Không chủ quan, lơ là trong phòng chống bệnh dại

Bảo Bình |

Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều do không tiêm vắc xin.

Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh, đỉnh điểm vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8. Gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có trường hợp tử vong do bệnh dại mà nguyên nhân do chủ quan dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Nhằm chủ động phòng, chống bệnh dại ở đàn chó, mèo, tỉnh đang tập trung nguồn lực thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý đàn chó, mèo, phòng chống bệnh dại theo đúng quy định của Luật Thú y, tránh tình trạng chủ quan, lơ là, để dịch bệnh xảy ra trên động vật và gây bệnh trên người.

Vào cuối tháng 4/2022, tại thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có 1 trường hợp 14 tuổi bị viêm não do dại dẫn đến tử vong. Điều tra dịch tễ cho thấy, cách đó khoảng 7 tháng, cháu bị chó dưới 6 tháng tuổi của nhà cắn, vết thương độ II vùng mu bàn chân hai bên. Đáng nói là sau khi bị chó cắn, cháu không được điều trị phơi nhiễm bằng vắc xin và cũng không đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng.

 

Đặc thù của bệnh dại là thời gian ủ bệnh dài và phát hiện bệnh muộn tùy tình trạng vết cắn, thường sau vài tuần hoặc vài tháng. Khi đó, vết thương do chó cắn đã liền sẹo, thậm chí nhiều người đã quên mất từng bị chó cắn. Trường hợp cháu bé ở xã Triệu Ái, phải sau 7 tháng kể từ ngày bị chó cắn, cháu mới phát bệnh. Chính vì sự lơ là, chủ quan của gia đình khi không tiêm vắc xin phòng dại cho con đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Sau khi có thông tin về ca bệnh dại ở người, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành điều tra tình hình bệnh dại trên động vật tại thôn Hà Xá, xã Triệu Ái và toàn huyện Triệu Phong. Toàn xã Triệu Ái có tổng số 350 con chó, trong đó năm 2021 có 220 con được tiêm phòng vắc xin dại, năm 2022 tiêm được 230 con. Kết quả điều tra cho thấy từ năm 2021 đến tháng 4/2022 không ghi nhận báo cáo dịch bệnh trên đàn chó tại thôn Hà Xá.

Tuy nhiên qua điều tra dịch tễ, trước khi cắn 4 người (đều trong độ tuổi từ 12-17), con chó cắn người đó đã bị một con chó lạ tấn công, đồng thời sau khi cắn người 3 ngày, con chó đã chết, chủ nhà tự chôn hủy. 4 người bị chó cắn đã không tiến hành điều trị dự phòng phơi nhiễm. Đây cũng là cách hành xử thường thấy của một số người khi chẳng may bị chó cắn bởi tâm lý chủ quan, xem thường bệnh dại.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó, mèo. Người nhiễm vi rút dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì tỉ lệ tử vong gần như 100%. Từ tháng 4/2022, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ triển khai Chương trình giám sát bệnh dại tại Quảng Trị, thông qua việc áp dụng quy trình quản lý ca bệnh dại để tăng cường năng lực giám sát, điều tra ổ dịch nhằm xác định đặc điểm dịch tễ bệnh dại ở động vật trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tính từ đầu tháng 4 - 15/5/2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị giám sát 17 trường hợp người bị chó, mèo cắn. Qua điều tra cho thấy có 14/17 con chó, mèo cắn người không được tiêm vắc xin phòng bệnh dại, có 7 người không đến các cơ sở y tế để điều trị bằng vắc xin. Năm 2022, sau gần 2 tháng tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại, toàn tỉnh chỉ mới tiêm được 22.746 con/57.084 con tổng đàn, đạt tỉ lệ 39,525% so với tổng đàn. Có nhiều xã chưa tổ chức tiêm phòng (Hướng Hóa 18 xã, Triệu Phong 7 xã, Gio Linh 5 xã, Vĩnh Linh 2 xã, Gio Linh 1 xã, thị xã Quảng Trị 1 phường).

Từ thực tế thói quen nuôi chó của người dân cho thấy, việc khống chế và kiểm soát vi rút dại gặp nhiều khó khăn do hầu hết chó nuôi hoàn toàn thả rông, không có rọ mõm, không có chuồng nuôi nhốt chó. Thêm vào đó, nhiều người vẫn chủ quan, dù bị động vật cắn nhưng không đi tiêm phòng bệnh dại với suy nghĩ là chó nhà nuôi đã được tiêm phòng thì sẽ an toàn, chỉ cần theo dõi tình trạng của chó để kiểm soát tình hình, tiêm vắc xin dại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, trí nhớ người bệnh.

Điều này hoàn toàn sai lầm bởi các dòng vắc xin phòng dại đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kiểm chứng rất an toàn, được Bộ Y tế cho lưu hành toàn quốc. Do vậy, khi bị chó, mèo cào cắn thì cần đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, tiêm vắc xin phòng dại và hoàn toàn yên tâm với chất lượng thuốc. Riêng đối với trẻ em dưới 6 tuổi và người nghèo nếu bị chó, mèo cắn sẽ được tiêm miễn phí.

Một thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, trong giai đoạn từ năm 2010 - 2021, bệnh dại đã làm chết 1.026 người (trung bình mỗi năm có 85 người chết vì bệnh dại), trên 5,2 triệu người phơi nhiễm và buộc phải điều trị dự phòng (tổn thất trên 15.000 tỉ đồng). Riêng năm 2021, cả nước có 53 người chết vì bệnh dại và 531.204 người phải đi điều trị dự phòng bệnh dại. Giai đoạn 2017-2021, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng, chống bệnh dại, tuy nhiên vẫn chưa đạt được mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại. Cả nước đã xây dựng được 14 vùng an toàn dịch bệnh dại. Tỉ lệ đàn chó được tiêm vắc xin phòng bệnh dại tăng từ 38,5% lên 49,2%.

Trước những thiệt hại nặng nề do bệnh dại gây ra, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2151/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030”. Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 747/QĐ-UBND ngày 9/3/2022 về Kế hoạch phòng chống bệnh dại tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2030. Kế hoạch yêu cầu các địa phương tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo đạt tỉ lệ tiêm phòng trên 80% tổng đàn, thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót đối tượng chó, mèo thuộc diện tiêm phòng.

Đặc biệt cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức phòng, chống bệnh dại, giám sát, hợp tác chung tay đẩy lùi bệnh dại, tiến tới mục tiêu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030. Trong đó, tập trung 3 giải pháp chính loại trừ bệnh dại trên người gồm tiêm phòng cho đàn chó, mèo và tỉ lệ tiêm liên tục trong nhiều năm phải đạt trên 70%; tiêm vắc xin phòng bệnh cho người có nguy cơ cao nhiễm bệnh dại và tiêm huyết thanh kháng bệnh dại cho người bị chó mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dại cắn.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Bệnh viện Mắt Quảng Trị tham gia mạng lưới ghép giác mạc miền Trung-Tây Nguyên

Bội Nhiên |

Bệnh viện Mắt Quảng Trị là đơn vị y tế duy nhất ở tỉnh Quảng Trị được chọn mời tham gia mạng lưới ghép giác mạc miền Trung - Tây Nguyên.

WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không ngừng lây lan sẽ đe dọa các nhóm nguy cơ cao

PV |

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ vẫn tiếp tục lây lan trên toàn thế giới có thể tạo cơ hội để virus lây lan đến các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc trẻ em. WHO thông báo đang điều tra các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em, trong đó có 2 ca ở Anh cùng các ca bệnh tại Tây Ban Nha và Pháp. Trong số các ca đậu mùa khỉ ở trẻ em được ghi nhận cho đến nay, không có ca nào nghiêm trọng.

Hé lộ nguyên nhân khiến bệnh đậu mùa khỉ lây lan nhanh chóng

PV |

Nghiên cứu mới cho thấy virus đậu mùa khỉ đột biến nhanh hơn nhiều so với dự đoán ban đầu ​​khi lây lan giữa người với người. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến căn bệnh này lây lan nhanh chóng.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh và CDC Quảng Trị

Thanh Hải |

Ngày 21/6, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng đến thăm và làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Phòng chống bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Trị) về tình hình chăm sóc sức khỏe Nhân dân 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Quang Chiến; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam; Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Thị Lan Hương và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự buổi làm việc.