Để học sinh học, hiểu Lịch sử và yêu thích thì không chỉ dừng lại ở việc coi đây là môn tự chọn hay bắt buộc, mà dạy như thế nào.
Trước những luồng dư luận khác nhau về việc Lịch sử là môn tự chọn cấp Trung học Phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến của đông đảo cử tri, các tầng lớp nhân dân và đội ngũ chuyên gia lịch sử, theo hướng quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp Trung học Phổ thông với khối lượng kiến thức phù hợp, thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn).
Về phía các nhà trường, nhiều ý kiến cho rằng, để học sinh học, hiểu Lịch sử và yêu thích môn học này thì không chỉ dừng lại ở việc coi đây là môn tự chọn hay bắt buộc mà căn cơ hơn đó là dạy như thế nào để học sinh cảm thấy hứng thú và tự tìm đến môn học.
Để học sinh không "sợ" Lịch sử
Những năm qua, mặc dù là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông nhưng Lịch sử vẫn là môn có điểm số thấp nhất trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia trước đây và kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông hiện nay. Nhiều giáo viên chia sẻ, cách tốt nhất để giúp học sinh yêu thích môn Lịch sử đó là giáo viên cần không ngừng tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp tiếp cận môn học. Cùng với đó, cách kiểm tra, đánh giá cũng phải đổi mới để học sinh không “sợ” và áp lực trước những yêu cầu quá khắt khe của môn học này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Lịch sử là câu chuyện kể về quá khứ. Nếu chỉ kể đơn thuần, cũ kỹ và dài dòng kiểu nhồi nhét kiến thức thì không ai muốn nghe, muốn học. Song, nếu người dạy đổi mới phương pháp, đưa công nghệ, hình ảnh vào tiết học thì sẽ tạo hứng thú cho học sinh.
Cùng quan điểm trên, thầy Nguyễn Đình Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Phan Thúc Trực, huyện Yên Thành, Nghệ An cho rằng: Học sinh Trung học Phổ thông bước vào độ tuổi bắt đầu định hình phong cách, tư tưởng, giá trị sống. Trong giai đoạn này, giáo viên có vai trò quan trọng trong truyền cảm hứng, tình yêu Lịch sử và phương pháp học tập, tìm hiểu kiến thức cho học sinh.
Theo thầy Nguyễn Đình Phúc, môn Lịch sử là môn quan trọng, đặc thù nhằm giáo dục tư tưởng, lòng tự hào về lịch sử dân tộc, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh. Tuy nhiên, ngoài môn Lịch sử, còn có rất nhiều môn học, hoạt động khác để bồi đắp tình yêu lịch sử như: Giáo dục công dân, Ngữ văn, Địa lý, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp…
Bên cạnh đó, kiến thức Lịch sử không chỉ được trang bị, học tập ở nhà trường. Trong thời đại thông tin ngày nay, kiến thức Lịch sử được phổ cập, mọi người có thể tìm hiểu ở nhiều nguồn. Chỉ có điều, những kiến thức Lịch sử đó thường được tiếp cận một cách “đứt đoạn”, từng sự kiện riêng lẻ, có khi sự tìm hiểu chỉ mang tính “tò mò” nên việc hiểu biết đầy đủ, trọn vẹn thường khó khăn. Lúc này, giáo viên đóng vai trò định hướng, hình thành phương pháp tư duy khoa học, tự học, tự đọc cho học sinh.
Cô Phùng Thị Cẩm Giang – Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Sa Đéc, thị xã Phú Thọ (Phú Thọ) cho biết: Những năm qua, Trường Trung học Cơ sở Sa Đéc luôn quan tâm đầu tư và cố gắng thay đổi quan niệm, suy nghĩ chưa đúng về môn Lịch sử của học sinh. Nhóm giáo viên dạy Lịch sử của nhà trường rất chú trọng đến việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kĩ năng của học sinh.
Trong quá trình dạy học, các giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin với các bài giảng điện tử được chuẩn bị một cách chỉn chu, nhiều hình ảnh, các đoạn phim tư liệu lịch sử, sơ đồ tư duy… để có thể khắc họa lại bức tranh quá khứ một cách sinh động, rõ nét nhất, tạo hứng thú học tập cho các em.
Giúp học sinh nắm bắt kiến thức cơ bản hiệu quả
Được biết đến là một giáo viên dạy Lịch sử bằng thơ, cô Nguyễn Thị Ngọc Hà, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Hoàng Quốc Việt, Thái Nguyên chia sẻ: Phương pháp dạy học qua thơ đã phát huy thế mạnh của phương pháp sử dụng dạy học bằng lời, dễ hiểu, dễ nhớ, tránh sự nhàm chán, nặng nề của các sự kiện, nội dung lịch sử nên sẽ khơi gợi được tình yêu môn Lịch sử của học sinh, phát huy được hiệu quả đặc biệt, giúp các em nắm bắt các kiến thức cơ bản, từ khóa chính một cách dễ dàng.
Với ý tưởng từ những dòng thơ ban đầu nói về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cô Nguyễn Thị Ngọc Hà đã gấp rút hoàn thành những bài thơ hoàn chỉnh về các chuyên đề Lịch sử Việt Nam từ năm 1858 đến năm 2000, xuất bản cuốn sách đầu tay "Các chuyên đề Lịch sử Việt Nam (1858 – 2000) ôn thi Trung học Phổ thông quốc gia qua hình thức thơ – trắc nghiệm – từ khóa".
Trong cuốn sách, những kiến thức lịch sử cơ bản được cụ thể hóa dưới dạng thơ tự do, tức là diễn đạt toàn bộ các nội dung kiến thức lịch sử cơ bản bằng hình thức thơ từ bối cảnh lịch sử, nội dung, kết quả, ý nghĩa đến so sánh, đánh giá theo các chuyên đề. Kiến thức được hệ thống hoá theo ba phần gồm thơ, bài tập trắc nghiệm và từ khoá trọng tâm.
Đầu năm 2022, cô Nguyễn Thị Ngọc Hà tiếp tục dành thời gian biên soạn cuốn sách “Các chuyên đề học tập và ôn thi môn Lịch sử (Qua tranh ảnh, thơ, sơ đồ tư duy…)”. Ở cuốn sách này, ngoài phần Lịch sử Việt Nam, cô bổ sung thêm phần Lịch sử thế giới, thêm sơ đồ tư duy, bảng biểu, đề luyện thi… nhằm hỗ trợ học sinh ôn tập một cách hiệu quả nhất.
Cô Ngô Thị Hải, giáo viên Lịch sử (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) cũng cho rằng: Điều quan trọng là giáo viên cần phải linh hoạt thay đổi, sáng tạo để thu hút học sinh học Lịch sử, không nên đặt nặng vấn đề kiến thức. Cô Ngô Thị Hải nhấn mạnh: Cái khó nhất khi học lịch sử là việc ghi nhớ sự kiện. Bởi sự kiện liên quan đến ngày, tháng, năm nên học sinh dễ nhầm lẫn. Vì vậy, để học sinh ghi nhớ nhanh kiến thức, mỗi bài dạy, cô sẽ đưa ra một ví dụ về sự kiện gần gũi với các em.
Cụ thể, trong quá trình giảng dạy kiến thức về “Chiến dịch Tây Nguyên”, cô sẽ đưa ra các hình ảnh gắn liền với địa bàn tỉnh. Với dấu mốc 24/3/1975 là ngày giải phóng toàn bộ Tây Nguyên thì cô sẽ lấy đường 24/3 hoặc Hội trường 24/3 của huyện Đăk Hà để lồng ghép, đưa vào bài dạy. Từ đó, học sinh dễ dàng liên tưởng và ghi nhớ kiến thức. Hoặc “Chiến dịch Tây Nguyên” diễn ra trong tháng Ba, cô đưa ra ví dụ là một bài hát hoặc tháng Ba là mùa đốt rẫy… để phù hợp, gần gũi với học sinh địa phương.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là thời điểm thích hợp để “thay áo mới” cho môn Lịch sử. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các nhà trường, giáo viên cần có những giải pháp đổi mới toàn diện môn học này; việc dạy và học không gò ép trong khuôn khổ sách giáo khoa, từ đó làm cho học sinh thấy hay, thấy thích, dẫn đến nhu cầu tìm hiểu về Lịch sử thì khi đó chúng ta sẽ thành công.
(Nguồn: TTXVN)