Bệnh viện Mắt Quảng Trị là đơn vị y tế duy nhất ở tỉnh Quảng Trị được chọn mời tham gia mạng lưới ghép giác mạc miền Trung - Tây Nguyên.
Thông tin từ Ban Tổ chức Hội thảo Nhãn khoa và thành lập mạng lưới ghép giác mạc miền Trung - Tây Nguyên được Bệnh viện Trung ương (BVTƯ) Huế tổ chức vào ngày 1/7/2022 cho biết, Bệnh viện Mắt Quảng Trị là một trong 12 bệnh viện, trung tâm mắt trở thành bệnh viện vệ tinh khi BVTƯ Huế là bệnh viện hạt nhân trong mạng lưới ghép giác mạc miền Trung - Tây Nguyên từ tháng 7/2022.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động ghép giác mạc trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên, BVTƯ Huế đề xuất thành lập mạng lưới ghép giác mạc với bệnh viện hạt nhân là BVTƯ Huế và các bệnh viện vệ tinh gồm: Bệnh viện Mắt Nghệ An, Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, Bệnh viện Mắt Quảng Trị, Bệnh viện Mắt Thừa Thiên-Huế, Bệnh viện Mắt Quảng Nam, Trung tâm Mắt tỉnh Quảng Ngãi, Bệnh viện Mắt Bình Định, Bệnh viện Mắt Phú Yên, Bệnh viện Mắt Cao Nguyên, Bệnh viện Mắt Đắk Lắk, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng.
Mục tiêu của mạng lưới ghép giác mạc là đẩy mạnh các hoạt động lấy, ghép và điều trị sau ghép giác mạc; đáp ứng nhu cầu điều trị thay thế giác mạc của người dân thông qua việc điều phối giác mạc và liên kết chặt chẽ giữa các bệnh viện trong mạng lưới.
Theo ký kết, BVTƯ Huế giúp các bệnh viện vệ tinh nâng cao năng lực chuyên môn về lấy, ghép giác mạc thông qua việc tăng cường đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật (tại chỗ hoặc tại BVTƯ Huế), đồng thời hỗ trợ bộ dụng cụ lấy giác mạc và hộp bảo quản giác mạc; các bệnh viện vệ tinh sẽ tham gia lấy giác mạc khi có yêu cầu hỗ trợ.
Đến nay, Bệnh viện Mắt Quảng Trị đã đạt được nhiều bước tiến mới trong triển khai ứng dụng kỹ thuật cao của lĩnh vực nhãn khoa có ý nghĩa chuyên môn tích cực cũng như ý nghĩa nhân văn đối với người bệnh.
“Từ năm 2021, đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện Mắt Quảng Trị đã làm chủ phương pháp ghép kết mạc tự thân nhiều lớp, thực hiện thành công các ca phẫu thuật ghép kết mạc tự thân nhiều lớp điều trị viêm loét giác mạc dọa thủng. Phương pháp này được Bệnh viện Mắt của tỉnh áp dụng giúp người bị viêm loét giác mạc dọa thủng bảo tồn được nhãn cầu, giảm tỷ lệ mù lòa do giữ lại được nhãn cầu hoặc một phần thị lực để người bệnh chờ cơ hội được ghép giác mạc, nhất là với những người trong độ tuổi lao động và người bệnh viêm loét giác mạc dọa thủng hoặc thủng trên địa bàn không còn phải chuyển tuyến trên. Việc này góp phần giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh với gia đình người bệnh và xã hội”, bác sĩ Bùi Thị Vân Anh - Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Quảng Trị nói.
Được biết, phương pháp ghép kết mạc tự thân nhiều lớp do Bệnh viện Mắt Quảng Trị nghiên cứu và ứng dụng là kỹ thuật mới của ngành Nhãn khoa Việt Nam, sáng kiến kỹ thuật mới của ngành Y tế tỉnh Quảng Trị trong khoảng thời gian từ tháng 6/2022 và đã đạt giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ IX (2020-2021).