Giáo viên là một trong những đối tượng viên chức sẽ không còn "biên chế suốt đời" với các trường hợp tuyển dụng từ sau 1.7.2020.
Từ 1.7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực. Theo đó, viên chức được tuyển dụng mới sẽ ký hợp đồng xác định thời hạn, xoá bỏ suy nghĩ cứ vào được Nhà nước là ổn định hoàn toàn.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, cả nước có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập, với 2,5 triệu biên chế (chưa kể đến tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước). Trong đó, biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế hưởng lương từ ngân sách nhà nước chiếm trên 85% tổng biên chế viên chức.
Chính vì vậy, chính sách bỏ viên chức suốt đời (hay còn gọi là bỏ biên chế suốt đời) sẽ tác động rất lớn đến ngành giáo dục cũng như y tế.
Tuy nhiên, đề xuất này sau đó vấp phải ý kiến trái chiều của đội ngũ giáo viên. Bởi có một thực tế không ít người lựa chọn nghề giáo vì tâm lý ổn định, được hưởng “biên chế suốt đời”.
Nhưng với việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và chính thức có hiệu lực từ 1.7, thì việc “bỏ viên chức suốt đời” đã có hiệu lực.
Tuy nhiên, để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, Luật quy định rất rõ 3 trường hợp vẫn được ký hợp đồng dài hạn, tức là vẫn được hưởng chính sách “viên chức suốt đời”:
Cụ thể như sau: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1.7.2020; Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Như vậy, hơn 1 triệu giáo viên đã được tuyển dụng trước 1.7.2020 vẫn sẽ được hưởng “viên chức suốt đời”. Ngoài ra, những giáo viên tuyển dụng sau 1.7.2020 nhưng công tác ở các vùng khó khăn cũng vẫn được hưởng chính sách này.
Còn giáo viên mới được tuyển dụng từ ngày 1.7.2020 thì đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 60 tháng. Như vậy, sẽ không còn chế độ biên chế với những giáo viên này, sự ổn định suốt đời đã không còn nữa.
Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, giáo viên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật, thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải tiếp tục ký kết hợp đồng làm việc với viên chức là giáo viên.
Trường hợp không ký tiếp hợp đồng làm việc đối với giáo viên thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
(Nguồn: Báo Lao động)