Không phải lần đầu tiên khu vực quanh giếng Kình (thôn An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) bị thay đổi hiện trạng bởi bàn tay con người. Cho rằng việc thay đổi hiện trạng đã và đang tác động đến mạch nước giếng cổ, ảnh hưởng đến việc bảo tồn, tu bổ sau này nên người dân địa phương phản ứng gay gắt.
Ngày 2.6, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết, đã yêu cầu các đơn vị liên quan tìm hiểu, có biện pháp ngăn chặn việc xâm hại đến khu vực giếng Kình cổ ở thôn An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Khoảng giữa tháng 5.2020, ông Ngô Quang Đinh (thôn An Nha) đã huy động phương tiện cơ giới vào múc mương ở khu vực phía trên giếng Kình. Đến cuối tháng 5, khi con mương cơ bản hoàn thành, thì người dân phát hiện, báo với thôn.
Ông Lê Xuân Quang – Trưởng ban mặt trận thôn An Nha cho hay, khi ông cùng người dân đến hiện trường, thì hoảng hốt trước con mương lớn múc ở phía đầu nguồn nước của giếng Kình. “Mấy năm trước, ông Đinh đã cải tạo, thay đổi hiện trạng khu vực phía trên giếng cổ để làm ruộng trồng rau. Nay tiếp tục thi công con mương để dẫn nước ở ruộng rau ra nơi khác thì nguồn nước ở giếng nguy cơ bị tác động” – ông Quang, cho hay. Sau đó, sự việc đã được ông Quang thay mặt người dân báo lên UBND xã Gio An.
Ông Hồ Xuân Hải - Chủ tịch UBND xã Gio An thông tin, vào chiều 1.6, lãnh đạo xã đã có mặt ở hiện trường, và tiến hành lập biên bản. “Gia đình ông Ngô Quang Đinh thống nhất, sẽ hoàn trả lại mặt bằng trong 10 ngày tới, nguyên do không có ý kiến với địa phương trước khi thi công" - ông Hải cho biết. Do ông Đinh chấp nhận trả lại mặt bằng, nên địa phương sẽ không phạt hành chính.
Ông Nguyễn Quang Chức – Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu về giếng Kình cổ, và sẽ đưa vào hồ sơ trình xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt trong thời gian tới. “Chúng tôi sẽ là việc với các đơn vị liên quan, để có phương án khoanh vùng, bảo vệ các giếng cổ. Việc các giếng cổ lâu nay bị xâm hại khiến chúng tôi rất đau đầu” – ông Chức nói.
Được biết, tại xã Gio An hiện có nhiều giếng cổ là những công trình hệ thống dẫn thủy cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, là di tích có giá trị khảo cổ, văn hoá nghệ thuật độc đáo do người Chăm sáng tạo và được người Việt tiếp thu giữ gìn cho đến ngày nay. Theo ước tính, Giếng cổ Gio An đã có hàng nghìn năm tuổi.
Vào năm 2001, hệ thống 14 giếng cổ tại xã Gio An đã được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng di tích lịch sử-văn hoá cấp quốc gia. Hiện, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đang khoanh vùng, trùng tu 14 giếng cổ được xếp hạng, còn khoảng 7 giếng cổ khác (trong đó có giếng Kình) đang được nghiên cứu, lập hồ sơ trình xếp hạng trong thời gian tới.