Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, đề tài nghiên cứu này "mang ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn lớn".
Vừa qua, trên mạng xã hội đang bàn tán xôn xao về đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ về áo ngực của Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Luận này này là của Lưu Thị Hồng Nhung, công tác tại khoa công nghệ may và thời trang Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên. Luận án tiêu đề "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực". Hai người hướng dẫn là PGS.TS Nguyễn Nhật Trinh và PGS.TS Nguyễn Thị Lệ.
Tác giả nêu mục đích nghiên cứu là xác định các đặc trưng nhân trắc ngực ứng dụng phương pháp đo 3D không tiếp xúc, trích chọn các kích thước đặc trưng và phân nhóm ngực nữ làm tiền đề cho việc xác định ảnh hưởng của kích thước ngực tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực. Đồng thời góp phần xây dựng cơ sở thiết lập hệ thống cỡ số, thiết kế, sản xuất và lựa chọn áo ngực nữ phù hợp.
Xác định áp lực của áo ngực nữ lên cơ thể người mặc và độ tiện nghi áp lực của áo ngực.
Xác định ảnh hưởng của các kích thước ngực đặc trưng tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ, nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc cải thiện độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ.
Tác giả cũng nêu, kết quả nghiên cứu này sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ sở khoa học trong việc thiết lập hệ thống cỡ số, thiết kế, sản xuất, đánh giá; nâng cao chất lượng áo ngực cho phụ nữ Việt nam nói chung và áo ngực cho nữ thanh niên, nữ sinh Bắc Việt Nam nói riêng, nhằm đáp ứng nhu cầu của người mặc.
Nhiều người khá thắc mắc về cách đặt tên, đối tượng nghiên cứu và ý nghĩa thực tiễn của luận án.
Ngày 4/10, trả lời VTC News, PGS.TS Phan Thanh Thảo, Viện trưởng Viện dệt may, da giầy và thời trang, Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, đề tài nghiên cứu nói trên "mang ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn lớn". Vấn đề này còn mới ở Việt Nam nhưng đã xuất hiện trên thế giới từ khá lâu.
Đại diện phòng Đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho biết, luận án của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung chưa tới thời gian bảo vệ. Nhà trường chưa đưa ra bình luận về chất lượng của luận án khi chưa có ý kiến của Hội đồng.
Nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung từng công bố 8 công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế. Trong đó 1 bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, 3 bài báo khoa học công bố (Scopus, Springer); 4 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học và công nghệ trong nước (có phản biện và được tính điểm của Hội đồng học hàm giáo sư nhà nước). Nghiên cứu này cũng từng đạt giải thưởng Khoa học công nghệ đo lường Việt nam 2020.
Viện trưởng Viện dệt may cũng cho biết thêm một số công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước có liên quan đến áo ngực, áp lực đều được công bố trên các tạp chí uy tín trong nước.
"Tại Việt Nam, một số nghiên cứu về đặc điểm nhân trắc cơ thể người và xây dựng hệ thống cỡ số cho các đối tượng khác nhau đã được thực hiện. Tuy nhiên, các nghiên cứu về đặc điểm nhân trắc ngực, phân nhóm ngực nữ sinh Bắc Việt Nam vẫn chưa được thực hiện đầy đủ và chi tiết. Do đó, nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam đến áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực là cần thiết", PGS.TS Phan Thanh Thảo nhấn mạnh.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales - cho biết Trường đại học Công nghệ Sydney (UTS) đã có những luận án với chủ đề tương tự. Áo ngực hiện nay cũng là đề tài của nhiều nghiên cứu. Chỉ có điều, ông không đồng ý với các đặt tiêu đề chỉ có phụ nữ miền Bắc Việt Nam, vì cách đắt tên vi phạm hầu như tất cả các nguyên lý đặt tựa đề của một đề tài nghiên cứu, bài báo khoa học.
"Nhưng tôi thông cảm cho nghiên cứu sinh nên không quá quan tâm đến chuyện đó vì không hiểu từ đâu, nghiên cứu sinh buộc phải đặt tựa đề luận án hay bài báo khoa học theo công thức "nghiên cứu" + đối tượng + địa điểm + thời gian. Việc quan trọng của một luận án là phải có cái mới, bảo đảm hợp lý nội tại, còn nghiên cứu trên cá nhân không quá quan trọng. Chúng ta không thể phán xét nếu chưa đọc luận án của người ta", giáo sư Tuấn nói.
Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố lịch dự kiến bảo vệ đề tài nghiên cứu: “Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực” của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung ngành Công nghệ dệt, may. Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ dự kiến tổ chức vào ngày 12/10/2022.
(Nguồn: Phụ nữ mới)