Theo chuyên gia, số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng tới khoảng giữa tháng 3, khả năng biến chủng Omicron đã chiếm đa số trong cộng đồng Việt Nam.
Trong ngày 28/2, Việt Nam đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 kỷ lục từ khi dịch bùng phát với gần 95.000 người xác nhận dương tính chỉ sau 24 giờ.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng dù chưa có thông tin chính thức, nhiều khả năng biến chủng Omicron đã chiếm đa số trong cộng đồng Việt Nam.chuyên gia dự đoán từ nay tới giữa tháng 3, dịch Covid-19 tại Việt Nam vẫn tiếp tục bùng phát cùng số người nhiễm virus tăng nhanh.
“Các nghiên cứu đến nay đang cho thấy biến chủng này có khả năng lẩn tránh được vaccine và tốc độ lây lan nhanh hơn Delta. Do đó, chúng sẽ còn tiếp tục lây lan rộng trong thời gian tới, đặc biệt tại những nơi đông dân cư hay một số tỉnh, thành phố phía Bắc trước kia dịch chưa bùng phát quá mạnh”, PGS Nga nhận định. “Trong khoảng từ giữa tới cuối tháng 3, khả năng dịch sẽ đạt đỉnh và giảm dần sau đó”.
PGS Nga khuyến cáo Việt Nam vẫn phải duy trì các biện pháp phòng, chống dịch. Ssố ca nhiễm trên thực tế có thể nhiều hơn lượng thống kê. Việc lây lan rộng phần nào cũng tạo được miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng, cùng với đó là việc đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine, dịch có thể được đẩy lùi.
PGS.TS Vũ Minh Phúc, nguyên Trưởng bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng Việt Nam đang ở trong đỉnh dịch ngay tại thời điểm này.
“Dù thống kê không cao như Hà Nội hay các tỉnh, thành phố ở miền Bắc, số ca mắc thực tế tại TP.HCM có thể không hề thua kém”, vị chuyên gia cho hay.
PGS Phúc cũng nhận định với tỷ lệ tiêm chủng cả nước đạt trên 90%, Việt Nam phần nào đã có được miễn dịch cộng đồng. Đây sẽ là cơ sở để nước ta sớm coi Covid-19 như bệnh cảm cúm thông thường.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định việc nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 có thể tạo được miễn dịch trong cộng đồng.
"Biến chủng Omicron lây lan nhanh nhưng đa số người nhiễm không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ. Hiện chúng ta không thể và cũng không ngăn cản được triệt để sự lây lan của biến chủng này, từ đó làm ảnh hưởng tới kinh tế xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần hạn chế sự lây lan và chấp nhận số ca nhiễm ở mức độ nhất định để không khiến dịch bùng phát quá mạnh", ông Phu nói thêm.
“Việc xuất hiện biến chủng gây triệu chứng nhẹ hơn, tỷ lệ tiêm vaccine trong cộng đồng tăng cao, năng lực phòng dịch của chính quyền cũng như người dân tốt hơn, đặc biệt là có thêm thuốc điều trị Covid-19, dịch bệnh có thể cũng sẽ lui dần”, vị chuyên gia nói.
Theo PGS Nguyễn Huy Nga, Việt Nam cũng đã xác định chung sống an toàn với SARS-CoV-2, các quy định mở cửa, nối lại đường bay được thực hiện. Do đó, chúng ta cũng cần có cách ứng phó với dịch phù hợp hơn. Việc giảm số người nhiễm nCoV sẽ phụ thuộc phần lớn vào ý thức cá nhân cũng như mức độ tuân thủ 5K trên cả nước.
PGS Vũ Minh Phúc cũng cho rằng với tỷ lệ bao phủ vaccine cao như hiện nay, sau khi hoàn thành mũi tiêm cho trẻ em, Việt Nam có thể cân nhắc mở cửa hoàn toàn như Anh hay các quốc gia Bắc Âu, bỏ khái niệm F0, F1 và coi Covid-19 là một bệnh đặc hữu.
(Nguồn: Phụ nữ mới)