Trở về trong yêu thương

Trương Quang Hiệp |

Hiếm tin tức về một chuyến tàu nào lại được người dân Quảng Trị ngóng chờ như chuyến tàu SE74 dừng bánh tại ga Đông Hà chiều ngày 29/7/2021. Đây là chuyến tàu chở đoàn công tác của tỉnh và 384 người dân Quảng Trị lưu trú tại Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn do COVID-19 trở về quê hương. Sau bao khó khăn, thử thách, mọi người hồi hương trong muôn vàn tình yêu thương và cả những bồi hồi, xúc động.

Vào “tâm dịch” đón người dân 15 giờ 30 phút, chiều 28/7/2021, chuyến tàu SE74 chở người dân Quảng Trị lưu trú tại Thành phố Hồ Chí Minh lăn bánh rời ga Sài Gòn. Điểm lại danh sách 384 hành khách lần nữa, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Lê Nguyên Hồng mới trút bỏ phần nào nỗi lo. Là một cán bộ nhà nước, ông Hồng đã từng có nhiều chuyến công tác khó quên trong đời. Thế nhưng, lần vào Thành phố (TP) Hồ Chí Minh đưa con em Quảng Trị hồi hương này là chuyến công tác đặc biệt nhất.

Niềm vui ngày trở về - Ảnh: Q.H
Niềm vui ngày trở về - Ảnh: Q.H

Cùng 16 thành viên khác trong đoàn, ông tình nguyện vào “tâm dịch” để đón người dân trở về quê hương khi COVID-19 ở TP. Hồ Chí Minh diễn biến rất phức tạp. Trước khi lên đường, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Lê Nguyên Hồng đã chuẩn bị tâm lý đón nhận khó khăn, thử thách. Ông biết, dẫu đã có kế hoạch chu đáo nhưng những tình huống ngoài ý muốn vẫn có thể phát sinh. Tiên lượng của ông Hồng không sai.

Rạng sáng ngày 27/7/2021, chỉ ít tiếng sau khi đến “tâm dịch”, ông nhận được cuộc gọi khẩn. Lãnh đạo ga Sài Gòn cho biết, vừa phát hiện một số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sau khi trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh bằng đường sắt. Để đảm bảo không bị phong tỏa, ga Sài Gòn đề nghị thay đổi phương án test nhanh kháng nguyên COVID-19 cho người dân Quảng Trị ngay tại ga như thống nhất ban đầu.

“Chúng tôi lên phương án xét nghiệm ngay tại ga để người dân đỡ tốn chi phí. Khi việc không như dự kiến, tôi và các anh em trong đoàn phải tức tốc chia nhau điện báo cho hàng trăm người dân. Rạng sáng hôm sau, công việc mới hoàn thành”, ông Hồng chia sẻ.

Chưa kịp mừng vì thấy người dân Quảng Trị tại TP. Hồ Chí Minh đến ga Sài Gòn khá đông đủ, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Lê Nguyên Hồng và các thành viên trong đoàn lại đứng ngồi không yên khi được thông báo phải thay đổi phương án chỗ ngồi cho hành khách. Vì lý do khách quan, nhà ga buộc phải chuyển khách trở về Quảng Trị sang ghế ngồi mềm, chỉ để lại 2 toa giường nằm. Điều đó đồng nghĩa với việc phương án đã lên phải thay đổi dù thời điểm tàu khởi hành áp sát. Để kịp sắp xếp, ông Hồng và các thành viên trong đoàn phải làm việc hết tốc lực. Khi hành khách ngồi vào từng hàng ghế, điểm đủ 384 người, họ mới có thời gian uống chai nước mát.

Việc thay đổi địa điểm test nhanh kháng nguyên COVID-19 và vị trí ngồi trên tàu chỉ là hai trong số rất nhiều khó khăn, thử thách mà thành viên trong đoàn công tác liên ngành đưa người dân Quảng Trị trở về quê hương phải đối diện.

Đi vào “tâm dịch” thực hiện nhiệm vụ “khẩn”, họ làm quen với những bữa ăn vội; giấc ngủ không tròn; áp lực lớn về công việc, thời gian… Trước một loại vi rút không thể nhìn thấy bằng mắt thường, dù không nói ra nhưng ai cũng mang nỗi lo cho sự an toàn của chính mình và mọi người. Tuy nhiên, tất cả nỗi lo, sự áp lực và khó khăn, thử thách dường như tan biến, nhường chỗ cho niềm vui khi thành viên trong đoàn công tác đón 384 người dân lên tàu, trong đó phần lớn là phụ nữ mang thai, trẻ em, người cao tuổi, người có con nhỏ, người đau ốm, khuyết tật... Ấm áp ngày về dẫu trong mơ, 384 người dân Quảng Trị lưu trú tại TP. Hồ Chí Minh gặp khó khăn do COVID-19 vẫn không nghĩ có ngày mình được quê hương đón về bằng tàu hỏa giữa bão bùng dịch bệnh.

Thời gian qua, họ đã sống trong thăng trầm cảm xúc, có hoang mang, lo lắng, có chờ đợi, hy vọng…Tin được đón về quê hương như chiếc phao cứu sinh đối với nhiều người đang gặp cảnh khó khăn. Có lẽ vì thế nên khi đứng ở sân ga, chờ tên lên tàu, nhiều bà con vẫn hồi hộp, lo lắng. Một số người vỡ òa vì vui mừng khi được ngồi trên chiếc ghế ấn định tên mình.

Đến ga Sài Gòn trước lúc tàu xuất phát 5 tiếng đồng hồ, chị Nguyễn Thị Kim Anh (sinh năm 1990) tay xách hành lý, tay dắt đứa con mới 6 tuổi. Khi nhận được sự giúp đỡ, người phụ nữ đang mang thai hồn hậu gửi lời cảm ơn. Vợ chồng chị Kim Anh rời huyện miền núi Đakrông vào TP. Hồ Chí Minh đã hơn 2 năm. Từ đó đến nay, nỗi lo toan chưa bao giờ dừng bước trước cửa căn phòng trọ nhỏ bé của vợ chồng chị. Khi dịch bệnh kéo đến, nỗi lo ấy tăng lên bội phần vì đồng lương công nhân đứt đoạn. Hôm nhận lương thực, thực phẩm bà con Quảng Trị gửi vào, khát khao trở về quê cứ trỗi dậy trong lòng vợ chồng chị. “Có người bảo vợ chồng em tách riêng ra, vợ đang mang thai, chồng đi cùng con nhỏ thì cơ hội về quê cao hơn. Thế nhưng, hai vợ chồng không thể làm vậy. Rất nhiều người muốn và cần về quê. Mình làm sao đành lòng giành tấm vé với họ? Chồng em bảo, vợ con an toàn trở về là mình vui lắm rồi”, chị Kim Anh chia sẻ.

Ngồi cách toa của chị Kim Anh không xa, cô sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh Trương Thị Nhỏ Lệ (sinh năm 2000) lọt thỏm trong bộ áo quần bảo hộ. Nhỏ Lệ nói rằng mình thuộc diện nhận được “vé vàng” lên tàu. Khi biết hoàn cảnh của Nhỏ Lệ, một số thành viên trong đoàn công tác khẳng định, sẵn sàng ở lại, nhường chỗ nếu không thể bố trí ghế ngồi cho em. Từ lúc sinh ra, hai chân của Nhỏ Lệ đã không có khớp gối, đi lại rất khó khăn. Lớn lên ít tuổi, căn bệnh suy tim lại hành hạ em. Cuộc đời của Nhỏ Lệ chắc sẽ buồn như cái tên nếu em thiếu đi nghị lực phi thường. Hay tin tỉnh có chủ trương đưa người trở về, lo lắng vì con sống ở “tâm dịch”, ba Nhỏ Lệ tức tốc lên xã đăng ký danh sách nhưng lại quên điền thông tin về tình trạng sức khỏe, bệnh tật của em. Vì thế, cái tên Nhỏ Lệ không có trong danh sách những người được đoàn công tác của tỉnh đón về.

 “Em đã hết thuốc uống để chống đông máu 2 ngày rồi. Ở trong vùng dịch nên việc mua đúng loại thuốc không dễ. Vì thế, em đã nhắn tin nhờ một nhà báo tìm thuốc giúp. Trên cả mong đợi, nhờ sự hỗ trợ của chú nhà báo và nhiều người tốt khác, em đã được trở về quê hương. Nhỏ Lệ sẽ không rơi nước mắt nữa đâu”, Nhỏ Lệ bộc bạch.

Trên chuyến tàu SE74, trong 384 hành khách, mỗi người đều có một hoàn cảnh, một câu chuyện trở về riêng. Điểm chung là ai cũng thấy mình được tạo điều kiện tốt nhất. Và ai cũng xúc động khi được trở về trong tình yêu thương. Về quê rồi! Mọi chuyện sẽ ổn thôi! Dẫu đã nắm lịch trình đoàn tàu SE74 từ trước nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị vẫn có mặt tại ga Đông Hà khá sớm để nắm bắt thông tin; chỉ đạo công tác phòng, chống COVID-19; phân công nhiệm vụ cho các lực lượng…

Dẫu tiết trời nắng nóng nhưng người Quảng Trị trở về từ TP.Hồ Chí Minh vẫn mặc trang phục bảo hộ, nghiêm túc chấp hành các quy định phòng, chống dịch - Ảnh: Q.H
Dẫu tiết trời nắng nóng nhưng người Quảng Trị trở về từ TP.Hồ Chí Minh vẫn mặc trang phục bảo hộ, nghiêm túc chấp hành các quy định phòng, chống dịch - Ảnh: Q.H

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh cho biết, hiện nay, tỉnh đang ở trong “Tuần lễ cao điểm” phòng, chống COVID-19. Việc đưa 384 công dân trở về từ TP. Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong tuần lễ này. “Sẽ không người dân Quảng Trị nào bị bỏ lại phía sau trong “cuộc chiến” với COVID-19”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, sau hơn 2 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, vừa qua, tỉnh Quảng Trị đã xuất hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Điều đó có nghĩa là không một địa phương nào an toàn trong vòng vây của COVID-19. Vì vậy, tại buổi đón người dân trở về, các giải pháp phòng, chống dịch bệnh được lãnh đạo tỉnh kích hoạt cao độ. Ngay những món quà cũng được lãnh đạo tỉnh trao gián tiếp. Thế nhưng, không ai bảo ai, tất cả mọi người đều cảm nhận rõ tình cảm dành cho nhau. Và, dưới lớp khẩu trang là những nụ cười. Không khí đón tiếp tràn ngập tình yêu thương khiến 384 công dân Quảng Trị trở về từ TP Hồ Chí Minh thêm ấm lòng.

Phần lớn là người “yếu thế”, họ biết khó khăn vẫn đang chờ mình phía trước. Ngay chuyện cách ly tập trung 14 ngày cũng là thử thách không nhỏ đối với một số bà con. Thế nhưng, ai cũng tin mọi chuyện sẽ ổn vì mình đã được về quê. Hai chữ “về quê” như một liều thuốc tinh thần đối với họ. Bà Lê Thị Sen, quê ở xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng cho biết: “Qua thiên tai, dịch bệnh, tôi càng thấm thía nghĩa tình Quảng Trị. Đó cũng chính là lý do mà càng đi xa, tôi càng muốn trở về”.

Hành trình đưa 384 người dân Quảng Trị trở về quê hương kết thúc bằng những cái vẫy tay. Hình ảnh đón, đưa khiến người ta liên tưởng đến cuộc chiến đã lùi sâu vào dĩ vãng. Liên tưởng ấy không quá xa xôi, bởi sự thật, người dân Quảng Trị nói riêng, cả nước nói chung đang ở trong “cuộc chiến” với một “kẻ thù” vô hình. Tuy nhiên, đối diện COVID-19, những người vừa xuống ga Đông Hà từ chuyến tàu SE74 không còn quá hoang mang, lo lắng. Họ tin về một tương lai tốt đẹp, không dịch bệnh hoành hành. Ở đó, mọi người đều nắm tay nhau.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thừa Thiên - Huế tạm dừng đón người dân từ vùng có dịch trở về

Thanh Mai |

Những ngày qua, mỗi ngày có hàng trăm người Thừa Thiên - Huế ở các vùng có dịch trở về quê tự túc.

Quảng Trị: Đảm bảo cấp điện các khu cách ly tập trung đón công dân từ vùng dịch trở về

Triệu Hòa |

Công ty Điện lực Quảng Trị đã thực hiện rà soát, tăng cường kiểm tra, lập phương án củng cố các đường dây, trạm biến áp đang cấp điện cho các khu vực cách ly trên địa bàn sẵn sàng đón công dân từ vùng dịch trở về.

Cận cảnh đoàn công dân Quảng Trị “hồi hương” từ vùng dịch TP.HCM

Trường Sơn |

Sau gần 24 giờ di chuyển trên chuyến tàu mang số hiệu SE74, chiều ngày 29/7/2021, 384 công dân Quảng Trị sống và làm việc tại TPHCM và các tỉnh phía Nam đã về đến ga Đông Hà (TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị).

Tỉnh Quảng Trị hỗ trợ Salavan chống dịch COVID-19

Tổng hợp |

Ngày 22/7, tỉnh Salavan đã tiếp nhận một số vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 do tỉnh Quảng Trị trao tặng, bao gồm giường bệnh, xe đẩy, thiết bị phòng phẫu thuật có tổng trị giá hơn 30 triệu đồng.