Theo đại diện Sở TN&MT thành phố Đà Nẵng, việc sử dụng đất của Công ty Silver Shoes Hoàng Đạt đối diện với sân bay quân sự Nước Mặn là đúng quy định pháp luật.
Thông tin trên VnExpress, ngày 19/5, Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng (Sở TN&MT) cho biết đã rà soát thông tin liên quan đến việc doanh nghiệp Trung Quốc đang sở hữu hoặc "núp bóng" sở hữu và thuê đất tại các vị trí ven biển trên địa bàn thành phố.
Được biết từ năm 2011 - 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển của thành phố Đà Nẵng có 134 lô, thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, "núp bóng" sở hữu hoặc thuê lại từ thành phố.
Các lô và thửa đất này nằm tại vị trí: Dọc khu đô thị ven biển; ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn; khu đô thị các phường Phước Mỹ, Thọ Quang, quận Sơn Trà. Hiện có 20 lô đất nằm dọc tường rào sân bay Nước Mặn được đề cập đến.
Ngoài ra còn có 7 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc sở hữu một số lô đất ven biển, trong đó có một doanh nghiệp thuê đất 20 ha có vị trí quân sự đặt biệt trong vòng 50 năm.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng khẳng định, "thành phố không giao đất, cho thuê đất và cho phép nhận quyền sử dụng đất đối với các cá nhân là người nước ngoài", theo đúng quy định của Luật đất đai.
Về phản ánh 7 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc sở hữu một số lô đất ven biển, Sở TN&MT cho hay trong số này có 2 doanh nghiệp đã chuyển nhượng hết các lô đất sử dụng trước đây cho cá nhân, tổ chức trong nước; có 4 doanh nghiệp 100% vốn trong nước.
Một doanh nghiệp còn lại là Công ty liên doanh du lịch và giải trí quốc tế Silver Shoes Hoàng Đạt. Sở TN&MT xác nhận Công ty này được thuê 20 ha đất để đầu tư Khu du lịch và giải trí quốc tế (Casino) với thời hạn thuê là 50 năm (đến ngày 21/6/2056).
Vị trí khu đất cấp cho Công ty Silver Shoes Hoàng Đạt nằm ven biển, đối diện với sân bay quân sự Nước Mặn và công trình do Công ty này xây dựng đã hoạt động nhiều năm nay.
Tuy nhiên theo đại diện Sở TN&MT, việc sử dụng đất của Công ty Hoàng Đạt là đúng quy định pháp luật.
Đề cập đến 20 lô đất nằm dọc tường rào sân bay Nước Mặn, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng cho biết các lô đất này trước đây có người Trung Quốc góp vốn, nhưng đến tháng 3/2020, doanh nghiệp đã chuyển thành 100% vốn trong nước.
Ngoài lô đất của Công Silver Shoes Hoàng Đạt và 20 lô đất nêu trên, cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng cũng đang rà soát 84 lô đất khác.
Đại diện Tổng cục Quản lý đất đai cho hay, qua kiểm tra, Tổng cục không phát hiện cá nhân là người Trung Quốc đứng tên sử hữu đất. Trong trường hợp người Trung Quốc không đứng tên thì rất khó thu hồi đất.
Đại biểu Quốc Hội TP.Đà Năng ông Nguyễn Bá Sơn cho rằng việc nhiều doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc đầu tư đất đai ở các vị trí trọng yếu ven biển do kẽ hở của Luật Đất đai.
Để có thể sở hữu, "núp bóng" sở hữu hay thuê đất, các cá nhân nước ngoài nhờ người Việt đứng tên, sau đó thành lập công ty và góp cổ phần để được sở hữu đất đai.
Theo Bộ Quốc phòng, cử tri có cơ sở khi cho rằng việc cấp chứng nhận quyền sử dụng 21 lô đất cho người Trung Quốc là "đáng ngại". Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành và UBND TP Đà Nẵng làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và xử lý theo pháp luật.
Hồi tháng 9/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng ra thông cáo cho hay việc các cá nhân Trung Quốc góp vốn vào doanh nghiệp để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 21 lô đất trên địa bàn thành phố là "đúng pháp luật".
Trong đó, một lô diện tích 20 ha tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Vị trí 20 lô đất còn lại là vệt khai thác quỹ đất 25 m dọc tường rào sân bay Nước Mặn.
Theo Đại tá Trương Chí Lăng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng, sân bay quân sự Nước Mặn có vai trò quan trọng về phòng thủ của Đà Nẵng.
(Nguồn: Phụ nữ mới)