Từ năm học 2021-2022, sẽ không còn môn chính - phụ, sẽ không còn xếp hạng giỏi, khá, trung bình, yếu, kém, không còn lạm phát bằng khen. Và không có những thứ này, bệnh thành tích không còn đất để tồn tại. Bệnh thành tích đã làm hỏng nhiều thứ, chống bao nhiêu lâu cũng không được, bởi vì chúng ta tạo ra môi trường để dung dưỡng nó.
Vì những tấm bằng khen, vì cái tiếng học sinh giỏi, xuất sắc, mà bao nhiêu phụ huynh hoa mắt, hoang tưởng về con mình, còn thầy cô giáo, nhà trường thì chạy đua để gặt hái nhiều giấy khen nhất có thể mà chính họ biết rằng không thực. Từ đó nảy sinh hội chứng thành tích và cũng là nguyên nhân của những dối trá trong giáo dục.
Cha mẹ thấy bảng điểm của con nhiều điểm 10 là sung sướng, khoe khoang con mình là thần đồng, nhưng đó là thứ không có nhiều thực chất.
Nhà trường lại phân biệt đối xử, những em học giỏi môn “chính” được đề cao, còn học sinh khác bị xem thường. Con người có nhiều “vùng” thông minh. Cho nên, có em giỏi văn, có em giỏi toán, có em giỏi âm nhạc hoặc thể thao, tại sao cứ phải là giỏi toán hay giỏi văn mới là giỏi.
Hãy nhìn ra cuộc sống, cầu thủ đá bóng giỏi tạo cho mình sự nghiệp, nổi tiếng và giàu có, mang lại danh tiếng không chỉ cho bản thân mà còn cho đất nước. Đừng nói chuyện Ronaldo hay Messi cho xa xôi, cứ nhìn chân dung Quang Hải, Văn Hậu thì sẽ rõ. Chưa kể quá nhiều môn thể thao khác như bơi lội với Ánh Viên, cờ vua với Lê Quang Liêm...
Giỏi âm nhạc, nghệ thuật cũng thể hiện “vùng” thông minh của cá nhân và mang lại sự thành công không thua gì một người giỏi toán. Việt Nam có giáo sư toán học Ngô Bảo Châu với giải Fields thì cũng có nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn với giải Chopin. Vậy thì tại sao trong giáo dục có thể xem môn thể dục hay âm nhạc là phụ?
Hãy để giáo dục tiếp cận con người với tất cả những gì thuộc về thực chất cá nhân, thuận theo tự nhiên, đừng gò ép theo sự áp đặt của những mớ lý thuyết duy ý chí. Hãy để cho cá nhân phát huy năng lực, tài năng, đặc biệt là sự sáng tạo.
Nói như thầy Nguyễn Quốc Bình - Cố vấn chuyên môn Hội đồng quản trị Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - với Lao Động: “Học sinh có rất nhiều điểm mạnh khác nhau, có em có điểm mạnh về Toán, Văn, Ngoại ngữ... có em sở hữu khả năng về âm nhạc, thể thao, hội họa… Tất cả đều sẽ thành công nếu được ghi nhận và vun đắp”.
Rất mừng vì Thông tư 22 mà Bộ GDĐT vừa ban hành có những điểm mới, đột phá trong đánh giá xếp loại học sinh, vấn đề còn lại là áp dụng trong thực tế.
(Nguồn: Báo Lao Động)