Lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết hiện không có điều kiện về trình độ với chủ đầu tư kinh doanh đăng kiểm xe cơ giới.
Ngày 3.1, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, trung tướng Tô Ân Xô đã thông tin chi tiết về một số vụ án tại các trung tâm đăng kiểm. Ông cũng cho biết một số trung tâm đăng kiểm không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn lập danh sách kiểm định viên ảo, hợp thức hoá quy định của Chính phủ khi thành lập trung tâm đăng kiểm như phải có 3 kiểm định viên, phải có 1 kiểm định viên bậc cao.
“Trong quá trình điều tra, đã phát hiện có giám đốc trung tâm đăng kiểm không biết chữ, khi điều tra viên hỏi thì không viết được và không đọc được. Người này khai mới học lớp 3 cách đây 50 năm nhưng lên làm Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-17D ở H.Nhà Bè (TP.HCM). Hành vi liều lĩnh như thế cũng là lần đầu được phát hiện, ngoài ra còn có nhiều nữa trong quá trình điều tra”, ông Xô cho biết.
Thông tin này khiến nhiều người bất ngờ và đặt câu hỏi về công tác quản lý nhân lực của ngành đăng kiểm. Trao đổi với Zing tối 3/1, ông Nguyễn Tô An, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm, cho biết đã tiếp nhận thông tin này và bản thân ông cũng cảm thấy bất ngờ. Tuy nhiên ông An cho biết mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào việc người giám đốc này có đồng thời là đăng kiểm viên hay không.
"Theo tôi được biết thì luật hiện nay không có điều kiện về trình độ với chủ đầu tư đơn vị đăng kiểm, chỉ có điều kiện theo Quy chuẩn 103/2019 về cơ sở vật chất, nhân lực của đơn vị đăng kiểm. Điều kiện về trình độ ở đây chỉ áp dụng với các đăng kiểm viên, người chịu trách nhiệm ký lên các giấy tờ chứng nhận đăng kiểm cho phương tiện", Phó cục trưởng Nguyễn Tô An chia sẻ.
Ông An cho biết thực tế có trường hợp lãnh đạo trung tâm kiểm định không phải là đăng kiểm viên, chỉ hiện diện với vai trò quản lý tài chính, quán xuyến các tài sản của chủ đầu tư. Một người muốn trở thành đăng kiểm viên phải tốt nghiệp trình độ đại học chuyên ngành, được đào tạo đăng kiểm viên, đi thực tập, thực hành nhiều năm rồi qua thi cử mới được cấp chứng chỉ. Làm việc tại các trạm kiểm định, đăng kiểm viên có thể được nâng bậc, trở thành trưởng dây chuyền và có thẩm quyền ký giấy tờ chứng nhận đăng kiểm.
"Ví dụ họ chỉ là một chủ đầu tư, có tiền do bố mẹ để lại rồi đem ra thành lập trung tâm đăng kiểm thì pháp luật không xét trình độ văn hóa của họ, chỉ coi họ như giám đốc doanh nghiệp tư nhân. Còn nếu xác định được họ có bằng cấp đăng kiểm viên thì là chuyện khác", ông Nguyễn Tô An phân tích.
Ông An thừa nhận, trường hợp giám đốc trạm đăng kiểm không biết chữ là vấn đề bất cập, bởi kinh doanh dịch vụ kiểm định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì sản phẩm đầu ra liên quan đến trật tự an toàn giao thông của xã hội và sinh mạng con người.
Vừa qua, Cục Đăng kiểm cũng có báo cáo trong đó thừa nhận có tình trạng đăng kiểm viên tại các cơ sở tư nhân bị chủ đầu tư thao túng.
"Đăng kiểm viên làm thuê tại đơn vị đăng kiểm tư nhân sẽ chịu ảnh hưởng, tác động của chủ đầu tư nên không còn tính độc lập trong kiểm tra, đánh giá, xác nhận kết quả kiểm định. Có trường hợp đăng kiểm viên không làm việc tại đơn vị nhưng chủ đầu tư vẫn khai báo và giả mạo chữ ký của đăng kiểm viên để ký xác nhận kết quả kiểm tra", báo cáo của Cục Đăng kiểm gửi Bộ GTVT nêu rõ.
Cục Đăng kiểm cũng đánh giá số lượng đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tư nhân gia tăng nhanh chóng kéo theo cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh để thu hút khách hàng; thậm chí một số đơn vị thực hiện sai tiêu chuẩn, bỏ nội dung kiểm tra, giả mạo trong việc kiểm định xe cơ giới...
(Nguồn: Phụ nữ mới)