Trong những năm qua, công tác bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Những kết quả đạt được trong công tác bình đẳng giới đã góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Năm 2017, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) phối hợp với UBND huyện Đakrông và UBND xã Tà Long triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh” tại xã Tà Long. Đây là mô hình được triển khai nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng. Nhờ đó, nhiều nạn nhân bị bạo lực được tư vấn về tâm lý, pháp luật cơ bản, được chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ ban đầu về tạm lánh khẩn cấp và chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết. “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh” tại xã Tà Long đã hỗ trợ, can thiệp, xử lý trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực cho hơn 500 chị em đang sinh sống tại địa bàn. Đây là một trong những hoạt động hiệu quả nhằm hỗ trợ bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS được đẩy mạnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đồng bào DTTS; vận động đồng bào DTTS phát huy các phong tục, tập quán và truyền thống tốt đẹp của dân tộc phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới đã được thúc đẩy bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán địa phương. Việc thực hiện Luật Bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là tại các địa bàn triển khai trực tiếp của Chương trình 135.
Qua gần 1 năm triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 tỉnh Quảng Trị, công tác bình đẳng giới đã đạt và vượt kế hoạch đề ra trên nhiều lĩnh vực như: Giải quyết việc làm, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, văn hóa... Vị trí của người phụ nữ trên địa bàn tỉnh đang từng bước được nâng lên. Nhận thức của người dân về bình đẳng giới và pháp luật về bình đẳng giới ngày càng được nâng cao, thông tin được cập nhật thường xuyên. Sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị được tăng cường; giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người DTTS đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.
Tuy nhiên, vấn đề bình đẳng giới đối với vùng DTTS vẫn gặp những khó khăn nhất định khi người phụ nữ ở vùng này còn hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm; chưa mạnh dạn thể hiện chính kiến, năng lực của mình; chưa chủ động học tập, phấn đấu vươn lên và do trình độ dân trí thấp dẫn đến vấn đề nhận thức về giới còn hạn chế. Một số chị em còn mang nặng quan niệm phụ nữ chỉ làm việc nội trợ và chăm sóc con cái nên chưa chủ động tiếp cận để phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, việc tiếp cận với giáo dục cho trẻ em trai và trẻ em gái ở vùng đồng bào DTTS còn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân; các vụ bạo lực gia đình và kết hôn ở độ tuổi trẻ em vẫn còn xảy.
Trước thực trạng đó, Sở LĐ,TB&XH đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho vùng đồng bào DTTS. Sở cũng đã phối hợp với UBND hai huyện Hướng Hóa và Đakrông tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, Sở LĐ,TB&XH đã phối hợp với các sở, ban ngành, UBND huyện Hướng Hóa và Đakrông, các tổ chức phi chính phủ triển khai dự án phòng chống kết hôn trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Theo đó, đã tổ chức 24 khóa tập huấn, 174 cuộc truyền thông với hơn 5.000 người tham gia. Bên cạnh đó, Sở LĐ,TB&XH thành lập mạng lưới cộng tác viên để nắm bắt tình hình thực tế, từ đó, có sự chỉ đạo kịp thời trong công tác phòng, chống trẻ em kết hôn. Đến nay, đã có hơn 16 xã trên địa bàn tỉnh tổ chức xây dựng quy ước thôn không có tảo hôn để áp dụng thực hiện một cách nền nếp, hiệu quả.
Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ,TB&XH Nguyễn Thị Ái Loan cho biết: Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa công tác bình đẳng giới nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới, tảo hôn đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trước hết, trong công tác giáo dục, vấn đề dạy chữ viết cho phụ nữ DTTS là ưu tiên hàng đầu. Đối với nhóm đối tượng này, những chương trình dạy chữ cần thiết thực, kết hợp phát triển kinh tế và học chữ để khuyến khích phụ nữ tham gia.
Tiếp đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông bằng cách đa dạng hóa hình thức, nội dung thiết thực, dễ hiểu. Hiện nay, lao động nữ thanh niên DTTS vẫn bị tụt hậu so với mặt bằng chung của xã hội do rào cản ngôn ngữ và hạn chế về trình độ học vấn. Do đó, các lớp đào tạo dạy nghề cho phụ nữ DTTS cần quan tâm đến những đặc thù này và khả năng tham gia vào thị trường lao động cụ thể. Ngoài ra, cần tiếp tục đầu tư và củng cố cơ sở hạ tầng ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để giúp phụ nữ DTTS tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ giáo dục, y tế...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)