Sinh ra từ huyện miền núi với sự trù phú về nông lâm sản và bề dày văn hóa, một cô gái Pa Cô đã kết nối “núi rừng” và “phố thị” thông qua những sản phẩm bản địa.
Đó là Hồ Thị Họa My, một người con của xã A Bung (Đakrong, Quảng Trị).
Tốt nghiệp Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội nhưng sau một thời gian “ăn cơm nhà nước” thì bị tinh giảm biên chế nên thất nghiệp. Bằng vốn kiến thức và sự năng động của người trẻ, Họa Mỵ đã mạnh dạn mở cửa hàng chuyên cung cấp nông sản, đặc sản từ núi rừng tại huyện Đakrong.
Sản phẩm của cửa hàng Họa My là những nông sản do bà con sản xuất hay hái từ rừng; là những tấm vải thổ cẩm do chính tay người dân trong xã dệt lấy. Họa My cho biết: “Cuộc sống hiện nay con người đứng trước mối lo về thực phẩm bẩn, thực phẩm đầy hóa chất. Trong khi những sản phẩm sạch từ người miền núi không được khách hàng ở miền xuôi hay thành phố tiếp cận. Cùng với sự mai một của các làng nghề, các giá trị văn hóa bản địa bị phai nhạt… Em đã nghĩ đến việc cần làm một thứ gì đó để “đánh thức” những cái bị “bỏ quên” lâu nay. Và cùng với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng về sự an toàn vệ sinh thực phẩm nên em đã mạnh dạn làm cầu nối, mang giá trị của núi rừng đi xa hơn, tới tay người thành thị…”Và sự nỗ lực cùng với tấm lòng của một người con yêu quê hương, Họa My đã có những thành quả nhất định đánh dấu sự khởi đầu đầy tiềm năng. Những mặt hàng như vải thổ cẩm, nếp than, rượu cần, thịt gác bếp… đã đến tay người tiêu dùng và được đánh giá cao. Hiện tại, sản phẩm của Họa My có mặt tại các shop online, siêu thị nông sản tỉnh Quảng Trị…Dù mới khởi nghiệp từ đầu năm 2019, nhưng những gì mà Họa My làm đã mang lại những tín hiệu tốt từ thị trường. Đặc biệt là sự ghi nhận từ các cơ quan nhà nước. Mới hôm qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Hội nghị đối thoại và gặp mặt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2019). Tại Hội nghị này, cô chủ nhỏ Họa My đã được Ủy ban Trung ương Hội Doanh nghiệp Trẻ Việt Nam tặng giấy khen. Đó là món quà lớn đánh dấu một chặng đường làm việc say mê, không ngừng sáng tạo của cô gái trẻ người Pa Cô.Chia sẻ những thành công ban đầu đó nhưng Họa My vẫn còn trăn trở, cô cho hay: “Khởi nghiệp là một hành trình gian lao. Đối với một cô gái Pa Cô ở một địa bàn miền núi lại càng khó khăn hơn. Nếu em có vốn, em sẽ làm tốt hơn. Bởi hiện nay em thiếu mọi thứ, trừ lòng nhiệt huyết và tình yêu quê hương”.