Tai nạn đuối nước ở trẻ em thường xảy ra vào dịp hè và mùa mưa lũ. Nguyên nhân chủ yếu do sự bất cẩn của người lớn, môi trường sống xung quanh của trẻ không an toàn; do trẻ không biết bơi; chưa biết các kỹ năng, kiến thức về sự an toàn khi tắm biển, sông, hồ. Vì thế, cần có nhiều sự quan tâm hơn nữa đến trẻ em, nhất là tổ chức các hoạt động dạy bơi, dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước; phát triển phong trào tập luyện bơi… nhằm giảm tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Chị Đặng Thị Hải Yến, Quản lý Dự án Bơi an toàn (Swim for Life) cho biết, năm 2022, Dự án Phòng, chống đuối nước cho trẻ em Quảng Trị được triển khai đầu tiên tại huyện Triệu Phong do Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá - CTFK (Chương trình Vận động chính sách Y tế toàn cầu-GHAI) tài trợ kinh phí.
Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên giảng dạy kỹ năng bơi sống sót, kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Hỗ trợ các hoạt động can thiệp hiệu quả để giảm thiểu tai nạn đuối nước thông qua dạy bơi và giảng dạy kiến thức, kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em từ 6-15 tuổi; truyền thông các thông điệp về phòng, chống đuối nước nhằm nâng cao nhận thức cho trẻ em và cộng đồng về cách nhận biết nguy hiểm trong môi trường nước và cách tự bảo vệ bản thân…
Trong năm 2022, dự án tổ chức tập huấn cho 31 giáo viên dạy bơi và phụ trách giám sát, vận hành hồ bơi về phương pháp giảng dạy kiến thức và kỹ năng bơi sống sót cho học sinh; tổ chức 16 lớp học bơi sinh tồn cho 299 trẻ em...
Kế hoạch năm 2023, 2024, dự án triển khai nhiều hoạt động trọng tâm như: tập huấn nâng cao năng lực về giảng dạy bơi sống sót cho đội ngũ giáo viên dạy thể dục để dạy lại cho học sinh, tăng cường dạy bơi sống sót cho khoảng 1.840 học sinh ở các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Vĩnh Linh; tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng cho khoảng 14.264 trẻ em của trường trong vùng hưởng lợi dự án và các xã có tỉ lệ trẻ em đuối nước cao hoặc có nhận thức về phòng, chống đuối nước còn hạn chế.Sau khi tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 8/3/2022 về triển khai Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022- 2030, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức nhiều lớp tập huấn phổ cập bơi và cứu hộ trong hoạt động bơi, lặn nhằm bổ sung và bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hướng dẫn viên, cộng tác viên, giáo viên thể dục - thể thao ở cơ sở.
Nhiều sở, ban, ngành và địa phương đã xây dựng kịch bản, chương trình tuyên truyền về công tác phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em, nội dung phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, giới tính. Từ đó, tạo được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân, phụ huynh tự giác đưa con em đến tham gia các lớp phổ cập bơi và chủ động tập luyện cho các em. Công tác xã hội hóa về bơi nhận được quan tâm từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Năm 2022, nhiều doanh nghiệp đầu tư trên 3 tỉ đồng để xây dựng bể bơi phục vụ các hoạt động dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em. Toàn tỉnh hiện có khoảng 50 cơ sở có đầu tư xây dựng bể bơi; đa số bể bơi có huấn luyện viên, hướng dẫn viên bơi, nhân viên cứu hộ và đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, an toàn theo quy định.
Trong đó, có khoảng 30 cơ sở đã tổ chức trên 100 lớp dạy bơi, dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Nhiều đơn vị, địa phương tổ chức hội thi bơi; phòng, chống đuối nước… thu hút nhiều trẻ em tham gia. Năm 2022, toàn tỉnh có 123.087 em trong độ tuổi tiểu học, thì có khoảng 51% trẻ em biết bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước; có 94.074 em trong độ tuổi THCS, thì có khoảng 60,1% trẻ em biết bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh được triển khai và hưởng ứng tích cực với mục tiêu “Trẻ em toàn xã biết bơi”, “Học sinh toàn trường biết bơi”; nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em ngày càng cao, số trẻ em bị đuối nước giảm qua từng năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế, khó khăn. Trên địa bàn toàn tỉnh trẻ em tử vong do đuối nước năm 2022 là 14 em; 5 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra một số tai nạn đuối nước thương tâm.
Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Phan Văn Hóa cho biết, việc chăm lo, bảo vệ trẻ em cần được đặc biệt quan tâm bằng chính những hành động tích cực, hiệu quả hơn nữa từ các cấp, ngành, địa phương và phụ huynh trong đảm bảo an toàn cho trẻ trong môi trường nước. Sở VH,TT&DL trực tiếp tổ chức và phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phổ biến tuyên truyền về phòng, chống đuối nước trẻ em, vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát con em mình phòng tránh tai nạn đuối nước, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè, mùa bão lụt.
Tạo thuận lợi về cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức dạy bơi và các kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh, trẻ em trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ công chức, viên chức, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên về kỹ thuật bơi an toàn, phương pháp sơ cứu, cấp cứu và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, phòng, chống đuối nước trẻ em.
Tiến hành rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng của trẻ em, đem lại hạnh phúc và sự phát triển bền vững cho gia đình và xã hội.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)