Mỗi độ xuân về, các địa phương, đơn vị trong cả nước lại tích cực trồng cây, gây rừng với nhiều chủng loại cây hữu ích, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, mang lại màu xanh cho đất nước. Năm nay cũng vậy, ngay từ đầu năm mới, phong trào trồng cây đã được nhiều địa phương trong cả nước hưởng ứng.
Trước những thách thức to lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu, việc trồng rừng, bảo vệ rừng vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa mang ý nghĩa chiến lược đối với cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Lễ phát động “Tết trồng cây” hằng năm rất thiết thực trong bối cảnh vai trò của cây xanh, của rừng đối với công tác bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng được thể hiện rõ nét. Tuy nhiên, việc phát động “Tết trồng cây” phải gắn với công tác bảo vệ rừng bền vững vì “trồng nhiều mà không chịu khó chăm sóc, để cây chết thì tốn công, vô ích” (Bác Hồ). Chính vì thế, việc trồng cây xanh phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giám sát suốt quá trình để bảo đảm cây trồng, rừng trồng ngày càng phát triển.
Mới đây, khi phong trào trồng cây xanh đầu năm được nhiều địa phương phát động thì có thông tin tại bãi biển xã Quang Phú, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) - nơi có rừng phòng hộ và thường xuyên được chọn là nơi phát động “Tết trồng cây” - số cây trồng từ dịp tết Tân Sửu - 2021 đều đã chết khô từ lâu do không có người chăm sóc. Theo nhiều người dân phản ánh, nguyên nhân chính dẫn đến việc cây chết hàng loạt là do không được ai chăm sóc sau khi trồng. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể về tỉ lệ cây chết sau nhiều lễ phát động trồng cây ở các địa phương nhưng từ thực tế trên cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm để ý nghĩa của phong trào trồng cây xanh được trọn vẹn hơn.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn loại cây trồng phù hợp với từng mục đích, điều kiện trồng cũng cần được chú trọng. Bài học về trồng cây phong lá đỏ trước đây tại TP. Hà Nội là một ví dụ. Cây phong lá đỏ được đưa ngay vào trồng tại Hà Nội khi chưa được trồng thử nghiệm trước, chưa đánh giá điều kiện thích nghi về đất, khí hậu, địa hình… phù hợp cho quá trình sinh trưởng cũng như tác động của cây trồng với môi trường xung quanh dẫn đến thất bại.
Năm 2021, chương trình 1 tỉ cây xanh với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh” được phát động với mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỉ cây xanh. Theo kế hoạch đề ra, từ năm 2022 - 2025 trồng bình quân 204,5 triệu cây/ năm, trong đó cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020. Cũng giống như mục tiêu đặt ra tại các buổi lễ phát động “Tết trồng cây”, ngay tại thời điểm phát động dự án, yêu cầu trồng cây xanh làm sao có được kết quả cụ thể, rõ ràng, tránh làm theo phong trào, chạy theo thành tích đã được đặt ra. Bởi lẽ thông thường các chính sách đề ra năm đầu làm tốt, những năm sau sẽ lơ là hơn nếu không tạo thành một phong trào sâu rộng, không đôn đốc, kiểm tra giám sát. Do đó, để cây trồng phát triển tốt, đảm bảo đúng mục đích đòi hỏi mỗi địa phương, đơn vị phải có trách nhiệm cao, tránh để tình trạng khi ra quân thì rầm rộ, kế hoạch đặt ra thì to tát nhưng hiệu quả lại không cao.
Trên thực tế, không chỉ đợi đến các buổi lễ phát động “Tết trồng cây” thì phong trào trồng cây xanh mới được triển khai thực hiện. Hằng năm, ở nhiều địa phương trong cả nước, cây xanh vẫn được trồng mới bởi các cá nhân, tổ chức hay dự án…, góp phần vào mục đích chung là “Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” như lời Bác Hồ căn dặn. Tại miền tây Quảng Trị, nhiều năm nay cây trẩu đã được người đồng bào dân tộc thiểu số trồng lên bằng các nguồn hỗ trợ khác nhau để phủ xanh đất trống, đồi trọc. Loại cây này cũng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây. Năm 2021, Quỹ tài khoản An Vui của MC Đại Nghĩa đã ủng hộ 850 triệu đồng cho MCNV để hỗ trợ bà con một số xã vùng dân tộc thiểu số Hướng Hóa trồng cây trẩu. Đến nay, hơn 100 ha trẩu đã được trồng trên những cánh rừng và tại một số điểm sạt lở đất do thiên tai gây ra.
Trước đây, Quỹ An Vui chủ yếu cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trực tiếp các trường hợp khó khăn, cơ nhỡ, xây cầu dân sinh, làm nhà cho người nghèo ở miền Nam... Đây là lần đầu tiên quỹ hỗ trợ người dân tộc miền núi Quảng Trị hoạt động trồng rừng. Để đảm bảo cây trồng phát triển tốt, cán bộ dự án MCNV đã giao rừng cho người dân chăm sóc, hỗ trợ kinh phí chia thành 3 giai đoạn: Lần 1 là để người dân thu mua hạt trẩu, phát thực bì và đào hố. Lần 2 là để chăm sóc sau khi trồng. Lần 3 được thanh toán nốt sau khi nghiệm thu kết quả trồng rừng. Theo kế hoạch, năm 2022 dự án sẽ trồng thêm khoảng 200 ha trẩu từ các nguồn khác nhau. Vì được giao cho người dân trồng và chăm sóc nên bà con rất có ý thức trong việc bảo vệ rừng trồng. Kết quả khảo sát cho thấy tỉ lệ sống của trẩu khá cao, trên 80%.
Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng nhân loại có thể bị diệt vong nếu loài người mãi chạy theo những lợi ích kinh tế trước mắt một cách bất chấp, dẫn đến môi trường, thiên nhiên tiếp tục bị hủy hoại, tàn phá. Do vậy, “Tết trồng cây” là một hoạt động rất ý nghĩa, không chỉ bảo vệ môi trường sinh thái mà còn hình thành nét đẹp văn hóa, giáo dục về tình yêu lao động, tình yêu thiên nhiên, lối sống hòa đồng giữa con người với thiên nhiên của người Việt Nam. Để những mùa “Tết trồng cây” được trọn vẹn ý nghĩa, cần nâng cao hơn nữa ý thức chăm sóc, bảo vệ và theo sát quá trình phát triển của cây. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “mười cây chết chín, một cây gật gù” hay trồng lên rồi để mặc cây chết khô héo như tình trạng cây ở xã biển Quang Phú nói trên.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)