Với hơn 22 nghìn ha lúa được gieo trồng mỗi năm và hàng chục nghìn ha đất trồng các loại hoa màu khác. Hàng năm lượng rác thải thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thải ra môi trường là rất lớn. Bên cạnh ý thức của người dân trong sử dụng thuốc BVTV chưa cao thì hiện nay hầu hết các địa phương mới chỉ dừng lại ở việc thu gom còn khâu vận chuyển và xử lí loại rác thải này thì chưa được thực hiện. Vấn đề này đã và đang tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Thay vì canh tác, phát quang ruộng vườn trước khi vào vụ mới bằng các dụng cụ nông nghiệp, gia đình chị Hồ Thị Tuân, xã Thanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) nhiều năm nay thường sử dụng thuốc trừ cỏ nhằm rút ngắn thời gian diệt cỏ. Sau khi sử dụng thuốc diệt cỏ xong, rác thải là các vỏ chai được gia đình chị vứt bỏ ngay trên nương rẫy. Việc làm này gây ô nhiễm môi trường là một thực tế. Tuy nhiên, điều đáng nói là chị Tuân cũng như đa số các hộ dân đều chưa nhận thức được những nguy hại về môi trường từ việc sử dụng thuốc diệt cỏ.
Chị Hồ Thị Tuân, xã Thanh, huyện Hướng Hóa đã nói như thế này: “Tôi trồng thì phun thuốc, xong rồi vỏ thuốc thì vứt đi”. Còn anh Hồ Văn Nhất, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa thì nói:“ Gia đình tôi sử dụng thuốc BVTV chủ yếu rẫy sắn, rẫy chuối... Hiện trên địa bàn xã, nhà nào cũng sử dụng thuốc BVTV để diệt cỏ cây sắn, cây chuối, tuy nhiên, mới chỉ có tầm 50% người dân có ý thức, sau khi sử dụng xong thì đào hố chôn, hoặc đốt, số còn lại thì vứt bừa bãi trên nương, trên rẫy rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, dễ phát sinh bệnh tật.”
Theo thống kê, năm 2019 chỉ tính riêng địa bàn huyện Hướng Hóa sử dụng khoảng 12 tấn thuốc BVTV các loại, chủ yếu là thuốc trừ cỏ. Đa số các hộ dân sử dụng thuốc BVTV chưa thực hiện nghiêm việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng về đúng nơi quy định, nông dân vẫn còn thói quen tự ý vứt bỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng một cách bừa bãi, trên khe suối, nương rẫy, bờ ruộng dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc BVTV của người dân vẫn chưa tuân theo quy trình kỹ thuật, nhiều người dân đã lạm dụng thuốc trừ cỏ không chọn lọc có hoạt chất glyphosate mỗi năm từ 1-2 lần trên 1 đơn vị diện tích. Phần lớn người sử dụng thuốc BVTV chưa tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, tự tăng nồng độ so với quy định khi pha chế thuốc, làm nguy cơ để lại tồn dư thuốc BVTV trên nông sản và môi trường làm ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Ông Nguyễn Xuân Thế,Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hướng Hóa cho biết: “Việc sử dụng thuốc BVTV của bà con còn chưa tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, nguyên tắc “4 đúng”. Bên cạnh đ,ó nhiều bà con sử dụng thuốc BVTV không thực hiện việc thu gom sau sử dụng, vứt bừa bãi ra môi trường. Đây là nguyên nhân chính làm nguồn nước, môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con trong thời gian qua.”
Trong điều kiện sản xuất như hiện nay, mỗi năm người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng một lượng khá lớn thuốc BVTV phục vụ cho công tác vệ sinh đồng ruộng, phòng trừ các loại sâu bệnh. Trước đây, thói quen của nhiều nông dân là sau khi sử dụng thuốc BVTV thì các loại bao gói đựng thuốc được vứt bừa bãi tại ruộng, kênh mương nội đồng. Để khắc phục tình trạng này, những năm gần đây các địa phương trên địa bàn tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư các bể chứa bao gói thuốc BVTV.
Theo số liệu sơ bộ của ngành Nông nghiệp tỉnh, Quảng Trị hiện có trên 3.000 bể chứa bao gói thuốc BVTV đặt tại các cánh đồng. Việc đặt các bể chứa này đã thực sự mang lại hiệu quả trong việc khắc phục tình trạng vỏ thuốc BVTV vứt tràn lan, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện nay toàn tỉnh cần đến 8.000 bể chứa và có một thực tế là khi các bể chứa đầy thì ngành chức năng chưa có giải pháp để xử lí, vô tình lại gây ô nhiễm môi trường trở lại.
Ông Dương Văn Tuấn, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hải Lăng cho biết: “Sau thu gom có một vấn đề nảy sinh là rác sinh hoạt và rác BVTV để chung, nếu xử lý thì phải tách riêng. Tôi cho rằng, xử lý rác thải BVTV thì phải có cơ quan chuyên môn, xử lý riêng. Hiện nay, có một số địa phương đốt cũng không đúng quy định. Đề nghị cấp trên có kinh phí làm sao xử lý rác BVTV này theo đúng quy định.”
Việc thu gom vỏ thuốc BVTV sau sử dụng là một chuyện, nhưng xử lí loại rác thải này sao cho đúng cách lại là chuyện cần bàn bởi đây không phải là rác thải thông thường. Theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT, hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lí bao gói thuốc sau sử dụng thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về người sử dụng đó là: “Người sử dụng thuốc BVTV phải thu gom bao gói thuốc BVTV sau pha chế, phun rải để vào bể chứa, không để chung bao gói thuốc sau sử dụng với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng. Bao gói thuốc sau khi sử dụng xong thì không được sử dụng vào các mục đích khác, không tự ý xử lí, đem chôn, hoặc đốt”. Những bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng nếu không được thu gom và tiêu hủy đúng quy định sẽ trở thành các loại rác thải nguy hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương xử lý rác thải thuốc BVTV theo hướng thông thường như chôn, đốt là một thực tế.
Ông Trần Minh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay: “Mặc dù bà con đã bỏ rác thải thuốc BVTV vào bể rồi nhưng hàng năm đến mùa mưa lại rửa trôi ra môi trường thì lợi bất cập hại. Để làm tốt vấn đề này, tôi đề nghị hàng năm UBND tỉnh cần cấp nguồn kinh phí để xử lý. Ngoài ra, huyện, xã cần tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo bà con đưa rác thải vào đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo sản xuất theo hướng công nghệ cao, hữu cơ để giảm thuốc BVTV trên đồng ruộng.”
Cần khẳng định, rác thải thuốc BVTV chủ yếu là nhựa và thủy tinh, đây là những rác thải cực kỳ khó phân hủy, bên cạnh đó, trong rác thải còn chứa tồn dư một lượng thuốc nhất định nên gây ảnh hưởng đến môi trường rất lớn, nhất là đối với nguồn nước, do đó việc thu gom và xử lý là hết sức cần thiết. Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của các loại hóa chất bảo vệ thực vật đối với môi trường cũng như sức khỏe con người, từ đó có ý thức sử dụng một cách hợp lý, không nên quá lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp để giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.