Thực tế cho thấy ồn ào danh hiệu là vấn đề mà nhiều đấu trường nhan sắc phải đối mặt.
Mới đây nhất, R'Bonney Gabriel đăng quang cuộc thi Hoa hậu Mỹ. Ngay sau đó, một thí sinh đã lên tiếng tố có gian lận trong quá trình chấm điểm và khẳng định Gabriel được thiên vị, dàn xếp để đăng quang. Crystle Stewart - Chủ tịch của Miss USA - đã phủ nhận thông tin này và khẳng định công bằng là yếu tố được ban tổ chức ưu tiên. Lùm xùm khiến Hoa hậu Mỹ phải quay lại nằm dưới quyền quản lý của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ (do công ty WME/IMG điều hành).
Fox News trích thông báo của tổ chức Miss Universe: "Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tổ chức Miss Universe quyết định đình chỉ Miss USA và tiếp quản cuộc thi này. Chúng tôi nhờ công ty luật Holland & Knight vào cuộc điều tra và các chứng cứ sẽ được sử dụng làm cơ sở cho những quyết định thích hợp".
Ivonne Cerdas, thí sinh ứng xử kém nhất trong top 5 Miss Costa Rica 2020, lại đăng quang. Cựu Á hậu Miss Costa Rica - Nicole Carboni Renault đã đăng đàn tố cáo cuộc thi giả dối, dùng tiền đổi giải thưởng. Người đẹp này khẳng định Ivonne biết trước câu hỏi nhưng vẫn thể hiện quá tệ ở đêm thi cuối.
Nicole nói rằng Valeria Rees - Á hậu 1 của cuộc thi - lợi dụng quan hệ bạn bè với Karina Ramos (Miss Costa Rica 2014) và lên giường cùng đại gia hòng muốn được vinh danh ở chung kết.
Thực tế cho thấy ồn ào danh hiệu là vấn đề mà nhiều đấu trường nhan sắc phải đối mặt. Năm 2012, dư luận chấn động khi Miss Earth (Hoa hậu Trái Đất) bị phanh phui sự thật mua giải, giá được đưa ra cho vương miện là 4 triệu USD. Miss Earth cũng từng thiên vị khi có tới 4 đại diện chủ nhà Philippines đăng quang, trong khi những người này đều không được đánh giá cao về nhan sắc.
Không chỉ vậy, năm 2018, cuộc thi này có 3 thí sinh đã lên tiếng tố cáo việc bị quấy rối tình dục và từng phải nhận những lời đề nghị khiếm nhã từ một trong những nhà tài trợ của cuộc thi. Khi ấy, người đẹp Jaime VandenBerg, nhan sắc đại diện cho Canada, đã chia sẻ về việc cô bị một nhà tài trợ làm phiền quá nhiều, người này gọi điện cho cô mỗi ngày và thường xuyên tìm gặp cô: "Người này thậm chí còn hỏi tôi muốn gặp riêng ông ta ở đâu, để ông ta tới thăm tôi tại phòng khách sạn của tôi, hay tôi sẽ tới gặp ông ta ở chỗ của ông ta.Ông ta cũng hứa hẹn sẽ giúp tôi giành chiến thắng. Tôi thấy rõ ràng người này đang muốn có sự đổi chác, tôi cảm thấy quá khó chịu về con người này và không còn tinh thần tham gia cuộc thi nữa, vì tôi không cảm thấy mình được an toàn". Sau đó, cô Jaime VandenBerg đã sớm rời khỏi cuộc thi.
Người đẹp Janina San Miguel từng đăng quang Hoa hậu Philippines năm 2007. Cô đáng nhẽ sẽ là đại diễn tham gia đấu trường nhan sắc quốc tế - Hoa hậu Thế giới (Miss World 2008). Tuy nhiên, trước khi cuộc thi diễn ra, Janina San Miguel gây sốc với tuyên bố trả lại vương miện vì những lý do cá nhân.
Cho đến bây giờ, cô Miguel mới chia sẻ thành thực rằng thời điểm ấy cô đưa ra quyết định gây sốc là bởi liên tục phải đối diện với những lời gạ gẫm.
"Thời điểm ấy tôi đang là Hoa hậu, có rất nhiều sự quan tâm, tôi phải nhận rất nhiều lời gạ gẫm, có người 'ra giá' 3 triệu peso (gần 1,5 tỷ đồng) để có một đêm ở bên tôi. Có người đề nghị trả cho tôi 25 triệu peso (12 tỷ đồng) để làm bạn gái của người ta. Khi làm Hoa hậu rồi tôi mới biết có rất nhiều người muốn một nhan sắc có thứ hạng trở thành bạn gái hoặc vợ của họ", cô nói. Năm 2020, giám khảo cuộc thi Miss Samila bị thí sinh Ornapan Na Chiang Mai - Thái Lan tố sửa điểm để loại cô và nhiều thí sinh khỏi chung kết. Không ai lên tiếng về sự việc nhưng phần thưởng 200.000 Baht (khoảng 6.300 USD) được chia đều cho tất cả 10 thí sinh lọt vào bán kết và không có hoa hậu nào được công bố.Miss Korea (Hoa hậu Hàn Quốc) dính lùm xùm mua giải năm 2012 sau khi bị người nhà của thí sinh tố cáo. Người này cho biết ban tổ chức đã chủ động liên lạc với bà và đề nghị mua bán giải. Nếu bồi dưỡng 20 triệu won (hơn 15.000 USD) cho mỗi giám khảo, con bà chắc chắn có danh hiệu. Những con số được nêu ra cho từng danh hiệu là 100 triệu won (Á hậu 2), 300 triệu won (Á hậu 1) và 500 triệu won (Hoa hậu).
Ban tổ chức cuộc thi nói rằng: "Chúng tôi xin chịu trách nhiệm khi đã không ngăn chặn được chuyện đáng tiếc. Công ty chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để làm sáng tỏ mọi chuyện và duy trì sự minh bạch cho lần tổ chức sau".
Mark Dela Cruz, một người từng có kinh nghiệm tham gia tổ chức những cuộc thi Hoa hậu và Nam vương tại Philippines cho biết có những cá nhân "có mục đích riêng" khi nhận làm nhà tài trợ cho cuộc thi hoặc cho thí sinh. Mark Dela Cruz thường phải tìm hiểu thông tin về các nhà tài trợ để bảo đảm an toàn cho các thí sinh, đồng thời cảnh báo các thí sinh không ra ngoài gặp gỡ riêng nhà tài trợ:
"Nếu chúng ta muốn các cuộc thi thực sự trong sạch, lành mạnh, trách nhiệm nằm nhiều ở phía ban tổ chức. Bằng cách cắt giảm những việc không cần thiết, áp lực kinh tế đè nặng lên vai thí sinh sẽ được giảm bớt, họ cũng sẽ không cần phải trông cậy quá nhiều vào nhà tài trợ nữa.
Hơn thế, các thí sinh cần hiểu rằng ngay cả khi giành được vương miện, cũng chỉ 2-3 năm sau là họ có thể bị quên lãng. Mỗi người đẹp đều cần phải tự làm mới hình ảnh, phong cách bản thân để được công chúng nhớ đến, không thể chỉ đơn thuần trông cậy vào vương miện. Thực sự không có lợi ích gì khi tổ chức quá nhiều cuộc thi nhan sắc".
Vừa qua trong cuộc họp báo nói về ồn ào kiện tụng, Hoa hậu Thùy Tiên cũng đã thẳng thắn lên tiếng hé lộ nhiều sự thật xuất hiện nhan nhãn trong giới người đẹp: “Có rất nhiều bầu show tiếp cận các cô gái tham gia những cuộc thi nhỏ lẻ để đổi đời. Những cô gái trẻ chắc chắn không có đủ tiền nên không thể có đủ khả năng trở khoản tiền mấy trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Nhưng khi họ gài gắm những cô gái trẻ như vậy thì họ sẽ có lý do để giới thiệu cô gái đó đi cặp kè đại gia, thậm chí còn phải 'bán hoa' để trả tiền cho họ. Đây là lần đầu tiên em dám nói ra câu chuyện này. Có lẽ nhiều người cũng biết nhưng không phải ai cũng can đảm nói ra”.
(Nguồn: Phụ nữ mới)