Evtouchenko - một nhà thơ Nga có câu thơ mà hầu như ai đã từng đọc đều thấy ngạc nhiên vì sự khái quát nhân sinh của nó: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”.
Tuần này, đúng hôm tết Trung thu, trên mạng xã hội, hàng ngàn người Quảng Trị đã đăng status bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của cô giáo Thúy Hương sau mấy năm chống chọi với bệnh ung thư.
Điều đáng nói là Thúy Hương không phải là một người nổi tiếng kiểu như ngôi sao hay là một nghệ sĩ lừng danh. Trước đây, mọi người biết tới Thúy Hương là một cô giáo dạy nhạc ở Trường Tiểu học Hùng Vương của thành phố Đông Hà, một nhân tố tích cực trong các hoạt động văn hóa của đô thị này.
Hương là một cư dân nhỏ của một thành phố nhỏ. Nhưng gần 5 năm qua, khi đối diện với căn bệnh nan y, giá trị mà Hương mang lại cho cộng đồng rất lớn, bởi cuộc sống của chúng ta hằng ngày vẫn còn đối mặt với nhiều hệ giá trị ảo, còn chạy đua bởi sự thực dụng vật chất, chạy đua bởi những scandal ồn ào để được biết tới... hay ai đó trở nên tuyệt vọng trước những thách thức bất ngờ của cuộc đời, thì những gì mà Hương mang lại cho cộng đồng - dù là một cộng đồng nhỏ thu hẹp trong một địa phương - lại có ý nghĩa rất lớn, đó chính là cảm hứng lạc quan và biết trân trọng cuộc sống, biết nâng niu ý nghĩa của từng ngày sống.
Cô giáo Thúy Hương còn quá trẻ. Cô có một gia đình nhỏ đáng yêu. Và rồi bệnh tật như từ trên trời rơi xuống. Thay vì tuyệt vọng, buông xuôi, Hương đã sống như một câu thơ của Simonov: “Trông chết cười ngạo nghễ”. Hương đã dồn tình yêu thương cho gia đình và mọi người, gửi gắm niềm tin yêu vào những sáng tác cho quê hương và bè bạn. Hôm nay Hương ra đi nhưng chắc chắn ca khúc “Rứa khi mô anh về” cùng nhiều sáng tác trong trẻo của cô giáo Thúy Hương sẽ còn ngân nga trên những con phố Đông Hà với giai điệu trẻ trung và quyến luyến. Cộng đồng thiện nguyện sẽ nhớ tới Thúy Hương bởi những ngày bệnh tật vẫn miệt mài đồng hành với đội nhóm của mình đến với nhiều hoàn cảnh khó khăn.
Nhưng lớn hơn cả là cách mà cô giáo đã đối diện với bệnh tật và vui sống.
Ba tháng trước, trên facebook của mình, Thúy Hương có một bài viết kể tóm tắt về hành trình hơn bốn năm chống chọi với bệnh tật của mình. Tôi đã đọc và nghĩ rằng nếu ai đó còn chủ quan với sức khỏe, còn chưa biết tận tụy yêu thương từng ngày sống, hẳn sẽ phải suy nghĩ lại. “Bạn muốn có cả thế giới, trước hết bạn cần có sức khỏe. Còn không, bạn sẽ không có gì cả. Đây là tôi, mỗi ngày tê mê lịm người vì đủ các loại thuốc…chỉ để mong cầu được đi bộ ra ngoài ban công nhìn ra khoảng trời xanh để biết mình còn tồn tại”. Ước mơ được đi vài bước ra ban công chỉ để được nhìn một khoảng trời xanh ấy cũng như trong đại dịch COVID - 19, khi hàng ngàn bệnh nhân thiếu oxy để thở, người ta mới bàng hoàng nhận ra rằng suốt cả cuộc đời mình đã được hít thở “miễn phí” từ thiên nhiên. Hẳn cô giáo Thúy Hương đã muốn từ chính những trải nghiệm của cuộc đời mình, những tháng năm chống chọi với bệnh tật của chính mình để truyền đến bạn bè và cộng đồng nhận thức lại về những giá trị mỗi người đang theo đuổi.
Một bộ phim hoạt hình đã lấy đi nước mắt hàng triệu khán giả trên thế giới, đó là bộ phim Coco (hãng phim hoạt hình Pixar) có một câu nói được truyền tụng: “Một người chỉ thực sự chết đi khi trên thế gian này không còn ai nhớ tới họ nữa”. Hiểu theo nghĩa đó thì Thúy Hương sẽ không có sự chia tay nào với trần gian cả. Bởi từ chính cuộc đời mình, từ những tháng năm đối mặt với căn bệnh nan y, từ cách cô yêu thương trân quý cuộc đời và cả cách cô nhẹ nhàng từ biệt nó, Thúy Hương thật sự là một con người đúng như cách nghĩ của nhà thơ Evtouchenko: “Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)