Tái sử dụng sách giáo khoa để giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh

Hoài Nam |

Chỉ thị 643/CT-BGDĐT (Chỉ thị 643) của Bộ GD&ĐT vừa được ban hành, quy định về sử dụng sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông là tin vui của rất nhiều phụ huynh, học sinh. Một trong những yêu cầu đặt ra trong chỉ thị này là không được viết, vẽ lên SGK để tái sử dụng lâu bền.

Lâu nay, câu chuyện sách giáo khoa chỉ dùng được một lần là nỗi trăn trở của rất nhiều người, nhất là gần đây, khi giá sách giáo khoa tăng mạnh. Với những gia đình có điều kiện, muốn san sẻ gánh nặng với người khó khăn cũng không thể được, bởi lẽ SGK qua một năm sử dụng được viết, vẽ lên trong các bài học. Nhưng đây chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc không tái sử dụng được SGK cho năm học sau. Kể từ khi áp dụng một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa thì việc tái sử dụng trở nên khó khăn, thậm chí không thể. Hàng chục nghìn cuốn sách phải bỏ chỉ sau một lần dùng, gây lãng phí tiền tỉ và ảnh hưởng tới môi trường.

 
Ảnh minh họa 

Từ năm 2019 trở về trước, chương trình giáo dục phổ thông chỉ có một bộ sách giáo khoa cho từng lớp, tuy có chỉnh sửa qua từng năm nhưng cơ bản không thay đổi đáng kể nên học sinh phổ thông giai đoạn 2002-2019 có thể dùng lại sách của khóa trên. Nhưng cơ chế “một chương trình, một bộ sách giáo khoa” đã thay đổi theo Chương trình giáo dục phổ thông mới và Luật Giáo dục 2019. Lần đầu tiên, Việt Nam triển khai “một chương trình, nhiều bộ sách”. Bên cạnh những thay đổi theo chiều hướng tích cực, điều khiến nhiều phụ huynh bức xúc là phải mua mới sách giáo khoa thay vì tái sử dụng. Hiện chưa có thống kê đầy đủ về số lượng những cuốn sách giáo khoa theo chương trình mới không thể tái sử dụng trên cả nước.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, mức thiệt hại từ việc không thể tái sử dụng SGK có thể lên tới hàng tỉ đồng. Một phụ huynh cho biết: Vào cuối tháng 4 năm nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố giá sách lớp 3, 7 và 10 theo chương trình mới, sử dụng từ năm học 2022-2023. Hai con tôi năm nay đều học THCS, cô chị học lớp 8, cô em năm nay lên lớp 7 nhưng không thể học lại sách của chị. Năm học vừa qua, do dịch bệnh nên việc học online kéo dài, bộ SGK lớp 8 của con gần như nguyên vẹn. Bỏ đi thì tiếc nhưng giữ lại thì không biết làm gì.

Chỉ thị 643 hy vọng sẽ cải thiện được một phần tình trạng lãng phí SGK nói trên. Theo tinh thần của chỉ thị này, các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương sẽ phải quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK; không viết, vẽ vào SGK để sử dụng lâu bền. Đồng thời, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào... cùng nhiều nội dung khác.

Như vậy, căn cứ theo quy định mới này, những năm học tới, các trường học nên phát động phong trào học sinh tặng sách vào thư viện để xây dựng tủ SGK giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn mượn sách học qua từng năm. Việc làm này vừa tránh gây lãng phí tiền của người dân, tài nguyên của đất nước, vừa tạo cho học sinh thói quen giữ gìn sách vở, biết tiết kiệm. Tuy nhiên, việc yêu cầu không được viết, vẽ lên SGK để tái sử dụng lâu bền chỉ khắc phục một phần tình trạng lãng phí. Về lâu dài, Bộ GD&ĐT cần có chính sách để SGK phải được sử dụng ổn định, lâu dài, tránh lãng phí, với giá cả phù hợp với thu nhập của đa số người dân.

Năm học mới chưa bắt đầu nhưng câu chuyện về SGK luôn là chủ đề quan tâm của nhiều phụ huynh. Năm nay cũng không phải là ngoại lệ, nhất là khi giá sách giáo khoa tăng. Trước tình hình này, mới đây, một số tỉnh, thành trong cả nước đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường SGK năm 2022 - 2023. Cụ thể, tỉnh Bình Dương yêu cầu giảm 10% giá bán các mặt hàng SGK so với giá bìa theo danh mục doanh nghiệp đã đăng ký; giảm 10 - 15% giá vở viết và dụng cụ học tập so với giá thị trường trên nguyên tắc doanh nghiệp không bị lỗ. Tổng giá trị dự trữ hàng hóa bình ổn là 67 tỉ đồng. TP. HCM cũng triển khai 5 chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - 2023, trong đó có mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, đảm bảo thấp hơn thị trường từ 5 - 15%.

Đây là những nỗ lực giảm nhiệt cho thị trường SGK, giảm gánh nặng cho phụ huynh khi chuẩn bị bước vào năm học mới. Bởi lẽ, SGK, đồ dùng học tập là mặt hàng thiết yếu, mọi gia đình có con em trong độ tuổi đi học đều phải mua sắm. Tăng giá sách hay các đồ dùng học tập, dù mỗi thứ một ít cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến phụ huynh, học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn, nhất là thời gian qua, tình hình dịch bệnh khiến thu nhập của nhiều gia đình bị ảnh hưởng.

Trong khi chờ điều chỉnh chính sách vĩ mô, quy định mới của Bộ GD&ĐT cùng câu chuyện bình ổn giá sách, dụng cụ học tập của các tỉnh, thành nói trên cần được tuyên truyền, nhân rộng. Đây thực sự là tin vui cho những năm học mới sắp tới, góp phần giảm nhiệt cơn nóng về giá của SGK cũng như tháo gỡ khó khăn cho phụ huynh, học sinh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7

Thanh Mai |

Các chính sách về tăng lương tối thiểu vùng, tăng mức phạt vi phạm về khám nghĩa vụ quân sự, cấp hộ chiếu gắn chip... sẽ áp dụng từ tháng 7/2022.

5000 cuốn sách văn học tặng học sinh miền núi Hướng Hoá

Huệ Năng |

Thông tin từ Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị, đơn vị vừa kết nối, huy động được 5.000 cuốn sách văn học dành tặng cho học sinh một số trường ở huyện Hướng Hoá (Quảng Trị).

Không để học sinh thiếu sách giáo khoa hoặc sách giáo khoa không đảm bảo yêu cầu

Nguyễn Vinh |

Ngày 16/6, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí để thông tin về những kết quả nổi bật năm học 2021- 2022; nhiệm vụ, giải pháp năm học 2022- 2023; công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Giá sách giáo khoa tăng cao khiến nhiều phụ huynh gặp khó khăn

Tú Linh |

Năm học 2022 - 2023 là năm thứ 3 ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, 7 và 10, vì vậy, các lớp này đều phải học sách giáo khoa (SGK) mới biên soạn. Tuy nhiên, hiện tại giá SGK tăng gấp 2 - 3 lần so với sách của chương trình cũ, khiến không ít người băn khoăn, lo lắng.