Theo kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (CĐS) cấp tỉnh năm 2020 do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) công bố vào cuối tháng 10/2021, Quảng Trị xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố cả nước. Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh về CĐS trong thời gian qua, kết quả xếp hạng ở mức thấp so với bình quân chung của cả nước đặt ra nhiều vấn đề về CĐS cấp tỉnh của địa phương.
Đây là lần đầu tiên Bộ TT&TT công bố Bộ chỉ số CĐS cấp tỉnh, cấp bộ, cấp quốc gia (DTI). Theo đó, chỉ số CĐS cấp tỉnh cấu trúc 3 trụ cột là: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Mỗi trụ cột gồm 7 chỉ số chính: Đánh giá về chuyển đổi nhận thức; Kiến tạo thể chế; Phát triển hạ tầng và nền tảng số; Thông tin và dữ liệu số; Hoạt động CĐS; An toàn an ninh mạng; Đào tạo và phát triển nhân lực. Tổng cộng có 108 chỉ số thành phần và 306 tiêu chí. Theo đó, năm 2020, Quảng Trị xếp thứ 56/63 tỉnh, thành về chỉ số CĐS cấp tỉnh với điểm số trung bình là 0,2493. Trong đó, điểm số các thành phần là: Chính quyền số 0,2803 (xếp hạng 57); Kinh tế số 0,2109 (xếp hạng số 53) và Xã hội số 0,2464 (xếp hạng 47). Kết quả thứ hạng chỉ số CĐS của tỉnh Quảng Trị ở mức độ thấp so với bình quân chung cả nước (0,3026) cho thấy người dân và doanh nghiệp chưa thật sự hài lòng về mức độ CĐS cấp tỉnh trong năm 2020 bởi 80% nguồn số liệu đánh giá, khảo sát đo lường chỉ số CĐS cấp tỉnh được thực hiện theo phương pháp báo cáo, điều tra xã hội học.
Thực hiện chương trình CĐS quốc gia, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc về CĐS trên các ngành, lĩnh vực. Cụ thể, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5980/KH-UBND ngày 28/12/2020 về việc triển khai thực hiện Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Việc phát triển hạ tầng số, nâng cao nhận thức CĐS nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Theo báo cáo đánh giá Viet Nam ICT index 2020, chỉ số hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tỉnh Quảng Trị xếp vị trí 32/63 tỉnh, thành phố (tăng 15 bậc so với năm 2019).
Đến nay, 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, 80% UBND cấp xã có hệ thống mạng LAN. Tỉnh đã triển khai thực hiện và tích hợp với nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia (NGSP), trục liên thông văn bản quốc gia (VDXP); nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh cũng kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia và dịch vụ công của các bộ, ngành trung ương thực hiện dịch vụ khai thác hồ sơ công dân phục vụ xử lý nhóm thủ tục hành chính thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; dịch vụ khai thác hồ sơ công dân phục vụ xử lý nhóm thủ tục hành chính cấp, đổi giấy phép lái xe... Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh được thành lập và triển khai tích hợp nhiều dịch vụ như giám sát hành chính công, giám sát an toàn giao thông và an ninh trật tự công cộng, giám sát y tế, giáo dục, thông tin kinh tế - xã hội tỉnh...
Đồng thời, thiết lập các kênh giao tiếp nhằm kết nối thông tin giữa người dân và chính quyền như cổng thông tin phản ánh hiện trường, hệ thống tổng đài AI 1900868674. Mạng internet băng rộng cố định đã triển khai cung cấp dịch vụ tới trung tâm 125/125 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 54,8% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Bên cạnh đó, hệ thống văn phòng điện tử, thư điện tử công vụ, hội nghị truyền hình, ứng dụng chữ ký số chuyên dùng… cũng được triển khai đồng bộ tại 100% cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại di động đạt 80%; tỉ lệ người dân sử dụng internet (cố định và di động) đạt 82,874%; tỉ lệ hộ gia đình có kết nối internet đạt 61,927%.
Trên thực tế, mức độ CĐS của các cơ quan, tổ chức, địa phương là khác nhau và phụ thuộc vào đặc thù của từng đơn vị. Chỉ số đo lường CĐS cấp tỉnh mà Bộ TT&TT vừa công bố cũng giống như rất nhiều bộ chỉ số đo lường xếp hạng về quản trị, cải cách hành chính công khác như PAPI, PCI, PAR INDEX đó là bảng xếp hạng mang tính tương đối và hướng tới mục tiêu thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để cấp ủy, chính quyền địa phương có cái nhìn khách quan về mức độ thực hiện, thực lực của địa phương thông qua việc tham chiếu, so sánh, tham khảo kết quả với các địa phương khác, từ đó rút kinh nghiệm, nghiên cứu học hỏi giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hằng năm.
Thực tế cho thấy, mức độ CĐS cấp tỉnh ở Quảng Trị vẫn còn nhiều khó khăn do nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ thông tin (CNTT) và thúc đẩy CĐS của địa phương. Đến nay, vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị chưa được bố trí cán bộ chuyên trách CNTT phục vụ triển khai chính quyền số. Đơn vị sự nghiệp tham mưu triển khai ứng dụng CNTT vẫn còn chồng chéo, phân tán nên khó tập hợp nguồn lực. Khả năng cân đối nguồn lực tài chính của địa phương còn hạn chế, do đó việc triển khai các chương trình, đề tài, dự án CNTT đã được phê duyệt chưa được đồng bộ và chậm so với yêu cầu đề ra, đồng thời dẫn đến tình trạng hạ tầng CNTT được đầu tư dàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ gây khó khăn cho việc triển khai ứng dụng, phát triển CNTT. Một số các cơ quan, đơn vị và địa phương chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của CNTT và CĐS. Sự tham gia của doanh nghiệp, người dân trong phát triển CNTT và thực hiện CĐS chưa nhiều. Việc triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa được các sở, ban ngành quan tâm triển khai. Vẫn còn phổ biến tình trạng sử dụng phần mềm thương mại không có bản quyền dẫn đến nguy cơ mất an toàn thông tin…
Để cải thiện chỉ số CĐS cấp tỉnh cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, chương trình kế hoạch CĐS cấp tỉnh trong những năm tới. Quá trình triển khai, cần thực hiện đồng bộ CĐS từ trên xuống và từ dưới lên. Cần lấy việc triển khai thực hiện CĐS là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh. Với cách tiếp cận “từ dưới lên”, mỗi huyện, thị xã, thành phố cần chủ động lựa chọn một đơn vị cấp xã để triển khai thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân về truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân… nhằm thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức về CĐS cho cán bộ, người dân, doanh nghiệp.
CĐS là vấn đề mới, việc đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, các giải pháp CNTT để thực hiện CĐS đòi hỏi nguồn lực lớn. Vì thế, việc sử dụng vốn đầu tư cho lĩnh vực này cần được tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm. Đặc biệt, trong bối cảnh ngân sách khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, các địa phương, đơn vị cần nghiên cứu, tính toán đến hiệu quả của các dự án CĐS trước khi triển khai thực hiện. Cùng với việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật cần có chiến lược đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực cho CĐS để phát triển xã hội số; nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, người dân hướng tới mục tiêu hình thành “văn hóa số”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)