Sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được anh Cáp Quốc Hà, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), người “cả gan” nhận hơn 300 ha đất trống đồi trọc để trồng rừng mấy chục năm trước. Với những nỗ lực của mình, hiện nay anh Hà được vinh danh là người trồng rừng giỏi ở vùng Tây Hải Lăng.
Từ cơ duyên với rừng Vừa lái xe chở chúng tôi trên con đường đất đỏ vắt qua những ngọn đồi nhấp nhô xanh mướt của vùng Bướm Bạc, xã Hải Chánh, anh Cáp Quốc Hà vừa trầm ngâm kể cho tôi nghe về cơ duyên đến với rừng của mình. Anh Hà cho biết, mặc dù có quê gốc tại huyện Hải Lăng nhưng anh lại sinh ra và lớn lên tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Năm 1992, trong một chuyến về thăm quê kết hợp đi tìm mộ đồng đội cùng bố, nhận thấy vùng khe Bướm Bạc cách trung tâm xã Hải Chánh hơn 10 km về phía Tây Nam có rất nhiều diện tích đồi núi bỏ hoang, nhận ra cơ hội làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, trở về Phú Quốc anh bàn với bố rồi bán toàn bộ nhà cửa, vườn tược về quê lập nghiệp. Về quê ổn định cuộc sống xong hai bố con anh tìm đến UBND huyện Hải Lăng xin được cấp đất trồng rừng. “Ngày trước ở đây đường sá chưa có, toàn sỏi đá và chỉ đi bộ. Đất đai hoang hóa. Giống cây thì chỉ có mỗi bạch đàn năng suất thấp, chất lượng kém, đầu ra không ổn định. Do vậy, dù được nhà nước khuyến khích nhưng hầu như không có ai dám nhận đất để trồng rừng. Do vậy, khi nghe tôi trình bày ý tưởng, UBND huyện quyết định cấp cho bố con tôi 300 ha để trồng rừng”, anh Hà kể.
Quyết định của anh Hà tại thời điểm ấy chẳng dễ chút nào. Thậm chí, trước sự mạo hiểm ấy nhiều người còn cho rằng anh Hà “có vấn đề”. Ai đời lại đem tiền đi ném vào đất trống, đồi núi trọc. Có nhà không ở lại dắt díu nhau lên rừng sống. Anh Hà cho biết, thời điểm anh bắt tay vào trồng rừng đường sá vô cùng trắc trở, việc phải đi bộ, lội suối nhiều giờ trong rừng là hết sức bình thường. Nhiều hôm trời mưa to, nước dưới khe dâng lên không về được anh phải ngủ lại giữa rừng, kiếm khoai sắn nướng lên để ăn qua bữa. Việc vận chuyển cây giống, phân bón chủ yếu bằng thuyền hoặc gùi cõng; đất đai cằn cỗi nhiều chỗ cỏ tranh khỏa lấp nên cây trồng khó sống được. Cùng với đó là thời tiết nắng nóng, mưa rét ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng…
Cũng vào thời điểm đó, nhà nước có các chương trình PAM, 327… khuyến khích người dân phát triển trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Nhận thấy đây là cơ hội làm giàu nên anh Hà càng quyết tâm đánh thức vùng đất trống, đồi núi trọc phía Tây Hải Lăng. Vừa khai hoang, anh Hà vừa đi thực tế học hỏi kinh nghiệm của các mô hình trồng rừng có hiệu quả ở nhiều nơi. Để chủ động về cây giống anh tự mày mò học hỏi kỹ thuật ươm cây rồi tìm mua hạt giống về tự ươm.
“Không biết thì đi học, tôi lặn lội khắp nơi tìm gặp những người đi trước trong nghề trồng rừng học hỏi kinh nghiệm. Tôi nhất định không bỏ sót một lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng rừng nào. Tôi mê rừng đến nỗi nhận tiền hỗ trợ phát thực bì, tôi đem đi mua hạt giống về ươm cây ngay. Cứ vậy mở rộng dần rừng của mình”, anh Hà cho biết.
Đất không phụ công người, dần dà những khoảnh rừng bạch đàn, keo lai cũng vượt lên trên sỏi đá, phát triển xanh tốt. Bắt đầu trồng từ năm 1994 với diện tích 30 ha, đến năm 2000 anh đã phủ xanh toàn bộ diện tích đất rừng của mình. Cũng vào năm 2000 anh thu hoạch 20 ha bạch đàn đầu tiên. Sau khi trừ chi phí anh lãi được 30 triệu đồng. Cầm những đồng tiền đầu tiên từ rừng mang lại, vợ chồng anh ôm nhau khóc. “30 triệu đồng lúc đó lớn lắm. Chú cứ tưởng tượng thế này, lúc đó tiền công trồng rừng chỉ có 8.000 đồng/ngày, vậy mà tôi cầm trong tay chừng đó tiền. Lúc này tôi mới dám khẳng định là sỏi đá dưới chân tôi đã “biến thành cơm”, anh Hà hồi tưởng.
Đến tỉ phú rừng trồng
Thoạt đầu, nhìn khuôn mặt sạm đen, dáng vẻ chất phác và nếu không ngồi cùng anh trong ngôi nhà 3 tầng khang trang ngay cạnh Quốc lộ 1, chắc không ai nghĩ anh Hà là tỉ phú. Gần 25 năm “ăn ngủ với rừng”, anh Hà đã dành trọn tuổi thanh xuân của mình vào những cánh rừng. Đến nay anh Hà đang có trong tay gần 200 ha rừng trồng với doanh thu mỗi năm hàng tỉ đồng. Nhẩm tính về hiệu quả kinh tế từ những cánh rừng keo lai của mình, anh Hà cho biết, trung bình mỗi héc ta keo lai đến chu kỳ khai thác (sau 5 - 7 năm trồng) sẽ cho khoảng 180 tấn gỗ nguyên liệu. Trừ chi phí trồng, chăm sóc, khai thác, vận chuyển, anh thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Cứ thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu, với khoảng 20 ha rừng khai thác mỗi năm, bình quân anh thu lãi ròng khoảng 1,3 - 1,4 tỉ đồng. Để chủ động trong việc trồng, chăm sóc và khai thác gỗ rừng anh đã đầu tư mua 1 máy múc, 3 ô tô tải loại 9 tấn, 1 ô tô chuyên dùng để phòng cháy chữa cháy và một số máy móc khác. “Bắt đầu từ năm 2000, mỗi năm tôi khai thác khoảng 20 ha rừng trồng, rồi lại tiếp tục trồng mới trên diện tích vừa khai thác. Việc trồng mới sẽ diễn ra liên tục hằng năm, việc khai thác cũng vậy; không chỉ đảm bảo về việc làm mà ổn định cả về thu nhập”, anh Hà cho hay.
Không chỉ tạo thu nhập cho gia đình, những năm qua, công việc trồng rừng của anh Hà đã tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng; cùng hàng trăm lao động tham gia trồng rừng và khai thác rừng trồng được trả công theo mùa vụ. Anh còn giúp đỡ nhiều hộ nông dân gặp khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho trên hàng chục hộ tại địa phương và các vùng lân cận. Đồng thời, tích cực vận động người dân trong vùng tham gia bảo về rừng và làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng.
Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời, anh Hà nghiệm ra rằng, với người nông dân như anh, quần quật lao động cho có đủ cái ăn, cái mặc cũng là niềm vui, là hạnh phúc rồi. Giờ con đường làm ăn gặp nhiều thuận lợi, may mắn, gặt hái nhiều thành công thì bên cạnh mồ hôi, công sức mình bỏ ra, còn là cái ơn giúp đỡ của nhiều người trước đây và cũng là lộc trời mang lại. Từ suy nghĩ như vậy, cùng với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, anh Hà luôn sẵn lòng giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. “Cuộc sống bà con nông dân quê mình còn lắm gian truân, nên dù việc nhỏ hay lớn, nếu trong khả năng giúp đỡ được thì tôi luôn sẵn lòng. Ngày trước mình cũng vậy, nếu không có sự chung tay giúp đỡ, động viên kịp thời của mọi người thì chưa chắc hôm nay tôi đã có được cơ ngơi và sự nghiệp như vậy”, anh Hà thổ lộ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)