Vai trò của gia đình trong việc giúp trẻ sử dụng internet an toàn

Trần Tuyền |

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin là sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội (MXH).


Hiện nay, đa số học sinh ở bậc THCS, THPT đều sử dụng điện thoại thông minh (ĐTTM) để phục vụ liên lạc, học tập. Vợ chồng chị Nguyễn Thị A. ở thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh (Quảng Trị) có 2 người con; trong đó, con trai đầu đang học đại học, con gái út vừa học xong lớp 8. Trước nhu cầu của con, chị A. mua cho con gái một ĐTTM để học thêm tiếng Anh.

Ban đầu, con gái chị chỉ sử dụng điện thoại vào buổi tối hoặc những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, qua thời gian tần suất sử dụng điện thoại của con ngày càng tăng nên chị nhiều lần nhắc nhở con tiết giảm thời gian sử dụng điện thoại.

Internet và MXH có nhiều lợi ích nhưng cũng gây ra nhiều tác hại nếu sử dụng không phù hợp, đặc biệt đối với trẻ -Ảnh: T.T
Internet và MXH có nhiều lợi ích nhưng cũng gây ra nhiều tác hại nếu sử dụng không phù hợp, đặc biệt đối với trẻ -Ảnh: T.T

“Trước giờ, vợ chồng tôi chỉ cho con sử dụng điện thoại để liên lạc với bố mẹ hoặc học tiếng Anh trên youTube. Gần đây, con gái tôi xin lập tài khoản zalo, facebook để liện lạc với các bạn. Chúng tôi đang cân nhắc có nên cho con sử dụng MXH sớm như vậy không”, chị A. nói.

Không phải bậc phụ huynh nào cũng cẩn thận như vợ chồng chị A. Thực tế, một số gia đình cho con trẻ sử dụng ĐTTM và MXH nhưng thiếu giám sát, quản lý nên đã gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc. Gia đình anh Phạm Xuân T. ở xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh là một ví dụ. Con trai anh T. năm nay học lớp 6 nhưng đã được bố mẹ cho sử dụng ĐTTM từ hơn 1 năm trước. Anh T. làm nghề nông, còn vợ buôn bán ở chợ nên ít dành thời gian cho con cái. Mọi việc chăm sóc, dạy dỗ các con đều nhờ ông bà nội tuổi đã cao. Thiếu sự giám sát, hỗ trợ từ người lớn nên con trai anh T. dành nhiều thời gian với ĐTTM.

“Dần dần, cháu xa lánh mọi người trong nhà, đi học về là cúi mặt vào điện thoại để chơi game và sử dụng MXH. Ông bà, bố mẹ có gọi thì cũng phải vài phút sau mới ngẩng lên nhìn với ánh mắt đờ đẫn. Sau đó lại tiếp tục chơi với điện thoại. Chúng tôi rất lo lắng nhưng không biết phải làm thế nào”, anh T. chia sẻ.

Trong thời đại công nghệ số, internet được xem là một cuốn “bách khoa toàn thư” khổng lồ, chứa đựng kho tàng thông tin, kiến thức phong phú, đa dạng. Chỉ cần gõ từ khóa là người dùng có thể thu thập và sử dụng vô số tài nguyên về lĩnh vực đang tìm kiếm để phục vụ học tập, làm việc. Việc cập nhật thông tin trong một xã hội hiện đại như hiện nay là điều nên làm và cần phải làm. Nó giúp chúng ta dễ dàng tìm hiểu, nắm bắt được nhiều thông tin quan trọng, học hỏi thêm rất nhiều kiến thức, trau dồi những kỹ năng, giúp hoàn thiện bản thân.

Cùng với đó, chúng ta có thể biết được nhiều thông tin về bạn bè, người thân bằng kết bạn trên MXH; có thể kết bạn giao lưu với nhiều người trên thế giới thông qua MXH… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thì internet và MXH cũng gây ra nhiều tác hại. Đặc biệt, đối với trẻ em thì càng dễ gặp nhiều rủi ro trên môi trường mạng phức tạp và khó lường. Trong khi trẻ chưa đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể sử dụng internet và MXH một cách thông minh và an toàn.

Trước đây, những rủi ro trên internet thường gặp như: mất thông tin cá nhân khiến các em có thể bị lừa đảo, hay bị bắt nạt ở trên mạng, còn bây giờ có thêm nhiều rủi ro khác như: nội dung độc hại, sai lệch. Nếu trẻ không đủ kiến thức, nhận thức thì có thể bắt chước và kéo theo những ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần. Không những thế, thời gian gần đây, xảy ra rất nhiều vụ học sinh đánh nhau rồi quay video đăng tải lên MXH mà nguyên nhân cũng từ xích mích ở... trên MXH. Nhiều học sinh sử dụng MXH đến mức nghiện dẫn đến bỏ bê học hành, đảo lộn thói quen sinh hoạt, sức khoẻ giảm sút, rối loạn về hành vi.

Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem nghiện internet và MXH là một bệnh lý tâm thần với hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất, chất lượng sống của trẻ em. Hậu quả lâu dài là trẻ mất hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn còn chủ quan, chưa ý thức được rõ về vấn đề nghiện MXH và những hậu quả, tác động mà nó gây ra.

Theo các chuyên gia về sức khỏe, khi thấy trẻ sử dụng internet và MXH, bố mẹ cần đặt các câu hỏi như: MXH có ảnh hưởng đến thời gian học tập, khả năng tập trung vào các mục tiêu học tập của trẻ hay không? Nếu trẻ sử dụng MXH nhưng kết quả học tập vẫn tốt, giờ giấc học tập đảm bảo, thì có thể yên tâm.

Ngược lại, trẻ có biểu hiện như: không muốn quan tâm đến ai, không muốn nói chuyện với ai, thu mình trong phòng kín; tâm trạng của trẻ thay đổi thất thường; học lực sụt giảm… thì đó là dấu hiệu đáng báo động. Tuy nhiên, sự giám sát của bố mẹ cũng cần đúng mức, tôn trọng sự riêng tư của trẻ; đưa ra lời khuyên, khuyến khích con hướng đến những lợi ích và tận dụng được sự phát triển của internet và MXH, để con biết cách phòng ngừa, không bị nghiện. Một số trẻ, bố mẹ giám sát quá mức đã có những phản ứng chống đối mãnh liệt. Phụ huynh cần làm gương cho con trẻ, không sử dụng MXH trong nhiều giờ liền mà dành thời gian để nói chuyện với con.

Đối với những trẻ đã bị nghiện internet và MXH, bố mẹ cần dành nhiều thời gian tâm sự, nói rõ cho trẻ hiểu về những tác hại lâu dài của nghiện MXH; giám sát đúng mức để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của trẻ. Từ đó, có điều chỉnh phù hợp. Một trong những cách giúp trẻ hạn chế sử dụng điện thoại, MXH là cho trẻ hoạt động thể chất lành mạnh vào thời gian rảnh rỗi như: tập thể thao, đi dã ngoại, tham gia các hoạt động tập thể có ích, làm việc nhà...

Nhà trường phối hợp với gia đình để giám sát, hướng dẫn trẻ sử dụng internet, MXH có hiệu quả; tổ chức các hoạt động, sân chơi lành mạnh để trẻ được hoạt động ngoài giờ học tập. Nếu đã áp dụng các biện pháp nhưng vẫn không hiệu quả thì bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được đưa ra chẩn đoán đúng đắn, can thiệp phù hợp nhất.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Diễn đàn Đại biểu Quốc hội - HĐND tỉnh với trẻ em năm 2023

Tây Long |

Ngày 18/6, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) - HĐND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức Diễn đàn ĐBQH - HĐND tỉnh với trẻ em năm 2023, chủ đề: “Phòng chống tổn hại cho trẻ em”. 

Lắng nghe trẻ em nói

Trần Cát Linh |

Diễn đàn đối thoại với Hội đồng trẻ em là nơi để trẻ em mạnh dạn nói lên tiếng nói về tâm tư, nguyện vọng của mình và được các cấp, các ngành lắng nghe, ghi nhận và làm cơ sở để giải quyết các vấn đề cho trẻ em.

Kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế hết nghẽn từ đêm 10/2

Hà My |

Bắt đầu từ đêm 10/2, các doanh nghiệp viễn thông cam kết sẽ đảm bảo kết nối Internet đi quốc tế không bị nghẽn như thời gian trước đó.

Bộ trưởng Tô Lâm: Đánh bạc và cá cược trên mạng Internet vẫn phức tạp

Xuân Tùng |

Bộ trưởng Bộ Công an thừa nhận tình hình hiện nay còn rất phức tạp; phần lớn máy chủ đặt tại nước ngoài, rất khó xử lý triệt để; triệt phá đường dây này lại nảy sinh đường dây khác.