Nhằm phát huy thế mạnh của nghệ thuật sân khấu, giúp học sinh tiếp cận các tác phẩm văn học nổi tiếng thật dễ hiểu và sống động, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh thực hiện đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới trong chương trình phổ thông”.
Nghệ thuật đi vào trường học
Từ năm 2019, Nhà hát Kịch Hà Nội đã kỳ công dựng vở “Hà thành chính khí” nói về danh nhân Hoàng Diệu, người đã tuẫn tiết để bảo vệ thành thời chống Pháp. Đây là một nhân vật anh hùng của cả nước. Vở kịch lôi cuốn đã giúp không ít học sinh nhớ rõ tên nhân vật lịch sử, nhớ rõ chiến công của ông cha đi trước mà trang sách khô khan không thể chạm tới được. Những cung bậc cảm xúc về nhân vật cũng được khơi gợi gần gũi và thực nhất có thể. Theo NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, khi diễn cho học sinh xem, nhiều cháu đã xúc động chia sẻ, các cháu đã thấy lịch sử không còn khô khan, khó xem, khó nhớ nữa. Sau khi xem vở diễn, các cháu yêu mến cụ Hoàng Diệu, yêu Thủ đô Hà Nội hơn…

Rất nhiều đơn vị nhà hát trên địa bàn Thành phố đã rậm rịch thực hiện đề án. Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới trong chương trình phổ thông” chính thức được UBND Hà Nội phê huyệt hồi tháng 10/2022, cho đến nay đã 7 tháng trôi qua. Cả nhà hát tư nhân và Nhà nước đều tích cực “vào cuộc”.

Trước đó, trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gần như tất cả hoạt động sân khấu phải tạm hoãn, sân khấu Lệ Ngọc vẫn tiếp tục khởi công hai vở mới, trong đó có một vở nổi tiếng chuyển thể từ tác phẩm “Vang bóng một thời” của nhà văn Nguyễn Tuân. Lệ Ngọc tuyên bố, bà “dựng Nguyễn Tuân” là để hướng tới những khán giả trẻ, kéo những người trước nay thờ ơ với văn hóa truyền thống đến rạp.
Giáo dục lớp trẻ về sáng tạo
NSND Trung Hiếu cho hay, thông tin nghệ thuật biểu diễn được xác định là 1 trong 12 lĩnh vực được Hà Nội tập trung đầu tư trong phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khiến nghệ sĩ rất vui. Hà Nội vốn là thành phố có lịch sử ngàn năm văn hiến, có nhiều chất liệu cho các nghệ sĩ sáng tạo nhưng nghệ thuật phải đi vào đời sống.

Theo đề án này, các nhà hát trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phục dựng và dàn dựng 51 vở diễn thuộc 70 tác phẩm, sự kiện, nhân vật lịch sử, tổ chức 1.800-2.000 buổi diễn tại các trường phổ thông. Thống kê cho thấy, Thành phố hiện có 1.683 trường phổ thông, gồm 780 trường tiểu học, 653 trường trung học, 250 trường trung học phổ thông. Học sinh là chủ nhân của thành phố trong tương lai và là lực lượng khán giả tiềm năng của sân khấu kịch Hà Nội.
Giai đoạn thử nghiệm từ 2022 – 2024 sẽ phục dựng 11 vở diễn, tổ chức 400 buổi diễn và tuyển chọn học sinh, giáo viên của 2 trường. Giai đoạn 2 từ 2025-2030 sẽ triển khai rộng rãi, phục dựng 40 vở diễn; tổ chức 1.400 – 1.600 buổi diễn; tuyển chọn học sinh, giáo viên tại 24 điểm trường. Theo đó, các tác phẩm dự kiến được dàn dựng và đưa lên sân khấu các trường học gồm: Thất trảm sở và học trò thủy thần (Danh nhân văn hóa Chu Văn An); Truyện Kiều; Hà thành Chính khí (Tổng đốc Hoàng Diệu); Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh (sự kiện lịch sử 19/12/1946 – Ngày toàn quốc kháng chiến); Thái sư Trần Thủ Độ; Lá cờ thêu 6 chữ vàng; Cô bé bán diêm, Đức tính giản dị của Bác Hồ; Dế mèn phiêu lưu ký…
Những tác phẩm kịch lấy chất liệu văn học làm cảm hứng là nỗ lực không ngừng để Thành phố ươm mầm sáng tạo nghệ thuật cho lớp trẻ, hỗ trợ nâng cao hiệu quả giáo dục sáng tạo, phát triển năng lực tư duy của học sinh. Thành phố hướng tới cụ thể hóa một trong ba trụ cột chính xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” là “giáo dục về sáng tạo”, thúc đẩy xây dựng nguồn nhân lực chiến lược cho sự phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
(Nguồn: Ngày nay)