Theo thông tin được lan truyền thì đàn khỉ vàng ở Sơn Trà không được sống yên ổn với thiên nhiên mà thường xuyên bị con người quấy phá.
Thời gian gần đây, hình ảnh những con khỉ què cụt, thân thủng lỗ do bị tấn công bằng ná ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) được lan truyền trên mạng khiến nhiều người bức xúc.
Khỉ vàng sống tập trung ở khu vực bán đảo Sơn trà, đặc biệt là sau chùa Linh Ứng. Đã từ rất lâu chúng trở thành một phần vẻ đẹp của bán đảo. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, cuộc sống của chúng gặp khá nhiều khó khăn lý do là vì con người quấy phá.
Khỉ có thể xem như biểu tượng của bán đảo Sơn Trà. Trước đây, nơi này còn được gọi là Núi Khỉ vì có quá nhiều cá thể khỉ. Đến Sơn Trà, du khách còn có thể tìm thấy bức tượng khỉ đá lớn, giống như lời khẳng định đây chính là vùng đất của loài vật này.
Theo nhiếp ảnh gia Nguyễn Công Hưng, đàn khỉ thường xuyên bị ném đá, bị thương do trúng đạn ná, bẫy. Dần dần những hình ảnh của khỉ què chân, tay lòi xương đã trở nên quá quen thuộc.
Anh Hưng cũng chia sẻ rằng từ tháng 6 năm 2019, anh đã dành nhiều thời gian để chụp hình người đánh khỉ nhưng không thành công. Khu vực chùa Linh Ứng đàn khỉ tàn tật nhiều nhất.
Anh Hưng cho hay, đàn khỉ dường như rất sợ hãi với những người đến chùa Linh Ứng. Trước đó còn có nhiếp ảnh gia bị phát hiện dùng ná bắn khỉ và đã bị mời lên cơ quan chức năng làm việc.
"Tôi từng chứng kiến đàn khỉ khi thấy những người này thì bỏ chạy vào rừng ngay lập tức. Điều này chứng tỏ giữa chúng và họ có vấn đề gì đó", anh Hưng nói.
Được biết loài khỉ vàng này không thuộc nhóm nguy cấp cần được bảo tồn, thức ăn của chúng chủ yếu là thực vật, quả, cây. Theo thời gian sự gắn kết giữa chúng với con người vô hình chung đã trở thành mối đe dọa với đàn khỉ, khả năng tự tìm kiếm đồ ăn giảm dần, ngược lại đồ ăn của con người lại có nhiều khả năng mang mầm bệnh.
Khỉ ở Sơn Trà có đặc tính dạn người, chúng có thể lại gần du khách để đùa nghịch xin ăn. Nhưng cũng vì thế mà mọi người hay nhử mà không cho đồ ăn thật khiến chúng tức giận.
Đại diện phòng Quản lý Khai thác Du lịch bán đảo Sơn Trà, cho biết có nắm được tình trạng này: "Chúng tôi không trực tiếp quản lý vấn đề về thú rừng mà do bên kiểm lâm đảm nhiệm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm để tuyên truyền, nhắc nhở những người ở chùa làm tốt công tác bảo vệ động vật".
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Công Hưng cho biết tình trạng hiện giờ là do chúng ta chưa đủ biện pháp mang tính răn đe, mặc dù đã đăng tải hình ảnh này nhiều lần và thông báo chính quyền nhưng chưa thấy sự vào cuộc quyết liệt.
(Nguồn: Phụ nữ mới)