Những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ ở huyện Đakrông (Quảng Trị) có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học vào sản xuất, đời sống. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo đời sống cho người dân và bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU, ngày 1/8/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH)) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, UBND huyện Đakrông đã làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, tập huấn, cụ thể hóa chỉ thị thông qua xây dựng tin, bài, phóng sự về các mô hình ứng dụng CNSH tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU, trong đó chú trọng nhiệm vụ, giải pháp phát triển CNSH. Nhờ vậy, đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, vị trí của khoa học và công nghệ (KH&CN) nói chung, CNSH nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong hoạt động phát triển ứng dụng CNSH vào sản xuất và đời sống, huyện ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Từ nguồn lực thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện tập trung ứng dụng những giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu như các giống lúa Thiên Ưu 8, RVT, HT1, HN6; các giống ngô nếp HN88, HN68, HN89, MX10; các giống ngô lai CP333, LVN10, CP888, LVN10, HN45; các giống đậu xanh mới ĐX208, ĐX044; giống lạc L14, L23, L27; giống cỏ VA06 làm thức ăn chăn nuôi; giống chuối tiêu hồng nuôi cấy mô, mít Thái, giống keo tai tượng Úc… Bên cạnh đó, ứng dụng các giống vật nuôi được lai tạo bằng phương pháp tiên tiến có khả năng truyền giống tốt được nghiên cứu khảo nghiệm thành công và chuyển giao tại các địa phương như bò cái vàng sinh sản Việt Nam, đực giống zebu, con giống lợn nái Móng Cái, con giống lợn thịt F1, gà Lương Phượng… Huyện cũng đã ứng dụng công nghệ truyền giống nhân tạo cho đàn gia súc để nâng cao chất lượng và từng bước cải tạo thay thế các giống vật nuôi tại địa phương có tầm vóc nhỏ, tăng trọng chậm, hiệu quả kinh tế không cao. Nhờ chủ động ứng dụng công nghệ lai tạo giống cũng như ứng dụng giống cỏ VA06 làm thức ăn chăn nuôi nên một số địa phương đã triển khai xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi bò quy mô 100 con trở lên như ở các xã Hướng Hiệp, Triệu Nguyên, Ba Lòng. Trong ứng dụng CNSH nuôi cấy mô, huyện triển khai thành công mô hình trồng chuối tiêu hồng tại xã Mò Ó và Tà Rụt. Ngoài ra, huyện phối hợp với Sở KH&CN xây dựng mô hình trồng giống keo lai BV33 nuôi cấy mô với diện tích 2 ha với số lượng giống hỗ trợ 7.600 cây.
Trong sản xuất và chăn nuôi, huyện khuyến khích người dân ứng dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ vi sinh. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học BIMIX trong chăn nuôi; ứng dụng các chế phẩm sinh học BIMA, Bio giun quế, Bio lân đạm và chế phẩm sinh học BIONEMA trong trồng trọt; tại các xã Hướng Hiệp, Mò Ó, A Ngo và Đakrông có 69 hộ tham gia mô hình sử dụng phân vi sinh vật cố định đạm, vi sinh vật kích thích tăng trưởng cây. Trong chăn nuôi, huyện đã quan tâm xây dựng các mô hình trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi cho trâu, bò. Hỗ trợ 294.500 hom giống cỏ VA06; tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ, ủ cỏ VA06 lên men làm thức ăn chăn nuôi. Huyện còn phối hợp xây dựng đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây sâm Bố Chính tại vùng gò đồi xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông” và dự án trồng thử nghiệm cây sâm Bố Chính có ứng dụng tưới nhỏ giọt tại xã Triệu Nguyên; làm tốt công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi, phương thức canh tác mới, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ thuật của nông dân trong sản xuất, chất lượng, giá trị thu nhập.
Ngoài các chương trình, dự án hỗ trợ, các hộ dân đã tự đầu tư tăng quy mô đàn gia súc, có chuồng trại ổn định, trồng cỏ để bổ sung thêm thức ăn, tập trung phòng trừ dịch bệnh, áp dụng tốt kỹ thuật chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Một số mô hình ứng dụng về giống mới nổi bật trong huyện như canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vụ đông xuân 2019 - 2020 tại thôn Nạ Nẫm, xã Triệu Nguyên với diện tích 5,9 ha giống lạc L14; ứng dụng công nghệ bioga composite khí sinh học xây dựng bể trong chăn nuôi (xây dựng 16 bể cho 16 hộ dân ở thị trấn Krông Klang); nuôi bò cái sinh sản; trồng cỏ làm thức ăn nuôi dê tại Ba Lòng và Triệu Nguyên; trồng bời lời đỏ tại xã Húc Nghì, Tà Rụt, A Vao, A Ngo, A Bung; nuôi gà thả vườn tại xã Đakrông với 20 hộ tham gia…
Việc triển khai ứng dụng CNSH ở Đakrông đã hạn chế dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, bảo vệ môi trường sinh thái. Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 06- CT/TU và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH. Đổi mới, đa dạng hóa công tác truyền thông, chú trọng tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến về ứng dụng CNSH vào sản xuất và đời sống. Lồng ghép có hiệu quả các yếu tố ứng dụng CNSH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương. Ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ứng dụng tiến bộ KHCN nói chung và CNSH nói riêng đủ mạnh gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tích cực tranh thủ các nguồn lực, đồng thời tăng mức đầu tư của địa phương để hỗ trợ ứng dụng CNSH trong giai đoạn tiếp theo, chú trọng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Triển khai ứng dụng rộng rãi và hiệu quả CNSH vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, y tế, bảo vệ môi trường...”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)