Bộ Công an đã có quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Theo đó, người dân có quyền giám sát cảnh sát giao thông.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 67/2019/TT-BCA về việc quy định thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) với mục đích nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động bảo đảm TTATGT.
Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm TTATGT, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vì nhân dân phục vụ. Những việc nhân dân giám sát cảnh sát giao thông1. Việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
2. Việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ.
3. Việc Nhân dân giám sát Công an nhân dân thực hiện các quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ.
Các hình thức giám sát của nhân dân
1. Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.
2. Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.
3. Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ.
4. Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
5. Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ;
- Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông);
- Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
(Nguồn: Báo Lao Động)