Ghép phổi cho bệnh nhân COVID-19, hy vọng cuối cùng?

AN LY |

Tình trạng bệnh nhân 91 hiện nay, theo các chuyên gia, nếu không được ghép phổi thì không còn biện pháp điều trị nào hiệu quả. Phương pháp này như thế nào?

Có hy vọng hay không?

Mới đây, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế vừa đưa ra phương án ghép phổi cho bệnh nhân người Anh - bệnh nhân COVID-19 số 91.

Bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM
Bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM

Ngày 8/5, theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, hiện bệnh nhân 91, phi công người Anh, 43 tuổi vẫn trong tình trạng rất nguy kịch, hai phổi đông đặc, ngày càng có diễn tiến nặng, có biểu hiện nhiễm trùng phổi. Sáng cùng ngày bệnh nhân vẫn có kết quả dương tính với COVID-19.

Trước đó, bệnh nhân đã có 5 ngày có kết quả âm tính và ngày 7/5 lại có kết quả dương tính. Trong khoảng thời gian trước đó, bệnh nhân cũng có kết quả âm tính, sau đó dương tính trở lại.

Do phổi đặc lại, việc sử dụng máy thở không còn hiệu quả, bệnh nhân được sử dụng thiết bị thay thế tim và phổi, nhưng tình trạng đông đặc dần sẽ khiến phổi mủn ra, là "ổ" để vi khuẩn sinh sôi. Vì thế, hội đồng chuyên môn đã đề xuất với tiểu ban điều trị việc ghép phổi cho bệnh nhân.

Tình trạng bệnh nhân phi công người Anh hiện nay, theo các chuyên gia, nếu không được ghép phổi thì không còn biện pháp điều trị nào hiệu quả. Ghép phổi là cơ hội cuối cùng. Phổi ở đây có thể từ người hiến tặng đã chết não hoặc người cho còn sống (là người thân của bệnh nhân). 

Nếu có phổi hiến tặng, các bác sĩ còn phải đánh giá bệnh nhân xem toàn trạng có thể tiến hành ghép được không, phổi người hiến tặng có hòa hợp về nhóm máu, miễn dịch, người hiến, người nhận chỉ nên chênh lệch chiều cao, cân nặng, kích thước lá phổi không quá 20%...

Theo một chuyên gia, về mặt kỹ thuật các bác sĩ Việt Nam có thể ghép phổi cả từ người hiến chết não và người hiến còn sống, nhưng với bệnh nhân phi công người Anh có thời gian điều trị tại khu vực hồi sức quá dài, nguy cơ nhiễm trùng cao, chưa kể cần đánh giá lại não của bệnh nhân xem có thể hồi phục hay không...

Hình ảnh tại cuộc họp của hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế với các tổ chức quốc tế hôm 8/5. Ảnh: Tuổi Trẻ
Hình ảnh tại cuộc họp của hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế với các tổ chức quốc tế hôm 8/5. Ảnh: Tuổi Trẻ

"Thông thường có thể ghép phổi khi bệnh nhân bị bệnh lý ở phổi và mọi phương án điều trị không còn có thể cứu vãn. Nhưng với bệnh nhân phi công người Anh, cơ hội ghép phổi theo chúng tôi là không nhiều" - chuyên gia kể trên nói.

Những ca ghép phổi thành công cho bệnh nhân COVID-19 

Về cơ hội ghép phổi cho bệnh nhân, BS Phạm Văn Phúc - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết cũng đã có một số ca ghép phổi ở bệnh nhân COVID-19 được công bố tại Trung Quốc, nhưng số lượng rất ít ỏi. 

Các bác sĩ chụp ảnh bên bệnh nhân Cui An tại Bệnh viện Renmin. Ảnh: Youth.cn
Các bác sĩ chụp ảnh bên bệnh nhân Cui An tại Bệnh viện Renmin. Ảnh: Youth.cn

Tại Trung Quốc, ca ghép phổi cho bệnh nhân COVID-19 đầu tiên diễn ra vào đầu tháng 3 do các bác sĩ tại BV Nhân dân Vô Tích, Giang Tô thực hiện. Bệnh nhân là một người đàn ông 59 tuổi, được chẩn đoán mắc COVID-19 vào ngày 26/1. Hai lá phổi của người này đều suy yếu nghiêm trọng và không thể phục hồi sau khi được điều trị COVID- 19.

Ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ, do nhóm của bác sĩ Chen Jingyu - bác sĩ phẫu thuật ghép phổi hàng đầu ở Trung Quốc - thực hiện.

Ca ghép phổi thứ diễn ra vào vào ngày 20/4 cho bệnh nhân Cui An, 65 tuổi nhiễm COVID-19 được các bác sĩ tiên lượng xấu, nhờ được ghép phổi đã vượt qua cửa tử thần. Trước đó ông được điều trị trong một khu cách ly đặc biệt ở Vũ Hán, từng là tâm chấn đại dịch ở Trung Quốc. 

Do tuổi cao, ông An lâu hồi phục, thậm chí được tiên lượng rất xấu, cơ thể dường như không tiếp nhận các phương pháp điều trị vốn có nên các bác sĩ tại Bệnh viện Renmin thuộc Đại học Vũ Hán quyết định thay phổi cho ông. Ca phẫu thuật ghép phổi kéo dài 6 giờ, với phần phổi được một bệnh nhân chết não cùng ngày hiến tặng.

Ngày 22/4, khoảng 44 giờ sau khi cấy ghép, hệ thống ECMO hỗ trợ trên cơ thể bệnh nhân được gỡ bỏ. Ông Cui An hồi phục, hoàn toàn tỉnh táo. Đến ngày 4/5, ông đã có thể nuốt, uống, ho, nói cũng như ngồi dậy.

Theo Wang Gaohua, giám đốc Bệnh viện Renmin, ông An là bệnh nhân sử dụng hệ thống ECMO lâu nhất thế giới trước khi phẫu thuật ghép phổi. Hiện tại ông An đang được tập vật lý trị liệu phục hồi sức mạnh cơ bắp sau khi nằm liệt giường trong một thời gian dài.

Mới đây nhất, Tân Hoa Xã đưa tin một bệnh nhân 54 tuổi tại Bệnh viện Union (thuộc Đại học Y khoa Tongji, Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong) của Vũ Hán vừa trải qua ca ghép thành công cùng lúc hai phổi. Trước đó, nam bệnh nhân có 73 ngày điều trị ECMO (tim phổi nhân tạo).

Cuộc phẫu thuật diễn ra vào ngày 24/4 kéo dài suốt 6 tiếng. Hiện tại, bệnh nhân có tín hiệu phục hồi tích cực, có thể giao tiếp bằng cách ra hiệu, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Hai lá phổi được cấy ghép hoạt động tốt.

Ca cấy ghép phổi cho bệnh nhân ở Vũ Hán kéo dài 6 tiếng vào ngày 24/4. Hậu phẫu, bệnh nhân có sức khỏe tốt. Ảnh: China Daily
Ca cấy ghép phổi cho bệnh nhân ở Vũ Hán kéo dài 6 tiếng vào ngày 24/4. Hậu phẫu, bệnh nhân có sức khỏe tốt. Ảnh: China Daily

Những ca ghép phổi thành công tại Việt Nam

Đến nay, ghép phổi vẫn là một kỹ thuật ghép tạng khó nhất do phổi không giống các tạng khác, phổi là cơ quan hô hấp đảm bảo oxy cho cơ thể.

Để thực hiện ca ghép phổi đòi hỏi các bác sĩ phải lựa chọn đánh giá tình trạng phổi của người cho, người nhận rất chặt chẽ. Khi đã ghép được rồi, việc chăm sóc phổi được ghép thành phổi khỏe, đủ chức năng cũng rất khó, bởi khi được cắt ra, phổi đã bị tổn thương nên nguy cơ nhiễm trùng cao hơn các tạng khác.

Tại Việt Nam đã có 3 bệnh viện là Bệnh viện 103 ghép phổi từ người cho còn sống, Bệnh viện 108 và Bệnh viện Việt Đức ghép phổi từ người hiến đã chết não. Trong số này, Bệnh viện Việt Đức có kinh nghiệm nhất do ghép nhiều ca nhất, đã có 4 ca ghép phổi được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức và 3/4 ca là thành công cho đến nay.

Ca ghép phổi đầu tiên được thực hiện vào 12/12/2018, cho bệnh nhân 17 tuổi, mắc bệnh mô bào phổi (thể đặc biệt của ung thư) giai đoạn cuối và suy đa tạng rất nặng. Sau khi được ghép tạng phổi thành công nhưng bệnh nhân này vẫn tiếp tục được theo dõi tại viện. Ca ghép phổi đầu tiên, PGS Ước cho biết thành công rất nhiều đặc biệt về mặt kỹ thuật. Bệnh nhân có cơ hội được sống.

Sau gần 10 tháng thì chi phí điều trị, duy trì cho ca bệnh này đã lên tới hơn 5 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí này có từ nhiều nguồn trong đó có kinh phí được nhiều quỹ từ thiện hỗ trợ bệnh nhân.

Ca ghép phổi thứ 2 diễn ra vào tháng 8/2019 cho một bệnh nhân nam 38 tuổi. PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Lồng ngực, BV Hữu nghị Việt Đức, cho biết đây là ca ghép phổi thứ 2 thực hiện tại BV Việt Đức.

Bệnh nhân này được ghép tạng sau 10 năm mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối. Nếu không được ghép phổi bệnh nhân sống tối đa chỉ thêm 1 năm nữa. Trước khi ghép phổi, bệnh nhân hoàn toàn phụ thuộc vào thở máy.

Với bệnh nhân này, PGS Ước cho biết bệnh nhân ra viện nhưng phải tái khám và theo dõi thường xuyên tại Bệnh viện Việt Đức. Chị Nguyễn Thị Hạnh (35 tuổi), vợ của bệnh nhân, cho biết khi có thông tin người chết não hiến phổi, gia đình huy động 1,5 tỷ đồng để thực hiện ca ghép phổi.

Ca lấy và ghép hai phổi đã diễn ra liên tục trong gần 15 giờ. Sau mổ vài ngày, chồng chị tỉnh nhanh nhưng phải sau ba tuần, gia đình mới được gặp. Hai lá phổi đã thích nghi trong cơ thể giúp anh trở lại cuộc sống bình thường với những ăn uống, sinh hoạt và hơi thở không còn khổ sở như trước.

Chi phí điều trị ghép phổi cho bệnh nhân COVID-19 ra sao?

Hiện chi phí để thực hiện 1 ca ghép phổi tại Việt Nam là 1,5 - 2 tỉ đồng, tùy tình trạng, thể trạng của bệnh nhân. Trong đại dịch COVID-19, Chính phủ quy định điều trị miễn phí cho công dân Việt Nam và thu phí điều trị đối với người nước ngoài. Riêng cách ly đều miễn phí cho cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài.

 (Nguồn: Phụ nữ mới)

TAGS

Một thanh niên mất tích dưới chân cầu Cửa Việt

Tiến Nhất |

Ngày 7/5, Đồn Biên phòng Triệu Vân (Biên phòng Quảng Trị) cho biết, đơn vị đang phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tỉnh Quảng Trị, cảnh sát biển, kiểm ngư… tổ chức tìm kiếm 1 thanh niên bị mất tích dưới chân cầu Cửa Việt.

Hơn nửa triệu thông tin đăng nhập vào Zoom bị rao bán trên các trang web đen

Thanh Mai |

Truyền thông Anh đưa tin, các tin tặc đã đưa hơn nửa triệu thông tin đăng nhập vào ứng dụng Zoom lên các trang web đen.

Quảng Trị: Đa số giáo viên không đồng ý mức kỷ luật Hiệu trưởng Trần Xuân Linh

PV |

Theo thông tin phóng viên vừa nhận được thì đa số cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường TH&THCS Tân Liên (Hướng Hóa, Quảng Trị) không đồng tình với mức kỷ luật khiển trách Hiệu trưởng trường này là ông Trần Xuân Linh.

Quảng Trị đứng thứ 3 toàn quốc về chỉ số sử dụng cổng thông tin điện tử

Phạm Mỹ Hạnh |

Ngày 28/4/2020, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam; Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam tổ chức Lễ công bố trực tuyến Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2019.