“Họa phúc có nguồn, phải đâu một buổi”! Những thảm họa, tai ương gieo xuống là thiên tai hay nhân tai?
Trái đất vừa khép lại vòng quay được đánh dấu bằng con số 2020 với bao điều kỳ bí mà không chút siêu hình. Giữa kỷ nguyên thế giới phẳng, công nghệ trí tuệ nhân tạo đang dẫn dắt nhân loại, câu chuyện của từng quốc gia, dân tộc trở thành một phần của câu chuyện toàn cầu; và tất nhiên, câu chuyện của thế giới không còn xa lạ với mỗi dân tộc, quốc gia!
Hãy nhớ lại thông điệp mạnh mẽ mà thiên nhiên – trái đất phát ra vào ngày tết Nguyên đán Canh Tý, tức những ngày đầu năm 2020! Những người dù nhiều trải nghiệm nhất cũng chưa bao giờ chứng kiến cảnh chiều 30 và sáng Mùng Một, trọn giờ khắc chuyển giao năm cũ – năm mới và trong buổi Nguyên đán, trời đất vần vũ mây đen, sấm sét và những trận mưa đá liên tiếp! Đó không chỉ là thời tiết bất thường hay không tuân theo quy luật. Đó không chỉ là hệ quả của điều mà nhiều người thường viện dẫn, lý giải: biến đổi khí hậu! Nên ngẫm nghĩ đến điều sâu xa và biện chứng hơn. Trên hết, đó là lời cảnh báo, nhắc nhở của Trái Đất – Bà Mẹ Thiên nhiên: Này là lúc con người phải nhớ đến quy luật có vay có trả! Này là lúc Trái Đất không còn đủ kiên nhẫn; những bất thường, thảm họa, những cơn thịnh nộ của Thiên Nhiên đang chực chờ, và không phải đợi chờ lâu, đã nhãn tiền! Không có gì là siêu hình, thần bí.
Thế giới này vốn đa nguyên, hài hòa. Con người không hẳn “nhân chi sơ tính bản thiện”. Thói xấu tiềm tàng, thường trực, có cơ là trỗi dậy. Vào thời hiện đại, tự hào đã bước qua bao nền văn minh, nhưng lạ thay, đi cùng hiện đại, văn minh, con người vẫn bộc lộ bản năng hoang dã, thói kiêu căng, ngạo mạn. Tự cho mình là “chủ nhân ông” số 1 của Trái Đất, tự cho mình có cái gọi là sứ mệnh “chinh phục thiên thiên” , “cải tạo thế giới”, con người đã gây biết bao chuyện trái lẽ tự nhiên.
“Họa phúc có nguồn, phải đâu một buổi”! Những thảm họa, tai ương gieo xuống là thiên tai hay nhân tai? Nguyên nhân của mọi nguyên nhân, sâu xa, là từ lòng tham vô độ. Phá vỡ thế cân bằng, hài hòa, đẩy muôn loài vào đường cùng, tuyệt chủng, tất yếu sẽ nảy sinh những quái dị, biến thể, nghịch cảnh, bất thường. Những động đất, sóng thần, siêu bão, cuồng phong… Những sập hầm, lở núi, lũ ống, lũ quét… Những tuyết rơi ngày hè, nắng cháy ngày đông, “mùa mưa không mưa, mùa hạ gió mùa đông bấc”… Tất thảy, đã hiện hữu, nhãn tiền, với tần suất và cường độ ngày một dày nhặt và khó lường, với hậu quả ở mức độ thảm họa.
Đại dịch Covid – 19 đang đe dọa hủy hoại thế giới hay những căn bệnh SARS, HIV, Ebola, và nhiều bệnh lạ khác, hẳn không phải là tin lành với loài người! Trái Đất là cơ thể sống. Thiên nhiên là cỗ máy vĩ đại hoàn hảo. Sự tác động mang tính tàn phá, bất chấp quy luật, không biết điểm dừng của con người khiến cơ thể sống – cỗ máy vĩ đại hoàn hảo rối nhịp, lệch chuẩn, và điều gì đến đã đến, sẽ đến!
Hãy dũng cảm đối diện với những gì đang diễn ra. Hãy lắng nghe từng cái “cựa mình” của Trái Đất và nhận ra thông điệp. Thói quen hô hào “chống lại thiên tai”, “chinh phục thiên nhiên”, “cải tạo thế giới” dẫn dắt hành động cực đoan, sẽ phải trả giá, đã phải trả giá. Con người vốn nương nhờ Trái Đất, tiếp nhận nguồn năng lượng sống từ Thiên Nhiên, lẽ nào đối nghịch với Thiên Nhiên, lẽ nào hơn thiệt, sấp ngửa với Trái Đất!
Nhìn vào đất nước Việt Nam trọn năm 2020 với những thách thức và cơ hội, mất mát và thành công, họa và phúc, thấy rõ bức tranh thu nhỏ của thế giới. Nhưng trong sự tương đồng lại thấy những điểm khác biệt, mang dấu ấn Việt Nam. Những thảm họa từ dịch bệnh, thiên tai, hay từ bao nguyên nhân khác, có thể là sự tương đồng. Cách tiếp cận, tâm thế ứng xử, biện pháp hóa giải không giống nhau đem lại hiệu ứng khác nhau, và đấy, chính là điểm khác biệt.
Đại dịch COVID- 19 là đại dịch toàn cầu, bùng phát và lây lan hầu như khắp thế giới. Nhiều quốc gia có nền kinh tế cường thịnh, nền khoa học tiên tiến nhưng đã không ngăn chặn, thậm chí buông tay trước sức công phá khủng khiếp của chủng vi rút mới liên tục biến thể này. Nó tàn phá không chỉ là sức khỏe, sinh mạng của bao nhiêu người, mà nó đẩy thế giới vào tình thế nghi kỵ, chia rẽ, hỗn loạn và khủng hoảng từ kinh tế, chính trị, đến đạo đức, văn hóa, tôn giáo.
Với bản lĩnh, kinh nghiệm, sự linh hoạt và cả yếu tố may mắn, Việt Nam đã khống chế, khoanh vùng mầm bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất có thể hậu quả của đại dịch. Cũng từ cách thức chủ động, tự tin trong phòng tránh dịch, Việt Nam thêm một thành công không ngờ, là một trong số ít quốc gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Thế giới ngưỡng mộ, đánh giá đó là kỳ tích, là mẫu hình các quốc gia có thể tham khảo, học hỏi.
Trong khi đối diện với đại dịch Covid -19, không ít quốc gia rơi vào tình thế khủng hoảng, đôi khi bấn loạn, thì ở Việt Nam, lại là một tâm thế hoàn toàn khác, chủ động, tự tin và quyết liệt. Nền kinh tế bị suy giảm nghiêm trọng do sản xuất đình đốn hoặc thu hẹp, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng gần 3%, giá trị xuất khẩu nông sản đạt trên 41 tỷ USD, là kết quả ấn tượng từ tâm thế đó. Nhưng đấy chưa hẳn là thành quả mà chúng ta hằng mong muốn ở thì tương lai, trong bối cảnh thế giới ngày nay.
Có mấy câu chuyện, không thể không kể. Mấy năm lại đây, người tiêu dùng Việt Nam biết nhiều đến sản phẩm gạo thơm mang nhãn hiệu ST25. Phải mất cả chục năm, kỹ sư Hồ Quang Cua và các đồng nghiệp ở miệt Sóc Trăng – Đồng bằng sông Cửu Long mới nghiên cứu, lai tạo thành công giống lúa thuần Việt cho gạo hạt dài, không bạc bụng, nấu nên hạt cơm dẻo thơm, cả khi là hạt cơm nguội. Lần đầu tiên, một đất nước cư dân nông nghiệp tự hào có nền văn minh ngàn năm lúa nước mới có hạt gạo được thế giới công nhận, bình chọn là hạt gạo ngon nhất thế giới! Bấy lâu chúng ta thường nhắc đến cụm từ “nền kinh tế tri thức”, “sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao”, thì đây, hạt gạo của nhóm kỹ sư Hồ Quang Cua là ví dụ.
“Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, thay bằng tăng diện tích, tăng sản lượng lúa gạo để xuất khẩu, thì bỏ trí tuệ nghiên cứu lai tạo dòng sản phẩm chất lượng, đem lại giá trị cao gấp nhiều lần. Xu hướng nền kinh tế xanh, nền kinh tế thân thiện với môi trường, ít xung đột với thiên nhiên, không lạm dụng tài nguyên, là đây! Trong suốt hơn 1 năm gian khó vừa rồi, có một doanh nghiệp tư nhân thuộc loại vừa và nhỏ ở cách xa thủ đô cả trăm cây số, với cách tiếp cận phát triển bền vững, cho ta kinh nghiệm đáng quý. Cũng là chuyên may mặt hàng xuất khẩu, khi hầu hết các doanh nghiệp đồng lứa đồng ngành hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngưng, thì doanh nghiệp Huệ Anh vẫn đều đều mỗi tháng xuất xưởng hơn chục container hàng may mặc sang thị trường nhiều nước.
Vào thời điểm dịch Covid đang đỉnh điểm, đại diện các đối tác có mặt ở nhà máy, tỏ ra hài lòng với không gian, cảnh quan, cách ứng xử thân thiện và nếp văn hóa chuyên nghiệp của doanh nghiệp. Nguồn năng lượng từ hệ thống điện mặt trời; máy móc, thiết bị thế hệ mới; nhà máy gắn với không gian cây xanh, hồ nước, thảm cỏ; thói quen sử dụng âm nhạc và tập thể dục giữa giờ… tưởng không hề liên quan đến chất lượng và giá trị sản phẩm, nhưng rất thú vị, đó lại là những dấu hiệu, chỉ số tạo nên niềm tin, sự tin cậy của khách hàng đối với chủ doanh nghiệp và sản phẩm của họ.
Những ngày tháng cuối năm 2020, giới truyền thông đưa đậm thông tin về robot – người máy Trí Nhân, do nhóm chuyên gia Phạm Thành Nam, Phạm Minh Toàn thuộc Công ty Khởi nghiệp Open Classroom sản xuất, với những tính năng ưu việt, truyền cảm hứng mạnh mẽ. Theo giới truyền thông, Robot Trí Nhân là sản phẩm trí tuệ nhân tạo đầu tiên của Việt Nam, hội tụ công nghệ tiêu biểu từ thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, vạn vật kết nối, điện toán đám mây, đến In 3D, chuỗi khối, thực tại ảo, thực tại tăng cường, siêu máy tính, robot…
Khi đại dịch COVID -19 chưa có dấu hiệu ngưng lắng, người máy Trí Nhân ra đời, phát đi tín hiệu về mạch nguồn tư duy sáng tạo mới của người Việt Nam. Những người trẻ như chuyên gia Phạm Thành Nam, Phạm Minh Toàn dường như đã đọc và thấu hiểu thông điệp của tương lai về nền kinh tế tri thức nhen nhóm từ nguồn lực chất xám, từ gom góp trí tuệ cộng đồng nhân loại. Nền kinh tế đó không quá lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, không tước đi quyền được tồn tại của muôn loài, không dùng sức mạnh vũ lực để tranh đoạt, cưỡng chiếm.
Lại nhớ, trong những ngày miền Trung nước ta hứng chịu thảm họa thiên tai, bão lũ, sạt đồi, lở núi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát ra chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh, tương ứng với 5 triệu hec-ta rừng, trong 5 năm tới. Người đứng đầu Chính phủ dường như đã lắng được thông điệp từ thiên nhiên. Sẽ có thêm nhiều chủ trương nữa, nhằm khắc phục những sai lầm, trả lại những gì con người đã lấy từ thiên nhiên, giảm bớt những thảm họa thiên tai và cả những thảm họa nhân tai. Đó không chỉ là câu chuyện về môi trường, về trả nợ Thiên Nhiên. Đó còn lấp lánh câu chuyện chiều sâu về tư duy phát triển kinh tế bền vững trong thời buổi hội nhập.
Một chi tiết thú vị: Năm nay mùa đông đã trở lại. Tháng cuối năm 2020, miền Bắc đón nhận liên tiếp hai đợt không khí lạnh với cái rét đậm. Vậy là thời tiết trở lại nhuần nhị chăng? Thiên nhiên trở lại ôn hòa chăng? Chưa hẳn. Nhưng trong thời điểm chuyển giao năm cũ – năm mới, thời tiết trở lại gần với quy luật xưa nay, là tín hiệu đáng vui, đáng mừng, báo hiệu những gian khó, hại họa sẽ dần qua… Đúng vào thời điểm tháng khởi đầu năm mới 2021, Đảng Cộng sản Việt Nam bước vào kỳ đại hội lần thứ XIII. Duyên kỳ ngộ. Trải trọn chu kỳ 5 năm, lại có một năm 2020 với bao thăng trầm, thách thức – cơ hội, họa – phúc đan xen, lại bộn bề sáng – tối câu chuyện trong – ngoài, đối nội – đối ngoại…
Đảng đủ trải nghiệm để có tư duy mới, nhận thức đúng cho bước đường 5 năm tới của dân tộc. Nắm bắt nhịp đi thời đại, lắng nghe thông điệp đất trời, thấu hiểu lòng dân, hiểu rõ sức dân, ấy là lúc nhận thức chín muồi, tư duy phát sáng. Không gì hơn khi dân tộc độc lập, đất nước hòa bình, nhân dân tự do, ấm no, hạnh phúc. Đó phải chăng là hiện thân của chủ nghĩa xã hội, là thước đo niềm tin giá trị đảng cầm quyền?
Từ câu chuyện phòng tránh đại dịch COVID-19, hạt gạo mang thương hiệu ST25, robot Trí Nhân hay chuyện làm ăn của doanh nghiệp Huệ Anh thời khủng hoảng, thấy rõ nguồn lực nhân dân là lớn lao, nguồn lực trí tuệ là vô cùng. Kỳ vọng Đại hội lần thứ XIII của Đảng là đại hội khơi thông nguồn lực nhân dân, kích hoạt tài nguyên trí tuệ, hướng tới nền kinh tế tri thức.
Thêm kỳ vọng trên mọi kỳ vọng, Đại hội lần này chọn được bộ tham mưu cuả Đảng thật sự trí tuệ, thật sự đạo đức, hết lòng vì Đảng vì Dân. Chỉ khi có được bộ tham mưu trí tuệ và đạo đức, dân tộc mới đi tới hùng cường, đất nước mới phồn vinh. Khi ấy, lại nhớ lại mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu – người phát ngôn bằng thơ của Đảng: “Trên bãi Thái Bình Dương sóng gió/ Phơi phới bay cờ đỏ sao vàng/ Chúng ta đứng thẳng hiên ngang/ Sáng ngời một ngọn hải đăng hòa bình”.
(Nguồn: VOV)