Các thầy ở chùa Kỳ Quang 2 lưu tro cốt, nhận thù lao để cúng bái thường hằng thì có thể xem là một biểu hiện của giao thoa văn hóa thôi. Ở đây là đạo thờ cúng tổ tiên của người Việt, cộng hưởng vào sự che chở an ủi của Phật giáo.
Triết gia Nietzsche xem Phật giáo là tôn giáo cho một nền văn minh đã mệt mỏi đến hồi kết thúc.
Theo Nietz, trong đạo Phật, tư tưởng vượt trội nhất là buông bỏ và chấp nhận cái hữu hạn để hướng tới sự vô hạn, vì: Mọi tham muốn (là những điều gây nên sự tác động và nôn nóng) đều thúc đẩy con người tạo nghiệp, trói buộc con người với sự hiện hữu. Lưu trữ tro cốt người thân để khấn cầu, chính là ham muốn níu giữ. Giận dữ khi tro cốt bị lẫn lộn, đó tiếp tục là nghiệp của ham muốn níu giữ bất thành.
Bởi thế, phương án mà các thầy ở chùa Kỳ Quang 2 đưa ra là trộn hết tro cốt thành... tượng Phật để thờ cúng, là tiếp tục nối dài tham muốn của chúng sinh, nối dài u mê, tạo thêm nghiệp chướng.
Bản thân đức Phật khi nhập niết bàn cũng hỏa táng nhục thể và không hề lưu tro cốt (việc lưu giữ và thờ cúng xá lợi của ngài là quyết định từ sự sùng bái của các đệ tử, trở thành một nghi thức bất thành văn của đạo Phật, và cũng tạo ra nhiều tranh cãi).
Việc hàng nghìn tro cốt chùa Kỳ Quang 2 bị mất thông tin dẫn đến không phân biệt được, chính là hợp với đạo luân hồi không gì ngăn cản được (samsara), là minh chứng cương quyết của Tính Không. Người khuất đã trả nghiệp xong rồi, thân nhân cũng buông đi thôi. Đến lúc này mà cả chúng sinh lẫn chư tăng vẫn Chấp niệm nữa, thì nghiệp Khổ còn dài...
(Nguồn: Ngày nay)