Đốt rừng hay đốt đời?

Hồ Anh Thái |

Đợt cháy rừng kinh hoàng ở Úc vào cuối năm 2019 đầu 2020, dư luận Úc phẫn nộ trước việc một gã Michael Truong nào đó đốt lửa ở bang Victoria.

 Rừng đang cháy khắp xung quanh, trong vùng đã có mấy người chết, thế mà gã nọ còn định thêm dầu vào lửa. Gã lấy mấy tờ giấy để đốt một bụi cây khô bên đường. Thế là dân địa phương gào thét đuổi bắt và đánh, rồi giao gã cho cảnh sát địa phương.

Chỉ nghe cái họ Truong thôi, cộng đồng người Việt ở Úc dù không biết mặt gã cũng đã biết đấy là người gốc Việt và hổ thẹn thay cho gã. Nhiều người Việt ở nước ngoài đã và đang nỗ lực xây dựng hình ảnh cho cộng đồng mình. Nhưng chỉ cần một kẻ ngu dốt như thế là đủ hủy hoại thanh danh cộng đồng. Tất thảy.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chuyện đốt này khiến người ta nghĩ đến những đám cháy khác. Những cái lò hương đồ sộ trong chùa chiền. Nhắc nhở ngăn cản mãi không được, nhà chùa phải thỏa hiệp với người thắp hương và đốt vàng mã bằng cách làm những cái lò hương thật to thật lớn. Thôi thì khói hương mù mịt.

Chưa đủ, trong những khu chung cư cao cấp, thoạt nhìn thì như những khu phố Âu - Mỹ, tưởng chẳng dính dáng gì đến hương khói, thế mà ban quản lý cũng phải có thỏa hiệp với cái gọi là tín ngưỡng. Góc các chung cư cũng xây hẳn những lò hương to tướng. Ngày rằm mùng một, ai thích đốt thì ra đấy mà đốt. Gọi là thỏa hiệp vì nếu không có chỗ cho họ đốt, khéo họ đốt luôn trong căn hộ hoặc đốt cả phòng chứa rác trên tầng cao. Đêm ba mươi tết lượn một vòng qua các chung cư mà xem, quanh lò hương cứ gọi là tấp nập. Ùn ùn kéo đến đốt, có khi phải rồng rắn xếp hàng mới đến lượt đốt, lễ mễ bê cả dăm bảy cân vàng mã ra mà đốt. Có khi cả vợ chồng con cái chung tay mới đốt hết chỗ vàng mã, mồ hôi đầm đìa giữa đêm khuya.

Đức tin hay tự ám thị, chân tín hay mê tín, những chuyện này đã nói mãi, chẳng cần nhắc lại.

Thích nhìn thấy lửa, và thấy được lửa rồi thì có cảm giác được giải tỏa uẩn ức, thanh thỏa trong lòng. Thích đốt thì đốt, nhưng cũng nên một vừa hai phải. Một tập tiền mong mỏng, một bộ quần áo nhỏ, đôi hài nhỏ, con hình nhân thế mạng nhỏ… cái gì cũng rất nhỏ thôi, tượng trưng mà. Chẳng nhẽ muốn gửi cho người chết cái nhà thì cái nhà ấy cũng phải to tướng với tòa ngang dãy dọc?

Nhưng mà người đốt chắc sẽ sững lại một lúc khi được bảo rằng họ đang đốt rừng đấy. Họ không khác gì cái gã Michael Truong kia đốt rừng bên xứ Úc. Họ không khác gì đồng bào trên núi, vỡ đất làm nương rẫy, đốt một đám cỏ tranh nho nhỏ là đốt luôn cả cánh rừng. Rừng trơ trụi, núi trọc lốc, lũ rừng đổ xuống cuốn trôi cả bản làng. Họ không khác gì những tập đoàn được tiếp tay để phá rừng bạt núi… Rồi họ hả hê chia chác lợi ích, mặc cho rừng trụi núi trọc, lũ lụt đổ xuống đầu dân mình.

Những người đang đốt vàng mã kia cũng đang đốt rừng. Cây trên rừng bị đốn bị chặt, cây hạ xuống để làm giấy, giấy biến thành vàng mã, ai chẳng biết. Và vàng mã bị đốt. Đốt trong chùa chiền, đốt trong xóm làng, đốt trong các khu chung cư.

* * *

Có một cái đốt nữa: đốt than tổ ong. Bản thân than tổ ong không có tội. Vấn đề là cách sử dụng nó. Buổi đầu của công nghiệp, than còn được coi trọng là thực phẩm của công nghiệp. Nhớ thời bao cấp, trước khi biết dùng đến bếp dầu, các hộ gia đình phải mua củi mua than theo tem phiếu. Mỗi nhà một cái bếp than tổ ong, mùa đông ngồi nấu cơm còn là cách để được sưởi ấm. Khi dần dần bỏ được cái bếp than trong các gia đình rồi, người ta mới nhận thức được rằng bếp than ấy là nguy hiểm. Ngồi cạnh mà hít khói than ấy một vài năm có thể gây ung thư, không ung thư ngay thì cũng mươi mười lăm năm sau. Nhiều lúc nhìn ông bà hàng phở ngồi cạnh cái bếp than như không mà chỉ còn biết thương thay. Một thành phố lớn vẫn còn hàng vạn cái bếp than, tính ra tiềm tàng con bệnh ung thư là rất nhiều.

Nhưng khi kêu gọi người dân bỏ bếp than tổ ong, người ta đã mất nhiều năm để đưa ra những lời khuyên không hiệu quả. Hãy bỏ bếp than vì nó có hại cho môi trường. Nói như vậy với người Việt thì cũng như bảo đừng có ném chuột chết ra đường vì nó làm hỏng mỹ quan thành phố và ô nhiễm môi trường. Môi trường là một cái gì mông lung xa vời, nó ô nhiễm thì muôn người cùng hít chứ không chỉ riêng mình ta.

Đúng ra, với người Việt thì phải bảo: đừng có dùng bếp than tổ ong nữa. Cái bếp than ấy sẽ làm cho chính người đun nó bị ung thư.

Và với người quản lý đô thị thì phải bảo: tiếp tục sử dụng vài chục cái nhà máy nhiệt điện dùng than bao vây thành phố thì sẽ biến thành phố thành một cái thung lũng ung thư.

Tuyên truyền muốn có hiệu quả thì ngôn ngữ phải chân thật và trực tiếp, không uyển ngữ vòng vèo xa xôi.

* * *

Nói về cái sự đốt thì còn có muôn vàn sự. Người từng có chút công trạng mà tha hóa, thành kẻ tham nhũng, phản nước hại dân thì người đời bảo: kiếm củi ba năm thiêu một giờ. Đấy là một kiểu đốt. Nhoằng một cái đã thấy mình ra trước vành móng ngựa hoặc chưa bị vào lò thì cũng coi như đã đốt hết cả danh dự lương tâm.

Đốt rừng, đốt vàng mã và đốt than tổ ong kể trên thực ra là những kiểu tự đốt đời. Hút thuốc thì đốt đời trên những ngón tay. Hút hít thì đốt đời bằng kim tiêm bằng mũi. Đốt sách chán học thì bằng ghêm ghiếc phôn phiếc… liệt kê hết ra đây thì phải cần đến muôn vạn con chữ.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Người trồng rừng giỏi ở Tây Hải Lăng

Lê An |

Sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được anh Cáp Quốc Hà, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), người “cả gan” nhận hơn 300 ha đất trống đồi trọc để trồng rừng mấy chục năm trước. Với những nỗ lực của mình, hiện nay anh Hà được vinh danh là người trồng rừng giỏi ở vùng Tây Hải Lăng.

Kỳ vọng rừng gỗ lớn

Lê An |

Với mục tiêu phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm từ rừng sản xuất, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trong trồng, chuyển hóa rừng gỗ lớn, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Huy động gần 150 người vào rừng tìm kiếm một cụ ông

Q.H |

Sáng nay 31/12/2020, Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông (Quảng Trị) Trương Văn Hoài cho biết, gần 150 cán bộ, chiến sĩ, người dân trên địa bàn đã được huy động để tìm kiếm ông Nguyễn Như C. (sinh năm 1949), trú tại thôn Na Nẫm.

Không đổi rừng tự nhiên lấy điện gió

Võ Thái Hòa |

Phát triển năng lượng tái tạo là một trong những hướng đầu tư được tỉnh đặt nhiều kỳ vọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và vươn tới mục tiêu đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Thực tế trong thời gian qua, sau sự thành công của 2 dự án điện gió và điện mặt trời trên địa bàn tỉnh, có nhiều công ty năng lượng đã đến đăng ký khảo sát và xin cấp phép xây dựng dự án năng lượng điện tái tạo ở vùng núi Quảng Trị. Đó là tín hiệu đáng mừng trong thu hút đầu tư phát triển điện lực nhằm khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề mà lãnh đạo tỉnh cũng như Nhân dân quan tâm là chuyển đổi mục đích rừng và đất lâm nghiệp để thực hiện dự án sao cho phù hợp.