Bàn thêm về trách nhiệm trong việc giới thiệu các chức danh cán bộ chủ chốt

Phương Minh |

Trong những ngày qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và hoan nghênh bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc. Tiếp đó các báo trong nước đồng loạt đăng bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước với nhan đề “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Bài viết nêu rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự đại hội; yêu cầu đặt ra cho công tác nhân sự; nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành; trách nhiệm của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó nhấn mạnh về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc giới thiệu nhân sự: “Phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và ở những nơi có cán bộ tham gia quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được giới thiệu tham gia BCH Trung ương khóa XIII phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban Nhân sự, trước Bộ Chính trị và BCH Trung ương về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu”. Đây là vấn đề mới, cần phải nhìn nhận ở nhiều góc độ, đề ra được cơ chế, quy định có tính thực tiễn để thực hiện đạt yêu cầu đề ra.

Theo nhận định của Đảng ta, sau gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp ở nước ta đã có bước trưởng thành, phát triển nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Các cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy các cấp đã giới thiệu được nhiều cán bộ để bầu vào các vị trí cán bộ chủ chốt đạt chất lượng, có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước.

Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, những năm qua cũng có một số cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, các bộ, ngành trung ương được các cấp ủy đảng, người đứng đầu các cấp ủy đảng giới thiệu tham gia BCH Trung ương, được bố trí vào những chức vụ lãnh đạo chủ chốt, quan trọng trong hệ thống chính trị, trong doanh nghiệp nhà nước; quá trình công tác đã bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm, thiếu gương mẫu, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, luật pháp, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật. Vậy nhưng các tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy nơi giới thiệu những cán bộ có những biểu hiện như trên thì vẫn bình an vô sự, xem ra không có trách nhiệm gì trước Đảng, trước Nhân dân về sự giới thiệu của mình đối với những cán bộ sai phạm đó.

Trong thực tế việc giới thiệu nhân sự cho các chức danh chủ chốt ở các cấp cũng có nhiều vấn đề đặt ra cần nhìn nhận thấu đáo để đề ra quy định, chế tài phù hợp. Chẳng hạn cán bộ A. khi được giới thiệu tham gia nhân sự chủ chốt tại thời điểm được giới thiệu là cán bộ nằm trong quy hoạch, có chiều hướng phát triển tốt, được tín nhiệm cao; ban đầu khi được đề bạt, bổ nhiệm làm việc rất tốt, nhưng quá trình công tác do lạm dụng quyền lực, do bị cám dỗ lợi ích vật chất… nên suy thoái đạo đức, phẩm chất, vi phạm nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, vi phạm pháp luật và bị xử lý kỷ luật đảng, bị xét xử theo quy định của pháp luật; nhưng về lý, không thể quay trở lại xem xét tổ chức, cá nhân giới thiệu cán bộ A. vào chức danh cán bộ chủ chốt ban đầu, vì sự chuyển hóa con người là cả một quá trình, hôm nay họ đang là người tốt, mai bỗng dưng trở thành người xấu là chuyện trong thực tế đã xảy ra. Trong trường hợp này khó có thể “truy cứu” trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đảng giới thiệu nhân sự ban đầu. Hơn nữa còn có vai trò, trách nhiệm của các tổ chức kiểm tra, giám sát những cán bộ đó.

Như vậy chỉ trong trường hợp tổ chức, cá nhân giới thiệu cán bộ tham gia các chức danh cán bộ chủ chốt mà biết được nhân sự đó không đủ phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, có biểu hiện cá nhân chủ nghĩa… mà vì do cục bộ địa phương, cánh hẩu, do bị mua chuộc, nhận hối lộ nên vẫn tiến hành giới thiệu vào các chức danh chủ chốt thì mới có thể xem xét trách nhiệm. Ở đây có cả trách nhiệm của người đứng đầu, của cả tập thể lãnh đạo, tổ chức đảng, vì cơ chế lãnh đạo của Đảng ta là “lãnh đạo tập thể”.

Để tránh xảy ra những trường hợp như thế, cần ban hành thêm các quy định chặt chẽ về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân giới thiệu cán bộ không đủ phẩm chất đạo đức, năng lực công tác vào các chức danh chủ chốt; mặt khác cũng xây dựng cơ chế để bảo vệ những ý kiến phản biện trong Đảng, cơ chế bảo lưu ý kiến của những người bày tỏ sự không tán đồng với nhân sự được giới thiệu của số đông. Đây cũng là căn cứ, là cơ sở cho tổ chức có thẩm quyền cấp trên có nguồn thông tin để tham khảo, quyết định về công tác cán bộ, để không chọn nhầm người, bởi trong thực tế vẫn còn tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội…

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là cần phải xây dựng cơ chế để tuyển chọn cho được người tài, vì trong thực tế, cũng có trường hợp bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn do cách thức tiến hành quy trình công tác cán bộ hiện nay. Thông thường ở các địa phương, ở các ngành khi làm quy trình cán bộ cho chức danh nào đó cũng đều phải dựa vào nguồn quy hoạch đã được cấp trên phê duyệt. Khi có nhiều ứng cử viên cho một chức danh cán bộ chủ chốt, thông thường là các cấp ủy đều đưa ra tập thể để lấy phiếu tín nhiệm, nếu ứng cử viên nào đạt số phiếu tín nhiệm cao sẽ được cân nhắc, chọn lựa.

Nhưng trong thực tế cũng có trường hợp người có phiếu tín nhiệm thấp hơn nhưng lại là người có tài, đức cao hơn người có số phiếu cao hơn. Họ có phiếu tín nhiệm thấp là do nhiều nguyên nhân, như do không có quan hệ rộng rãi, hay vì một cá tính nào đó nên không được sự tín nhiệm cao. Trong khi đó có người đạt phiếu tín nhiệm cao nhưng không do có uy tín thực chất mà do họ “chạy phiếu bầu”, lấy được sự ủng hộ của số đông nhưng tài, đức của họ cũng chỉ tầm tầm bậc trung.

Ở đây những người có trách nhiệm phải “có con mắt tinh đời”, phải thật sự phát huy dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng và người đứng đầu. Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. (Nguồn: TTXVN)
Quang cảnh Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. (Nguồn: TTXVN)

Hiện nay các cấp ủy đảng đang tiến hành đại hội đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đại hội đảng thì có nhiều nội dung, như xác định chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh, xây dựng Đảng…, trong đó vấn đề nhân sự đại hội được đặc biệt quan tâm. Đây là thời điểm chuyển giao lãnh đạo đất nước thuộc thế hệ những người tham gia các cuộc kháng chiến cứu nước và thế hệ trưởng thành, được đào tạo bài bản sau khi đất nước hòa bình, thống nhất.

Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được Đảng ta xác định không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của BCH Trung ương mà còn là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và các địa phương. Công tác nhân sự đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, trong sáng, khách quan; đề cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc cân nhắc lựa chọn chính xác người có tài đức vẹn toàn để giới thiệu. Đây là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng Trị: Đa số giáo viên không đồng ý mức kỷ luật Hiệu trưởng Trần Xuân Linh

PV |

Theo thông tin phóng viên vừa nhận được thì đa số cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường TH&THCS Tân Liên (Hướng Hóa, Quảng Trị) không đồng tình với mức kỷ luật khiển trách Hiệu trưởng trường này là ông Trần Xuân Linh.

Khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ ngày nắng, đêm có mưa dông

HL |

Bắc Bộ và Trung Bộ có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác; riêng phía Tây Bắc Bộ, đêm và sáng có mưa rào và dông rải rác.

Việt Nam không ghi nhận ca mắc bệnh mới hoặc tái nhiễm COVID-19

PV |

Tính đến sáng 1/5, Việt Nam chưa ghi nhận thêm ca mắc bệnh COVID-19 mới cũng như chưa có thêm trường hợp nào dương tính trở lại sau khi được công bố khỏi bệnh.

Sau "chống dịch như chống giặc" sẽ là "chống tụt hậu như chống giặc"?

Nguyễn Khang |

Giới phân tích đã đánh giá, sau năm 1975, Việt Nam đã lỡ mất 2 cơ hội vàng để trở "thành rồng, thành hổ" của thế giới. 45 năm sau ngày giải phóng tuy đã thoát khỏi những khó khăn, lạc lậu nhưng cơ bản vẫn chưa xứng tầm với vị trí, tiềm năng của đất nước.