Điện một giá: Chỉ có lợi cho người giàu?

PV |

Giá bán lẻ điện một giá chỉ có lợi đối với khách hàng sử dụng từ 700-900 KWh/tháng trở lên, người dùng ít điện sẽ chịu thiệt.

Hai phương án tính giá điện sinh hoạt

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014. Tại dự thảo này, Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án tính giá điện sinh hoạt.

 

Phương án 1, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt từ 6 bậc hiện hành sẽ chỉ còn 5 bậc.

Phương án 2, khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang giá bán lẻ điện một giá hoặc ngược lại là một năm tính từ thời điểm bắt đầu thay đổi (12 kỳ hóa đơn thanh toán). Đây là phương án mới, chưa từng xuất hiện trong các dự thảo trước đó của Bộ Công Thương.

Ở phương án thứ 2 này, dự thảo đưa ra 2 lựa chọn bổ sung là phương án 2A và 2B áp dụng cho khách hàng chọn sử dụng điện theo biểu giá một bậc duy nhất.

Với phương án 2A, các bậc thang bán lẻ điện từ bậc 1 đến 4 được tính như phương án 1. Riêng khách hàng dùng điện từ bậc 5, từ 701 kWh trở lên, sẽ chịu mức giá điện bình quân lên tới 274%. Còn giá điện một giá áp dụng ở phương án này là 145% mức giá bán lẻ điện bình quân, tương ứng 2.703,43 đồng/kWh - chưa bao gồm VAT nếu áp dụng theo mức giá bán lẻ điện ngày 20/3/2019 được Chính phủ phê duyệt.

Với phương án 2B, các bậc thang bán lẻ điện từ bậc 1 đến 4 được tính như phương án 1. Riêng khách hàng dùng điện từ bậc 5, từ 701 kWh trở lên, sẽ chịu mức giá điện bình quân là 185%. Còn mức giá dành cho khách hàng chọn hình thức điện một giá là 155% mức giá điện bình quân, tương ứng 2.889,88  đồng/kWh - chưa bao gồm VAT.

Sử dụng dưới 700 KWh/tháng: Không nên chọn điện một giá

Như vậy, với giá điện bậc thang mới, nhóm khách hàng dùng 400 số trở xuống có số tiền điện phải đóng ít hơn so với bậc thang cũ. Tuy nhiên, nếu nhóm khách hàng này lựa chọn dùng điện một giá, thì số tiền phải đóng lại tăng hơn rất nhiều so với việc sử dụng giá điện bậc thang. Cụ thể, giả sử khách hàng dùng 400 kWh/tháng, nếu khách hàng lựa chọn điện 1 giá là 2.703 đồng/kWh thì phải đóng cao hơn đến 186.300 đồng/tháng. Còn lựa chọn điện một giá theo phương án 2B sẽ phải đóng cao hơn 261.074 đồng/tháng.

Trong khi đó, theo số liệu của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), số hộ sử dụng điện dưới 400 kWh lên đến hơn 22 triệu hộ. Như vậy, trong biểu giá điện mới này, có ít nhất 22 triệu hộ dân không thể chọn cách trả điện một giá.

Tương tự, với bậc thang mới, khách hàng dùng từ 401 - 700 kWh/tháng, số tiền điện phải trả cao hơn so với bậc thang cũ, tuy nhiên mức tăng không đáng kể. Tuy nhiên, nếu lựa chọn điện một giá, khách hàng sẽ phải trả chênh lệch thêm từ 102.000 - 233.000 đồng/tháng, tùy chọn phương án 1 giá 2.703 đồng hay 2.890 đồng/kWh. Do đó, khách hàng dùng dưới 700 kWh/tháng cần cân nhắc kỹ việc lựa chọn điện một giá. Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, có đến 98,2% số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh.

Có thể thấy, giá bán lẻ điện một giá chỉ có lợi đối với khách hàng sử dụng từ 700-900 KWh/tháng trở lên. Với bậc thang mới, theo phương án 2A, khách hàng dùng 800 số có số tiền điện phải đóng cao hơn 220.912 đồng/tháng so với bậc thang hiện hành; còn với phương án 2B, mức chênh lệch giữa cách tính theo bậc thang hiện hành và bậc thang mới là không đáng kể. Tuy nhiên, nếu dùng điện một giá, số tiền khách hàng này phải đóng thấp hơn nhiều so với việc dùng điện bậc thang. Do đó, khách hàng dùng 701 số trở lên có thể lựa chọn phương án sử dụng điện một giá.

Người dùng điện ít sẽ chịu thiệt

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, các phương án tính giá điện Bộ CôngThương đưa ra đang có nhiều bất hợp lý, cần phải xem xét lại. Bởi hiện nay đã có quy định của Chính phủ về mức bán lẻ giá điện bình quân, trong đó đã tính hết tất cả các chi phí đầu vào, các chi phí hợp lý trong quá trình sản xuất, mua bán, kinh doanh và lãi của ngành điện...

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, biểu giá điện 5 bậc chỉ có bậc 1 là dưới mức giá bán lẻ điện bình quân mà Chính phủ đưa ra, còn 4 bậc còn lại đều cao hơn giá bán lẻ điện bình quân. Trong đó, bậc cao nhất theo phương án 1 là 168% so với giá bán lẻ điện bình quân, bậc cao nhất phương án 2A là 274%, còn bậc cao nhất theo phương án 2B là 185%.

“Rõ ràng, giá bán lẻ bình quân thực tế cao hơn giá bán lẻ điện bình quân Chính phủ quy định, như vậy, giá điện bán lẻ còn có ý nghĩa gì nữa? Bộ Công Thương cần làm rõ vì sao lại xây dựng biểu giá điện với mức giá cao như vậy trong khi đã có mức giá bán lẻ điện bình quân”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đặt vấn đề.

Về vấn đề tính điện một giá, ông Thịnh cho biết, ở các quốc gia theo kinh tế thị trường, biểu giá điện một giá cũng có mức cao hơn giá bán lẻ điện bình quân nhưng thường chỉ cao hơn khoảng từ 10-20%, nhưng mức Bộ Công Thương đưa ra cao hơn 145-155% so với mức giá bán lẻ điện bình quân là quá cao.

“Bộ Công Thương cần làm rõ các cơ sở để đưa ra mức giá này. Với mức giá này thì giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ đưa ra còn có hiệu lực hay ý nghĩa không? Áp dụng điện một giá, chỉ số ít khách hàng sử dụng lượng điện cao thì có lợi, còn đa số người sử dụng lượng điện ít sẽ rất thiệt thòi”, ông Thịnh nêu ý kiến.

(Nguồn: VOV)

TAGS

Giãn cách và cách ly

Thụy Bất Nhi |

Dư luận Đà Nẵng hai hôm nay lại sôi nổi chuyện giãn cách, khi cộng đồng mạng xã hội chia sẻ đề xuất từ sở Công Thương Đà Nẵng về điều tiết người dân đi chợ thưa lượt lại, nhằm hạn chế tiếp xúc gần, gây nguy hiểm trong mùa dịch bệnh. Theo đó, Đà Nẵng thể hiện tinh thần cần tăng cường hơn nữa hiệu quả giãn cách xã hội, trước những diễn biến phức tạp hơn của tình hình và từ số bệnh nhân tử vong liên quan COVID-19 tăng thêm.

Từ chiếc bao cao su cho dân đến tấm phiếu đi chợ theo ngày chẵn/lẻ

Anh Đào |

Bao cao su (BCS), một phương tiện tránh thai phổ thông, không có gì là dung tục hết. Và việc Quảng Nam xin hỗ trợ, vì lo dân có thai ngoài ý muốn, thật ra, còn hơn cả chữ lo.

Vì sao giá vàng tăng là một tín hiệu đáng lo ngại?

Việt Khôi |

Giá vàng tăng mạnh trong thời gian qua có thể tạo cơ hội cho lạm phát gia tăng trở lại, tờ The New York Times nhận định.

Đừng thái quá thành ngăn sông cấm chợ

Đào Tuấn |

Mỗi gia đình, thôn, bản, làng, xóm là một pháo đài - Lời của Thủ tướng. Nhưng pháo đài ở đây là bất khả xâm phạm trong chống dịch chứ không phải là ngăn sông cấm chợ, là phong toả, không phải là sự thái quá trong thực hiện cách ly xã hội.