Thượng nguồn Sông Nhùng thuộc địa bàn xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đang bị xâm hại nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông và đe dọa trực tiếp đến khu vực hạ du trong mùa mưa bão do hoạt động khai thác cát sỏi nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết (!?). Khi phóng viên phản ánh, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra mới phát hiện sai phạm của doanh nghiệp trong khai thác vật liệu xây dựng.
Cắt bờ sông, chân đồi để tận thu cát sỏi
Nhiều người dân ở xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng thông tin về việc khu vực thượng nguồn Sông Nhùng đang bị xâm hại do hoạt động khai thác cát sỏi làm vật liệu xây dựng. Từ nguồn tin người dân cung cấp, phóng viên Báo Quảng Trị đã vượt nhiều cây số đường rừng để đến khu vực thượng nguồn Sông Nhùng và chứng kiến cảnh tượng nơi đây đang bị xâm hại làm cho biến dạng.
Từ thị trấn Hải Lăng, chúng tôi theo đường liên xã hướng đi thôn Trường Phước, thuộc xã Hải Lâm để đến khu vực đang thi công đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Khu vực người dân phản ánh là mỏ khai thác cát sỏi nằm vị trí phía Tây công trình đường cao tốc đang thi công, cách thị trấn Hải Lăng khoảng hơn 10 km. Tại khu mỏ, chúng tôi thấy có 1 lán trại, cùng với hơn 10 công nhân đang làm việc; trên công trường có một bãi tập kết vật liệu cát, sỏi khoảng hơn 3.000 m2 ; một bãi tập kết vật liệu chưa qua xử lý gồm cát sỏi, đất đá để phân loại ngay trên lòng sông cùng nhiều máy móc như băng chuyền, máy sàng lọc vật liệu, bè nổi; 3 xe máy xúc chuyên dùng cùng với 2 xe tải cỡ lớn dùng để chở vật liệu ở khu vực đào bới đến địa điểm tập kết, sàng lọc, phân loại.
Từ bãi tập kết vật liệu của trung tâm khu mỏ, chúng tôi tiếp tục men theo lòng Sông Nhùng về phía hạ lưu khoảng gần 1 km và tận mắt chứng kiến cảnh tượng Sông Nhùng đang bị xâm hại. Tại đây, với chiều dài gần 1 km, đơn vị khai thác đã dùng xe ủi, máy xúc để mở rộng lòng sông bằng cách cắt bờ sông, chân đồi để tận thu vật liệu xây dựng và tạo mặt bằng làm đường công vụ tiếp tục vận chuyển vật liệu từ hạ lưu lên khu mỏ. Nhiều đoạn bờ sông bị san, gạt, cắt chân bờ với chiều rộng có nơi đến 30 mét, bày ra nhiều khoảng trống với cây cối ngổn ngang. Đặc biệt, suốt chiều dài gần 1 km dòng sông đang bị cắt bờ khai thác, không thấy sự hiện diện của bất kỳ một cột mốc nào đánh dấu phạm vi khai thác - quy định bắt buộc đối với tất cả các mỏ khi được cấp phép khai thác.
Một người dân ở xã Hải Lâm (xin được giấu tên) nói trong lo lắng: “Khai thác kiểu cắt chân đồi, mở rộng bờ sông như thế này là quá nguy hiểm, dẫn tới nguy cơ xé đồi, sạt lở bờ sông và ảnh hưởng trực tiếp đối với hạ du trong mùa mưa bão là rất cao”.
Hoạt động khai thác của doanh nghiệp có nhiều sai phạm
Tại khu mỏ, chúng tôi làm việc với một người tên là Hoàng Việt. Ông Hoàng Việt giới thiệu là cán bộ quản lý khu mỏ của Công ty TNHH MTV Xây dựng Đất Việt (Công ty Đất Việt) và cho rằng doanh nghiệp đã được cấp phép, vị trí khai thác trên lòng sông với chiều dài 2,5 km, chiều rộng 50 mét, đồng thời cho phóng viên số điện thoại người đại diện doanh nghiệp có tên là Tài để liên hệ làm việc. Chúng tôi đã liên lạc với ông Tài qua số điện thoại 0399638818 nhưng không ai nghe máy.
Từ diễn biến tại hiện trường, phóng viên thông tin cho lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và sở này đã tiến hành kiểm tra hiện trường, phát hiện việc khai thác của doanh nghiệp có nhiều vi phạm.
Biên bản hiện trường do Sở Tài nguyên và Môi trường lập ngày 17/6/2021 thể hiện: Công ty Đất Việt được cấp phép mỏ khai thác cát, sỏi lòng Sông Nhùng làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ cát, sỏi SN1 thuộc xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng với diện tích: 11,92 ha; trữ lượng: 146.130 m3 cát, sỏi; công suất: 20.000 m3 cát, sỏi/năm; diện tích thuê đất đợt 1 là 56.333 m2; thời hạn khai thác 7 năm 6 tháng; thời gian khai thác bắt đầu từ ngày 1/10/2020.
Hoạt động khai thác của doanh nghiệp vi phạm bao gồm: Triển khai các hạng mục như khu vực tập kết, chế biến, một số vị trí đường vận chuyển và khai thác ngoài diện tích được thuê đất; khai thác chưa đúng với phương án đã được phê duyệt, cụ thể phải khai thác trình tự theo hình thức cuốn chiếu, không được làm tắc nghẽn dòng chảy, bảo vệ môi trường, cảnh quan hai bên bờ sông và phải tiến hành khai thác từ phía hạ nguồn lên thượng nguồn.
Quá trình khai thác đơn vị còn tập kết cát, sỏi làm chặn dòng chảy của sông, làm thay đổi cảnh quan hai bên bờ sông; chưa thực hiện nghiêm túc phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt... Bên cạnh đó, doanh nghiệp này chưa ký quỹ phục hồi môi trường, chưa thông báo bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ, báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản chưa cập nhật phụ lục 1, 2 về kiểm kê, thống kê sản lượng khai thác khoáng sản thực tế, bản đồ hiện trạng mỏ.
Chính quyền xã không hề hay biết (!?)
Thời gian qua, hoạt động khai thác cát sạn diễn biến phức tạp, trong đó nhiều vụ khai thác ngoài phạm vi cấp phép, tập kết cát sạn trái phép, khai thác không đúng quy trình mà báo chí đã nhiều lần phản ánh. Trong khi đó, vai trò quản lý của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương còn lỏng lẻo. Trong vụ khai thác cát đầu nguồn Sông Nhùng của Công ty Đất Việt nói trên, chính quyền xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng không hề hay biết, thậm chí che giấu. Cụ thể, ngày 17/6/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập đoàn kiểm tra có sự tham gia của công chức địa chính xã.
Tuy nhiên, trả lời Báo Quảng Trị ngày 29/6/2021, Chủ tịch UBND xã Hải Lâm Nguyễn Minh Hoàng cho rằng: “Sở và địa phương đi kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm” là phủ nhận nội dung biên bản hiện trường được Sở Tài nguyên và Môi trường lập. Từ diễn biến sự việc, cơ quan chức năng cần thanh tra toàn diện đối với hoạt động khai thác cát, sỏi tại mỏ SN1 của Công ty Đất Việt trên thượng nguồn Sông Nhùng để có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 1/7/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức buổi làm việc để thông qua biên bản chi tiết vi phạm của Công ty Đất Việt nhưng công ty này cử người tham dự cuộc họp không đúng thành phần nên biên bản vi phạm vẫn chưa được thông qua.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)