệ, dưới nhiều hình thức vẫn còn tồn tại, con cái mang họ mẹ vẫn được gìn giữ trong nhiều dân tộc thiểu số ở nước ta, tuy nhiên vấn đề bất bình đẳng nam - nữ vẫn chưa bao giờ được giải quyết trọn vẹn. Chính vì thế ở nhiều quốc gia, việc đấu tranh cho bình đẳng giới luôn được ưu tiên như một nhiệm vụ quan trọng. Và Việt Nam là một minh chứng thuyết phục cho điều đó.
Một minh chứng cho thành công ấy là con số thống kê đầy sức thuyết phục: Gần đây nhất, trong những con số được Quốc hội Việt Nam khóa XV đưa ra về cuộc bầu cử ngày 23/5/2021, Quốc hội nước ta có 499 đại biểu thì có 151 đại biểu nữ, chiếm 30,26%. Đây là lần thứ hai số nữ đại biểu Quốc hội của nước ta đạt trên 30% (lần đầu tiên là Quốc hội khoá V, đạt 32,31%).
Cũng cần nhớ là Quốc hội khóa I (năm 1946) chỉ với 10 đại biểu nữ (chiếm 3%). Đặc biệt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Quốc hội Việt Nam vì đây là lần đầu tiên trong 75 năm qua, Việt Nam có một nữ chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, đồng thời có một phó chủ tịch thường trực Quốc hội là bà Tòng Thị Phóng. Số đại biểu nữ tham gia Quốc hội ngày càng nhiều và đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Tỉ lệ nữ ủy viên thường vụ và chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội trong 3 khóa gần đây tăng lên.
Số đại biểu nữ giữ các vị trí lãnh đạo trong Quốc hội nhiệm kỳ này chiếm gần 40%. Số nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 26,5% (tăng 1,37% so với nhiệm kỳ trước); cấp huyện đạt 27,9% (tăng 3,2% so với nhiệm kỳ trước). Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong số Ủy viên Trung ương Đảng chính thức được bầu có 18 đại biểu nữ (chưa tính 1 ủy viên dự khuyết, tăng 1 đại biểu so với nhiệm kỳ khóa XII). Trong 63 bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 có 9 người là nữ tại các tỉnh: Lạng Sơn, Lai Châu, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ngãi và An Giang. Đây là số lượng nữ bí thư tỉnh ủy nhiều nhất từ trước đến nay. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở Châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội. Chỉ số bình đẳng giới không ngừng được cải thiện. Trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, phụ nữ Việt Nam cũng đạt được sự tiến bộ đáng kể.
Với những con số và sự kiện như nêu ở trên, rõ ràng Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất lớn trong vấn đề bình đẳng giới. Những thành tựu đã đạt được trong công tác bình đẳng giới của Việt Nam là không thể phủ nhận. Tuy nhiên cũng còn nhiều vấn đề tồn tại là trở lực rất lớn cho công tác bình đẳng giới ở các lĩnh vực kinh tế; chính trị - xã hội và gia đình, đòi hỏi phải có sự phối hợp hành động bằng nhiều giải pháp thiết thực hơn.
Bình đẳng giới chắc chắn sẽ có sức thuyết phục hơn khi cận cảnh vào từng số phận. Vào những dịp như ngày 8/3 hay 20/10, đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp những hình ảnh chị em phụ nữ vất vả trên đường phố làm phần việc của mình vào thời khắc mà lẽ ra họ phải được thư giãn, nghỉ ngơi và tận hưởng. Thậm chí nhiều trang báo còn đăng hình ảnh chị em phải lao động nặng nhọc ngay trong ngày lễ của mình như bốc vác, phụ hồ, chạy xích lô… Không chỉ vào những dịp đó, mà trong cuộc sống đời thường, chị em phụ nữ vẫn phải gánh vác nhiều công việc nặng nhọc, chịu nhiều thiệt thòi mà lẽ ra họ cần được chia sẻ nhiều hơn.
Những con số cho thấy tỉ lệ tham chính của phụ nữ trong các cơ quan công quyền hay các doanh nghiệp ngày càng tăng rất đáng để chúng ta vui mừng và tự hào. Nhưng chắc chắn sự vui mừng đó, niềm tự hào đó sẽ trọn vẹn hơn nếu cuộc sống của mỗi một phụ nữ luôn được chăm lo thiết thực từng ngày, từng giờ. Điều đó đẹp hơn nhiều so với những bông hoa hồng được trao tặng cho chị em phụ nữ vào mỗi dịp lễ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)