Dạy học tích hợp: Đừng để “bình mới rượu cũ”!

Mai Lâm |

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, học sinh lớp 6 có 2 môn tích hợp là Khoa học tự nhiên (tích hợp kiến thức vật lý, hóa học, sinh học), Lịch sử và Địa lý (tích hợp kiến thức lịch sử, địa lý). Tuy vậy, một thực tế đang diễn ra là sách giáo khoa tích hợp nhưng hầu hết các trường đều phải bố trí 2 -3 giáo viên dạy chung một môn học.

Theo phân công thời khóa biểu, thầy A phụ trách dạy phần vật lý ở một trường THCS trên địa bàn thành phố Đông Hà (Quảng Trị) có tiết dạy đầu tiên của môn Khoa học tự nhiên lớp 6. Vì vậy, thầy đã bắt đầu bằng bài 1: Giới thiệu về khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, đến tiết sau cô B phụ trách dạy phần hóa học, cô cho rằng bài đầu tiên mà thầy A dạy nghiêng về kiến thức hóa học, lẽ ra phải để cô dạy nhưng lỡ rồi nên thầy A phải dạy luôn bài 2 vì kiến thức bài này nghiêng về phần vật lý. Còn theo thầy A, tiết dạy đầu tiên buộc thầy phải dạy bài đầu tiên của sách để giới thiệu những khái niệm cơ bản về khoa học tự nhiên cho học sinh chứ không thể “bỏ” bài 1, dạy bài 2. Đó chỉ là một trong rất nhiều tình huống thể hiện sự lúng túng của các đơn vị trường học và đội ngũ giáo viên khi tổ chức dạy học môn tích hợp.

 

Trong những ngày đầu tiên của năm học mới, các trường gặp không ít khó khăn từ việc bố trí thời khóa biểu, giáo viên, tổ chức phương pháp giảng dạy cho đến triển khai kế hoạch, đánh giá học sinh… Nguyên nhân cơ bản do triển khai chương trình dạy học mới nhưng đội ngũ giáo viên chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng dạy môn mới một cách bài bản. Sau hơn 2 tháng học tập, hầu hết học sinh khối lớp 6 năm học 2021 - 2022 vẫn chưa ý thức 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý là các môn học tích hợp mà chỉ xem đó là 5 môn học riêng biệt được dùng chung 2 quyển sách giáo khoa.

Khoa học tự nhiên lớp 6 là môn tích hợp các kiến thức về vật lý, hóa học và sinh học thông qua 4 chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và bầu trời. Chương trình môn Khoa học tự nhiên được thiết kế theo chủ đề. Mỗi chủ đề lại phù hợp với từng đơn môn. Vì không có giáo viên “tích hợp” đủ kiến thức của các môn học nên các trường phải bố trí mỗi giáo viên phụ trách một phân môn. Đa phần các trường chọn thời khóa biểu bố trí 1 tuần cho môn học này là: 1 tiết Vật lý, 1 tiết Hóa học và 2 tiết Sinh học. Giáo viên từng môn tổ chức dạy song song nên học sinh không được học liền mạch nội dung theo trình tự trong sách giáo khoa. Vì thế việc tiếp thu kiến thức môn học này của nhiều học sinh gặp khó khăn khi thiếu tính logic để hệ thống các bài học với nhau.

Đối với môn Lịch sử và Địa lý, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau. Nội dung lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung địa lý và ngược lại nội dung địa lý tích hợp trong những phần phù hợp nội dung lịch sử nên yêu cầu đặt ra là giáo viên phải có kiến thức cả về lịch sử và địa lý mới chuyển tải tốt nội dung tích hợp môn học này.

Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế một số trường trên địa bàn tỉnh cho thấy, chỉ một số giáo viên tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị trước đây được đào tạo liên môn Lịch sử - Địa lý, còn lại chủ yếu giáo viên tốt nghiệp hệ đại học các trường sư phạm trong nước đều được đào tạo theo từng bộ môn chuyên sâu. Trong khi đó, đa phần giáo viên được đào tạo liên môn Lịch sử - Địa lý ở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị lâu nay đều đảm nhận giảng dạy đơn môn, quá trình công tác được bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu theo môn học được phân công giảng dạy nên có rất ít giáo viên có thể đáp ứng được cả kiến thức chuyên môn của 2 môn này.

Dạy học tích hợp, liên môn đang là vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua. Trong đó, nhiều người đồng ý quan điểm dạy học tích hợp tức là dạy kiến thức liên môn và ngược lại, để đảm bảo hiệu quả của dạy liên môn thì phải hướng tới mục tiêu tích hợp. Ở mức độ thấp thì dạy học tích hợp là lồng ghép những nội dung giáo dục có liên quan vào quá trình giảng dạy một môn học. Mức độ tích hợp cao hơn là phải xử lý các nội dung kiến thức trong mối liên quan với nhau, đảm bảo cho học sinh vận dụng được tổng hợp các kiến thức một cách hợp lý để giải quyết các vấn đề trong học tập, trong cuộc sống, đồng thời tránh việc học sinh phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức ở các môn học khác nhau.

Như vậy, vấn đề cốt lõi của dạy học tích hợp chính là phương pháp dạy học. Dạy học theo chủ đề tích hợp, liên môn đòi hỏi giáo viên phải tổ chức được hoạt động học tích cực, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, gắn kết kiến thức với thực tiễn thay vì dạy học theo lối truyền thụ kiến thức truyền thống. Muốn vậy, giáo viên cần chủ động tìm hiểu những ứng dụng kiến thức các môn học tích hợp vào giải quyết các tình huống thực tiễn. Thông qua sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn trong nhà trường, giáo viên được phân công phụ trách môn tích hợp cần thảo luận, xây dựng các chủ đề dạy học; xác định những năng lực có thể phát triển cho học sinh trong mỗi chủ đề; biên soạn các câu hỏi, bài tập để đánh giá năng lực học sinh, quá trình tổ chức dạy học cần phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực tiễn để đề xuất phương pháp dạy môn tích hợp hiệu quả nhất đối với từng cơ sở giáo dục.

Có thể nói, khó khăn, bỡ ngỡ trong thời gian đầu triển khai chương trình dạy học mới là điều không thể tránh khỏi. Việc bố trí các giáo viên đơn môn dạy chung một môn tích hợp như hiện nay cũng chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, khi môn học tích hợp được áp dụng với những khối lớp học cao hơn, kiến thức sâu rộng hơn thì ngành giáo dục và đào tạo cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên bài bản, chính quy về nội dung dạy học tích hợp đạt chuẩn yêu cầu mới, chứ không thể theo kiểu “bình mới rượu cũ” như hiện nay.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học

Xuân Vinh |

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở địa phương. Đặc biệt, trước tình hình diễn biến của COVID- 19 thì việc ứng dụng công nghệ thông tin càng được ngành Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Linh đẩy mạnh. Theo đó, ngay từ đầu năm học, các trường học chủ động rà soát, kiểm tra thiết bị công nghệ thông tin, đồng thời tổ chức chuyên đề dạy trực tuyến để rút kinh nghiệm triển khai khi có yêu cầu của cấp trên.

Áp dụng dạy học trực tiếp đối với một số khối lớp ở thành phố Đông Hà từ ngày 21/10/2021

Quang Đăng |

Ngày 17/10/2021, Sở GD&ĐT ban hành hướng dẫn tạm thời các hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Đông Hà (Quảng Trị).

Triển khai dạy học trực tiếp với những vùng kiểm soát dịch tốt

Tú Linh |

Năm học mới 2021-2022 được bắt đầu vào thời điểm COVID-19 có nhiều diễn biến khó lường. Trước tình hình đó, phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị LÊ THỊ HƯƠNG để rõ hơn về kế hoạch dạy, học trong năm học mới.

Quảng Bình lùi thời gian tổ chức dạy học vì dịch COVID-19

PV |

Ngày 3/9, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho cán bộ, giáo viên và các em học sinh, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã quyết định điều chỉnh thời gian tổ chức dạy học phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.