Dù giá thành đắt hơn so với trái cây thông thường nhưng trái cây thư pháp vẫn thu hút đông đảo khách hàng trong dịp tết Nguyên đán. Nắm bắt xu hướng ấy, nhiều bạn trẻ trên địa bàn đã “thổi hồn” cho trái cây tết với nét thư pháp mềm mại, uyển chuyển, đầy ý nghĩa và những hình ảnh mang đậm sắc xuân.
Những ngày này, chị Hoàng Thị Oanh Nga, trú tại Khu phố 1, Phường 2, thành phố Đông Hà và các thành viên trong gia đình bận tối mắt với đơn hàng. Ai cũng hối hả chọn dừa và “thổi hồn” cho loại trái cây mà nhiều gia đình thường chọn để thờ cúng, chưng làm cảnh trong dịp Tết. Cách đây tầm 4 năm, thấy nhiều người tìm mua trái cây thư pháp để chưng tết, chị Oanh Nga nghĩ ngay đến việc kinh doanh. Thuận lợi lớn nhất là gia đình chị có nhiều họa sĩ và người yêu thư pháp, hội họa. “Năm nào cũng vậy, cứ tầm 2 tuần trước tết, 10 thành viên trong gia đình tôi phải làm việc cật lực để trả đơn hàng cho khách. Riêng dừa thư pháp, năm ngoái, chúng tôi cung cấp cho thị trường hơn 1.000 quả. Năm nay, đến thời điểm hiện tại, số lượng dừa khách đặt mua trong các đơn hàng đã cao hơn”, chị Oanh Nga vui vẻ cho biết.
Đặt ra quy định đến ngày 28 Tết sẽ dừng nhận đơn của khách nhưng năm nào, anh Trần Xuân Trung, ở khóm Xuân Hòa, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa cũng phải phá lệ. Biết địa chỉ, nhiều người tìm đến tận nhà nhờ anh vẽ giúp để có một quả dưa hấu, trái dừa, quả bưởi, lon bia… chưng tết. Có năm, anh Trung vừa dọn dẹp xong nhà cửa, hàng hóa thì đồng hồ đã báo giao thừa. Trong 4 năm làm “việc phụ thu chính” vào dịp Tết này, điều anh vui nhất là nhận được sự ủng hộ của nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Anh Xuân Trung cho biết: “Tôi làm theo đơn đặt hàng của khách nhưng lại nhận được nhiều lời cảm ơn. Đó là động lực thôi thúc tôi cứ đến Tết lại ngược xuôi mua, chọn các loại trái cây phù hợp và chuẩn bị bút, màu để vẽ”.
Đã trở thành nét đẹp truyền thống, cứ đến dịp Tết đến xuân về, người người, nhà nhà ở Quảng Trị lại chuẩn bị hoa quả để dâng lên ông bà, tổ tiên. Mỗi loại trái cây được lựa chọn đều mang một ý nghĩa nào đó. Những năm gần đây, nhu cầu của người dân ngày càng nâng cao. Thay vì những trái cây thông thường, bà con chuộng trái cây được tô vẽ cầu kỳ, đẹp mắt, mang hương sắc xuân. Không những thế, nhiều người còn đặt viết chữ thư pháp lên trái cây để gửi gắm ước vọng của bản thân và gia đình trong năm mới. Nhu cầu ấy đã nhanh chóng được những người yêu hội họa, thư pháp như chị Hoàng Thị Oanh Nga, anh Trần Xuân Trung nắm bắt.
Việc “thổi hồn” cho trái cây tết dễ mà khó. Dễ là chỉ cần mày mò, học hỏi thì ngay cả những người tay ngang cũng có thể làm được. Cái khó nằm ở chỗ phải làm sao để có những sản phẩm thực sự đẹp mắt, tinh tế, khiến những vị khách khó tính nhất cũng phải gật gù. Hiểu điều đó nên những người trong nghề luôn phải cẩn thận ở từng công đoạn, chi tiết. Việc đầu tiên là phải chọn những loại trái cây đẹp mắt, tươi ngon nhất. Thực tế, không phải loại trái cây nào cũng giữ được lâu. Vì thế, người làm nghề “thổi hồn” cho trái cây tết phải chọn đúng thời điểm để mua trái cây và vẽ, viết. Do tính toán sai, có trường hợp người bán hàng đã mất cả tiền của, lẫn công sức khi trái cây bị hư hỏng, héo úa trước khi Tết đến.
Tuy nhiên, thử thách ban đầu kể trên được đánh giá là đơn giản, nhẹ nhàng nhiều so với việc làm hài lòng khách hàng bằng những nét bút. Việc vẽ lên trái cây đòi hỏi người làm nghề phải có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm. Riêng chuyện sơn nền, phối màu, tạo nên những điểm nhấn đã khiến họ mất rất nhiều thời gian. Đó là chưa kể không phải ai cũng phóng bút, làm nên những nét thư pháp mềm mại, uyển chuyển, mang thông điệp riêng. Vì thế, hầu hết những người làm công việc “thổi hồn” cho trái cây tết đều từng được đào tạo chuyên ngành hội họa hoặc thực sự đam mê vẽ tranh, thư pháp. Ai cũng có sự kiên trì, chịu khó đáng ngưỡng mộ.
Trong mùa tết năm nay, mỗi trái dừa thư pháp có giá từ 80 - 150 ngàn đồng; dưa hấu 100 - 250 ngàn đồng; bưởi 40 - 100 ngàn đồng… Mức giá kể trên phụ thuộc vào từng loại, kích thước trái cây và yêu cầu trang trí, viết thư pháp của khách hàng. So với trái cây thông thường, mức giá của trái cây thư pháp có phần đắt hơn. Điều đó dễ hiểu bởi trái cây thư pháp là kết quả của một quá trình lao động nghệ thuật miệt mài, nghiêm túc. Biết thế nên hầu hết khách hàng đều hoan hỷ khi thanh toán. Anh Nguyễn Văn Công, trú tại Khu phố 9, Phường 5, thành phố Đông Hà cho biết: “Trước nay, tôi cứ nghĩ những trái cây thư pháp chỉ dùng để đặt bàn thờ gia tiên thôi. Năm ngoái, thấy người ta bán những trái dừa được trang trí rất nghệ thuật, đẹp mắt, mới lạ nên tôi mua về chưng ở phòng khách và tặng bạn bè, đối tác. Điều đáng mừng là những người nhận được món quà đều rất thích. Có người còn liên lạc với tôi nhờ chỉ chỗ mua”.
Dành nhiều thời gian, công sức và cả tâm huyết nên những người “thổi hồn” cho trái cây tết rất vui mừng khi thấy sản phẩm mình tạo ra được khách hàng rất ưa chuộng. Nhiều người nói rằng, chỉ cần nhìn những thông điệp cầu mong bình an, tài lộc, vạn sự như ý… và hình ảnh mang đậm sắc xuân trên trái cây thư pháp là đã cảm thấy niềm vui Tết trào dâng. Niềm vui của khách hàng cùng việc có thêm khoản thu kha khá vào dịp Tết giúp người làm nghề “thổi hồn” cho trái cây vơi bớt những lo toan, nở nụ cười rước xuân vào cửa.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)