Nhức nhối vấn nạn bạo lực học đường

Trần Thanh |

Vừa qua, trong 2 ngày liên tiếp, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra 2 vụ nữ sinh đánh bạn. Một vụ ở Trường THCS thị trấn Gio Linh (huyện Gio Linh), nữ sinh đánh bạn trong lớp học. Mặc dù nhiều học sinh khác chứng kiến sự việc nhưng chỉ có một bạn nữ vào can ngăn. Các bạn khác trong lớp đứng xem và quay video để đăng lên mạng xã hội.

Một trường hợp khác xảy ra tại Trường THCS Nguyễn Huệ (TP.Đông Hà). Vì xích mích trong lời nói nên một nữ sinh bắt một bạn nữ cùng lớp phải quỳ xuống xin lỗi mình. Không được như ý muốn, nữ sinh này đánh bạn đến chảy máu ở vùng đầu. Thấy hai nữ sinh đánh nhau, một số học sinh đã can ngăn, nhưng cũng có những học sinh cười đùa, hò reo cổ vũ. Sự việc chỉ dừng lại khi một giáo viên trong trường phát hiện.

Đây chỉ là 2 ví dụ điển hình trong rất nhiều vụ bạo lực học đường đã và đang diễn ra. Chỉ cần gõ từ khóa “bạo lực học đường” trên trang web tìm kiếm google sẽ cho ra khoảng 20,6 triệu kết quả chỉ trong 0,40 giây. Có thể hiểu, bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm, trấn áp người khác, gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học. Bạo lực học đường bao gồm các hành vi bạo lực về thể chất, gồm đánh nhau giữa các học sinh hoặc các hình phạt thể chất của nhà trường; bạo lực tinh thần, bao gồm cả việc tấn công bằng lời nói; bạo lực tình dục, bao gồm hiếp dâm và quấy rối tình dục; các dạng bắt nạt bạn học; mang vũ khí đến trường…

Nhà trường, gia đình và xã hội cần chung tay để đẩy lùi bạo lực học đường -Ảnh: T.T​
Nhà trường, gia đình và xã hội cần chung tay để đẩy lùi bạo lực học đường -Ảnh: T.T​

Tại Việt Nam, theo số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra gần đây nhất, trong 1 năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ 9 trường thì có 1 trường có học sinh đánh nhau...​    

Thời gian gần đây, bạo lực học đường gia tăng cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng, đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên. Điều đáng lo ngại là hiện nay, bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở các học sinh nam mà có nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau hội đồng. Bạo lực học đường đã trở thành mối lo ngại của rất nhiều gia đình, các nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội bởi hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra. Hầu hết, nạn nhân của bạo lực học đường đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thể xác và tinh thần.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân của bạo lực học đường trước hết xuất phát từ chính bản thân học sinh. Học sinh cấp THCS, THPT có sự chuyển biến về mặt tâm lý, giai đoạn này hình thành nhân cách ở con người, cùng với đó là tâm lý không ổn định và có cái tôi cá nhân quá cao. Nguyên nhân bạo lực học đường cũng có một phần do giáo dục từ phía nhà trường. Môn Giáo dục công dân còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm giúp học sinh nhận thức được các bài học của lòng nhân ái, bao dung, sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân với những người xung quanh. Từ góc độ gia đình, phụ huynh ít quan tâm tới con cái, hoặc một số trường hợp, phụ huynh là người gây ra bạo hành gia đình. Hiện nay, học sinh tiếp xúc dễ dàng với những hành vi bạo lực trên internet, phim ảnh và trò chơi điện tử mang tính bạo lực…

Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, cần có những giải pháp thiết thực, hợp lý và thực hiện một cách nghiêm túc từ phía gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trước tiên, mỗi học sinh cần có ý thức rèn luyện và tìm hiểu, nâng cao ý thức về hành động cũng như hậu quả của những hành động bạo lực. Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm cần gần gũi học sinh để có biện pháp xử lý kịp thời khi học sinh có biểu hiện của những hành vi tiêu cực và bạo lực. Tổ chức những nhóm bạn cùng tiến trong lớp học để nâng cao nhận thức và tăng cường sự trao đổi, tự khắc phục lẫn nhau trong học tập. Nhà trường cần chủ động trong việc trao đổi thông tin với gia đình học sinh để có thể nắm bắt tình hình cũng như biểu hiện của học sinh; chú trọng giảng dạy một số môn học như kỹ năng sống, giáo dục công dân. Đặc biệt, trong xử lý các vụ việc bạo lực học đường cần có cái nhìn bao dung với sai phạm trong lứa tuổi học trò để có phương án xử lý thích hợp, mang tính răn đe và phòng ngừa chung, nhưng cũng luôn tạo cơ hội để các em vi phạm hiểu và sửa đổi. Đối với gia đình, phụ huynh cần thay đổi quan điểm giáo dục con cái. Lâu nay chúng ta chỉ chú trọng đến kết quả học hành của con cái mà xem nhẹ việc con em mình nghĩ gì, cần gì, xử sự như thế nào với bạn bè. Cha mẹ hãy là những người bạn đồng hành với con cái, tránh tạo vỏ bọc cứng nhắc vì sẽ tạo tâm lý ỷ lại, dựa dẫm và hưởng thụ.

Ngoài ra, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp với nhà trường và gia đình đẩy lùi bạo lực học đường.

(Nguồn: baoquangtri)

TAGS

Hỗn loạn ở Quốc hội Mỹ và bạo lực trong 'ngày phán xét'

Thanh Mai |

Người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump tràn vào tòa nhà quốc hội Mỹ gây bạo lực và phá hoại.

"Hình thức kỷ luật bêu tên học sinh trước toàn trường là bạo lực tinh thần"

Thanh Mai |

“Trong trường hợp đó, học sinh sẽ cảm thấy mình là một đứa tồi, láo, không có giá trị, đáng bị trừng phạt", TS Trần Thành Nam cho biết.

Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em

BBT |

Chủ đề của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020 diễn ra từ ngày 15/11 - 15/12 là “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.

Đà Nẵng xây dựng thành phố an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em

Quốc Dũng |

Đà Nẵng đang xây dựng Đề án thành phố an toàn, không bạo lực với phụ nữ, trẻ em từ năm 2020-2025, phấn đấu đến năm 2030 có 100% xã, phường... có quy định về an toàn, không quấy rối và bạo lực.