Việc “đo lường” một ánh nhìn như thế nào là có tính chất "quấy rối" rất khó, phụ thuộc nhiều vào sự hiểu biết và cảm nhận của người bị “quấy rối”.
Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ban hành dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Làm sao để đo lường “một ánh nhìn gợi tình”
Mặc dù nhận thấy những điểm được cập nhật hơn, mới hơn so với bộ quy tắc cũ như “phân các hình thức quấy rối ra làm 3 nhóm: (1) hình thức quấy rối có tính vật lý (physical), những cái động chạm; (2) những hình thức quấy rối bằng lời nói và (3) những hình thức quấy rối phi lời nói ví dụ như là cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt…” nhưng ông Trần Quang Thọ - Quản lý chương trình của Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) lại cho rằng bộ quy tắc còn khá chung chung, rất nhiều điểm khó đánh giá hoặc ước lượng được.
“Bản thân tôi thấy rằng việc bổ sung này chưa thật sự là chi tiết, chưa thật sự là đầy đủ, chặt chẽ để khi áp dụng có thể đo lường được. Việc “đo lường” một ánh nhìn như thế nào là có tính chất quấy rối rất khó, và phụ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết và cảm nhận của người bị “quấy rối”. Giả dụ như một ánh mắt nhìn một cách “gợi tình” nó khác hoàn toàn so với cái nhìn một cách phân vân và ánh nhìn tỏ ra ngờ vực nghi ngờ. Tuy nhiên trong bộ quy tắc này thì không nói đến và cũng không có bất kỳ văn bản hướng dẫn nào để thực hiện những nội dung trong bộ quy tắc này. Tôi nghĩ đó là một trong những điểm khó khăn trong việc áp dụng đối với các doanh nghiệp hoặc trong phạm vi không gian làm việc”, ông Thọ chia sẻ.
Ghi nhận tính tích cực và ý nghĩa của Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bà Lê Thu Giang – Điều phối quốc gia của Y-PEER Việt Nam (thuộc Y-PEER châu Á – Thái Bình Dương trong việc thúc đẩy thanh niên giáo dục đồng đẳng về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục) chia sẻ: “Theo tôi thấy bộ quy tắc đã làm rõ ràng hơn như thế nào là quấy rối và có 3 quy tắc mà tôi thấy được bổ sung thêm đó là: Thứ nhất, khi mà bị quấy rối bằng lời nói thì gồm những hành động như nào? Thứ hai là hành động phi lời nói. Ngoài ra những động chạm cơ thể nó cũng là một cái được bổ sung mà tôi thấy là rất có ý nghĩa trong việc xác định hành vi quấy rối và có thể báo cáo lên đơn vị để xử lý”.
Trao đổi về căn cứ để xác định một hành vi có thể bị xem là hành vi quấy rối tình dục, TS.BS Hoàng Tú Anh – Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) nhận định:
“Quấy rối, xâm hại tình dục không phải là một hành vi cụ thể. Quan trọng là cảm nhận của người đang chịu tác động của những hành vi đó. Ví dụ là như là sự “động chạm” đối với người này thì người ta coi đó là bình thường, với một người khác thì người ta lại cảm thấy khó chịu. Khi mà nói về vấn đề tình dục thì quan trọng nhất đó là “sự đồng thuận”. Khi mình nói “quấy rối” có nghĩa là các hành động đó không có sự đồng thuận. Sẽ rất là khó và cứng nhắc nếu như mình chẻ ra là "nhìn như thế này thì là quấy rối” hay “động chạm như thế này thì là quấy rối”. Điều quan trọng ở đây là nó có gây sự khó chịu, gây sự không thoải mái cho người đối diện hay không. Và nếu như người chịu tác động của những lời nói hay cử chỉ đó mà người ta đã nói là "tôi không thoải mái", nhưng đối phương vẫn cứ tiếp tục thì lúc đó là sự “cố tình quấy rối”.
Nhiều người trêu đùa mà không ý thức đó là quấy rối
“Trong một mối quan hệ như là đồng nghiệp chẳng hạn, mình đã làm việc chung với nhau lâu rồi mà mình nháy mắt trêu đùa nhau. Bạn nam thì cho rằng đó là trêu đùa thôi, tuy nhiên một số bạn nữ có thể không nghĩ như vậy. Và nhiều bạn nam không biết là hành động nháy mắt có ảnh hưởng đến đối phương. Do đó, việc trao đổi trực tiếp với bạn nam rằng “tôi cảm thấy không thoải mái về hành động đó thì nó sẽ tốt hơn” bà Lê Thu Giang nói.
"Nhiều bạn nam không biết là hành động nháy mắt có ảnh hưởng đến đối phương. Do đó, việc trao đổi trực tiếp với bạn nam rằng “tôi cảm thấy không thoải mái về hành động đó" thì nó sẽ tốt hơn” - Lê Thu Giang, Điều phối quốc gia của Y-PEER Việt Nam chia sẻ.
Để vừa bảo vệ bản thân khỏi bị xâm phạm, quấy rối, đồng thời không đổ tiếng oan cho đồng nghiệp, giữ được mối quan hệ hòa hảo, đoàn kết tại nơi làm việc, bà Lê Thu Giang cho rằng trước khi báo cáo lên cấp cao hơn để xử lý, nên trao đổi thẳng thắn với đồng nghiệp.
“Thanh niên hiện nay đi làm tại công sở sẽ gặp rất nhiều áp lực từ phía công việc, ngoài ra các bạn nam hay các bạn nữ còn có nguy cơ bị quấy rối hoặc xâm hại. Chính vì vậy việc trang bị thêm những kiến thức và hiểu rõ bộ quy tắc ứng xử này hay những điều luật liên quan đến xử phạt về xâm hại, quấy rối tình dục thì sẽ giúp giải quyết, giải cứu được bản thân khỏi những hành vi xấu từ những người xung quanh”, bà Giang nói thêm.
“Tôi nghĩ, mặc dù Bộ quy tắc không phải là một văn bản pháp lý nhưng vẫn sẽ có những tác dụng nhất định. Ít nhất bộ quy tắc đảm bảo việc các cơ quan, tổ chức có sử dụng người lao động phải đưa ra được những quy định về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Quan trọng là người lao động người ta biết rằng có những quy tắc ứng xử đó, và những đơn vị như là công đoàn có thể căn cứ vào bộ quy tắc mà đưa ra những quy định phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Những quy định này có thể không mang tính pháp lý ở tầm quốc nhưng có giá trị tại nơi làm việc”. TS.BS Hoàng Tú Anh – Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cho biết.
Trong khi đó ông Trần Quang Thọ cho rằng tính quy phạm và tính ràng buộc của Bộ quy tắc ứng xử đối với các đơn vị sẽ không cao.
(Nguồn: Phụ nữ mới)