Năng động chuyển đổi nghề hiệu quả giữa dịch bệnh

Nam Phương |

Đại dịch COVID - 19 xảy ra khiến công việc gặp khó khăn nhưng rất nhanh chóng, anh Lê Văn Quý (sinh năm 1998), ở thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã linh hoạt, năng động chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp. Từ một thợ đóng thuyền, anh Quý chuyển qua bán hàng online. Nhờ kinh doanh đúng hướng, anh đã phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Những ngày đầu năm mới 2022, cơ sở kinh doanh online của anh Quý tương đối bận rộn với những cuộc điện thoại “chốt đơn” mỗi ngày. Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh cơ sở kinh doanh của mình, anh Quý cho biết: “Dù dịch bệnh xảy ra nhưng việc kinh doanh của chúng tôi tương đối thuận lợi, liên tục nhận được sự ủng hộ của khách hàng trong và ngoài tỉnh”.

Tuổi đời còn khá trẻ nhưng anh không còn xa lạ với người dân trong vùng, bởi trước khi chuyển hướng sang kinh doanh online, anh từng là một người thợ đóng thuyền có tiếng ở vùng biển bãi ngang này. Hỏi ra mới biết, gia đình anh Quý vốn làm nghề mộc truyền thống. Học đến lớp 11, Quý xin nghỉ học với mong muốn được theo nghề gia truyền và mở rộng quy mô xưởng mộc của gia đình.

Anh Quý (bên phải) hướng dẫn nhân viên mới cách đóng gói hàng hóa - Ảnh: T.P
Anh Quý (bên phải) hướng dẫn nhân viên mới cách đóng gói hàng hóa - Ảnh: T.P

Từ những ngón nghề gia truyền và không ngừng rèn luyện, học hỏi thêm từ những thợ đóng thuyền giỏi, anh Quý đã làm ra nhiều chiếc thuyền đạt chất lượng cao, giá hợp lý, được ngư dân hài lòng. “Thời điểm đó, cứ khoảng 10 - 15 ngày, tôi có thể đóng một chiếc thuyền hoàn chỉnh với công suất lắp máy từ 10 - 24 CV. Không chỉ ngư dân trong tỉnh mà người dân các địa phương khác như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi... cũng tìm đến đặt hàng. Nhưng khi COVID - 19 xảy ra, tôi buộc phải chuyển hướng làm ăn”, anh Quý nhớ lại.

Đầu năm 2020, dịch bệnh bắt đầu bùng phát và ngày càng lan rộng khiến lượng khách hàng đến đặt thuyền giảm sút. Vốn là người hoạt bát, nhanh nhẹn, anh Quý chủ động tìm cơ hội cho mình. Quý chia sẻ: “Tôi nhận thấy việc bán hàng online đặc biệt phù hợp trong điều kiện dịch bệnh. Với một chiếc điện thoại thông minh, khách hàng có thể mua và được giao hàng tận nhà chỉ sau một cú click chuột dù đang ở bất kỳ đâu. Vì thế, tôi nhanh chóng tìm mặt hàng và chuyển hướng sang kinh doanh online”.

Tuy không cần tìm kiếm mặt bằng hay lo sửa sang, trang trí cửa hàng như thông thường nhưng những ngày mới bắt đầu, công việc của anh Quý cũng gặp không ít khó khăn. Mặt hàng anh chọn kinh doanh là giày, dép second - hand các loại. Anh chọn cách bán hàng thông qua hình thức livestream trực tiếp trên facebook. Mọi khâu từ lựa chọn hàng hóa, đối tượng khách hàng cho đến chiến lược kinh doanh, tiếp cận thị trường... với anh đều mới mẻ nên phải cân nhắc suy nghĩ, lên mạng tìm hiểu kiến thức đồng thời vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Nhờ chịu khó học hỏi nên doanh số bán hàng ngày một tăng. Sau khi trừ các khoản chi phí anh Quý có nguồn thu nhập khoảng 1 tỉ đồng/năm. Cơ sở kinh doanh của anh đang tạo việc làm cho 15 thanh niên tại địa phương với mức tiền công khoảng 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Nhờ được anh nhận vào làm gia công (sửa lại những chỗ bị lỗi trên giày, dép) và đóng gói hàng chuyển cho khách nên Trần Văn Tiến Anh (sinh năm 2002), ở xã Hải Quế không còn nỗi lo thất nghiệp khi từ TP. Hồ Chí Minh trở về quê tránh dịch vào tháng 10/2021.

“Anh Quý rất vui tính, gần gũi, luôn tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi làm việc. Công việc ở đây tương đối nhẹ nhàng, không áp lực lại được gần gia đình nên tôi sẽ không vào miền Nam làm việc như trước đây nữa”, Tiến Anh hào hứng chia sẻ.

Bí thư Huyện đoàn Hải Lăng Lê Văn Phong cho hay: “Mô hình kinh doanh của anh Quý đã giúp nhiều thanh niên, đặc biệt là những người trở về từ các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có việc làm, thu nhập ổn định. Đó là điều đáng trân trọng trong thời điểm COVID - 19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Tuy bận rộn với công việc buôn bán song Quý rất tích cực tham gia các hoạt động đoàn, hội tại địa phương. Đặc biệt là trong nhiều hoạt động thiện nguyện xã hội như giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng thiên tai hay gần đây nhất Quý đã hỗ trợ hàng trăm suất cơm cho các khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn xã, huyện”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thủ tướng: Phấn đấu năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh, nhân dân có cuộc sống bình an và hạnh phúc

Thanh Mai |

"Chúng ta đã làm tất cả các biện pháp có thể để có được vaccine tiêm miễn phí cho người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Xây dựng phương án ứng phó với tình huống dịch bệnh ở thành phố Đông Hà lây lan trên diện rộng

Q.H |

Đây là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam tại cuộc họp với UBND thành phố Đông Hà và các sở, ngành, đơn vị liên quan để bàn giải pháp phòng, chống COVID-19 trên địa bàn thành phố vào sáng 27/12.

Chung tay đẩy lùi dịch bệnh

Thanh Lê |

Trước tình hình COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại địa phương, những ngày qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã thực hiện nhiều hoạt động với các hình thức, cách làm thiết thực, ý nghĩa. Từ đó, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần cùng địa phương đẩy lùi dịch bệnh.

Phật giáo Quảng Trị góp sức phòng, chống dịch bệnh

Lê Trường |

Trên tinh thần hộ quốc, an dân, đồng hành với dân tộc, trách nhiệm với cộng đồng, Phật giáo Quảng Trị đã đứng ra kêu gọi các tăng ni, phật tử trên địa bàn tỉnh phát huy cao độ ý thức phòng, chống COVID-19; tích cực ủng hộ về mọi mặt, góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh cũng như các tỉnh, thành phố phía Nam vượt qua khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh.