Phát triển phẩm chất, năng lực học sinh gắn với giá trị con người Việt Nam

Hồ Sỹ Anh |

Nguồn nhân lực chất lượng cao đang là điểm nghẽn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Vì vậy, cần có những giải pháp căn cơ, hữu hiệu để phát triển phẩm chất, năng lực học sinh gắn với nâng cao, phát huy giá trị con người, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết, khái quát các giá trị con người Việt Nam gồm: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo. Đối chiếu với mục tiêu 5 phẩm chất và 10 năng lực của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm tương đồng. Đây chính là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với ngành Giáo dục nói chung và trường phổ thông nói riêng.

Hoạt động ngoại khóa tại Đền thờ ngài Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, giúp học sinh tìm hiểu truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước -Ảnh: N.K
Hoạt động ngoại khóa tại Đền thờ ngài Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, giúp học sinh tìm hiểu truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước -Ảnh: N.K

Nhân lực vẫn là điểm nghẽn

Xây dựng và phát triển hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cấp thiết. Tuy nhiên, theo PGS.TSKH Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, qua bài viết trên Tạp chí Tuyên giáo, có một số điểm đặt ra như sau:

Thứ nhất, từ trước đến nay, nhất là các văn kiện Đảng những nhiệm kỳ gần đây, đều nhấn mạnh điểm nghẽn của sự phát triển đất nước là nguồn nhân lực; đồng thời, một trong những đột phá của sự phát triển cũng là nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc khơi dậy, khai thác, phát huy, phát triển hệ giá trị con người và hệ giá trị Việt Nam chưa được nghiên cứu, chưa được nhận thức và chưa thể hiện thành chính sách, giải pháp cụ thể.

Thứ hai, tất cả các chủ trương chính sách về con người và nguồn nhân lực cho đến nay vẫn chưa chú ý đến hệ giá trị con người và hệ giá trị Việt Nam, chưa chú ý trực tiếp đến khơi dậy, khai thác, phát huy, phát triển các hệ giá trị đó trong việc đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước phát triển bền vững. Xây dựng và phát triển con người mà không nói đến xây dựng và phát huy các hệ giá trị con người là thiếu sót, rất cần sớm được khắc phục.

 

Thứ ba, hệ giá trị con người và hệ giá trị Việt Nam là một trong những nội dung cốt lõi nhất của xây dựng phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực trong hiện nay và các giai đoạn tiếp theo. Các hệ giá trị đó đều trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra các sản phẩm có giá trị và có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Công nghiệp điện ảnh, giải trí, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, lịch sử, sinh thái... là những ví dụ về hệ giá trị Việt Nam tạo nên giá trị của cải vật chất.

Thứ tư, trong hiện thực, chúng ta đang “khủng hoảng” hệ giá trị con người ở những mức độ khác nhau. Suy thoái về tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, lối sống, tư duy của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Việc xác định, xây dựng và phát huy các hệ giá trị văn hóa, con người là rất quan trọng, có ý nghĩa đối với việc phòng chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Thứ năm, cá nhân, gia đình, nhà trường, xã hội là những chủ thể quan trọng trong việc hình thành hệ giá trị con người. Các chủ thể này có chức năng, vai trò to lớn trong việc khơi dậy, trao truyền, bồi đắp, phát triển, tiếp biến và phát huy hệ giá trị con người, hệ giá trị Việt từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ cá nhân, cộng đồng này qua cá nhân, cộng đồng khác.

Ngày nay, trẻ em có thời gian ở trường, giao tiếp với cô thầy, bạn bè, học tập kiến thức nhiều hơn ở nhà với ông bà, bố mẹ, anh chị em. Trong khi nhà trường chưa sẵn sàng, chủ động với giáo dục các hệ giá trị thì vai trò, chức năng của gia đình về việc này đang bị rút bỏ. Đây là khiếm khuyết lớn cần nhanh chóng được khắc phục.

Trên cơ sở các tiêu chí, chỉ số của hệ giá trị con người Việt Nam mà Đảng và Nhà nước đã xác định, ngành Giáo dục-đào tạo cần so sánh, đối chiếu, nhằm đưa ra các chỉ dẫn để thực hiện các phương thức, giải pháp nâng cao giá trị con người Việt Nam phù hợp với từng cấp, bậc học. Trong đó, những tiêu chí như “tự cường”, “nghĩa tình”, “đoàn kết”, “kỷ cương” chưa được nêu tường minh trong mục tiêu của giáo dục phổ thông cần được lý giải rõ ràng những phẩm chất, năng lực nào có liên quan đến các tiêu chí này.

Thứ sáu, trong giai đoạn đổi mới, mặc dù Đảng đã xác định con người là mục tiêu, là động lực, là trung tâm của sự phát triển, nhưng trong thực tế, chủ trương này vẫn chưa được các chủ thể xã hội khác nhau thực sự xem con người và nhân lực là khâu quyết định; đã đến lúc cần có một nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển con người với đầy đủ các nội dung phong phú về con người đối với phát triển bền vững đất nước đến 2045, dấu mốc 100 năm ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay. Sẽ là sai lầm nếu chỉ nhấn mạnh vào khía cạnh kỹ thuật, công nghệ mà xem nhẹ khía cạnh con người, nhân lực và các hệ giá trị.

Mục tiêu tương đồng

Với những phân tích như trên của PGS Lương Đình Hải, chúng ta thấy rằng, một trong những khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực của nước ta là mục tiêu giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng trong những giai đoạn trước chưa gắn với nâng cao giá trị con người Việt Nam.

Các chương trình giáo dục phổ thông trước đây xây dựng theo tiếp cận nội dung, trong đó các năng lực cá nhân con người chưa bao giờ được xác định là những mục tiêu giáo dục. Mục tiêu giáo dục phổ thông 2006, được xác định là: “Giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Mục tiêu này vẫn ở mức chung, có đề cập phát triển năng lực cá nhân, nhưng là những năng lực nào thì chưa xác định rõ.

Hệ giá trị giá trị con người Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết, gồm: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Đây là những giá trị cơ bản, cốt lõi trong hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay. Đối chiếu hệ giá trị này với mục tiêu phát triển 5 phẩm chất cốt lõi và 10 năng lực của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng ta thấy có nhiều điểm tương đồng. Bảng so sánh cho ta thấy điều đó.

Giải pháp đối với giáo dục, đào tạo

Như vậy, sự tương đồng giữa hệ giá trị con người Việt Nam và các phẩm chất, năng lực phát triển đối với học sinh phổ thông là cơ hội, là niềm tin để gia đình, nhà trường, xã hội cùng chung sức, quyết tâm, thực hiện giáo dục, đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực-qua đó nâng cao, phát huy giá trị con người Việt Nam.

Trước hết, trên cơ sở các tiêu chí, chỉ số của hệ giá trị con người Việt Nam mà Đảng và Nhà nước đã xác định, ngành giáo dục-đào tạo cần so sánh, đối chiếu, nhằm đưa ra các chỉ dẫn để thực hiện các phương thức, giải pháp nâng cao giá trị con người Việt Nam phù hợp với từng cấp, bậc học.Từ giáo dục tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Trong đó, những tiêu chí như “tự cường”, “nghĩa tình”, “đoàn kết”, “kỷ cương” chưa được nêu tường minh trong mục tiêu của giáo dục phổ thông, cần được lý giải rõ ràng những phẩm chất, năng lực nào có liên quan đến các tiêu chí này.

Nâng cao nhận thức cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và phụ huynh học sinh về hệ giá trị con người Việt Nam là cốt lõi, là trung tâm để tạo nên các hệ giá trị khác, tạo nên sức mạnh cho quốc gia, hạnh phúc cho từng cá nhân và đất nước.

Nhà trường phối hợp với gia đình, xã hội trong việc nâng cao chất lượng giáo dục gắn với nâng cao giá trị con người Việt Nam nhằm tạo ra nguồn nhân lực xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế thị trường đã vvà đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tỉnh Hải Dương trao tặng 100 triệu đồng cho quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh Quảng Trị

Lê Trường |

Ngày 16/7, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 (1947-2023), đoàn công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương do Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng làm trưởng đoàn đến dâng hoa, dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia (LSQG) Trường Sơn, Đường 9 và Di tích Thành Cổ Quảng Trị. 

Hướng Hoá thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”

Quỳnh Hương |

Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) luôn thực hiện tốt các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” góp phần thiết thực tri ân, động viên, khích lệ, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn toàn huyện.

Quảng bá di sản văn hóa Việt Nam qua lễ hội Đền Hùng 2023

PV |

Năm nay, Bộ VHTT và DL phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ và các hoạt động quảng bá di sản văn hóa Việt Nam nhằm thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Đền thờ Vua Hàm Nghi - nơi giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ

Thanh Hải |

Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại Di tích quốc gia thành Tân Sở, thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ Được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị xây dựng, khánh thành đúng vào Kỷ niệm 135 năm Ngày Vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương hô hào kiệt, sĩ phu và Nhân dân cả nước đứng lên giúp vua chống lại quân Pháp xâm lược 13/7 (1885-2020).