Hướng Hóa đang chuẩn bị bước vào mùa khô, cùng với đó là nỗi lo thiếu nước sinh hoạt của người dân các xã vùng Lìa.
Hơn 10 năm nay, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của người dân các xã vùng Lìa là nước lấy từ sông Sê Pôn, hiện đang dần khô cạn bởi khí hậu khắc nghiệt. Thiếu nước sinh hoạt, người dân đối mặt với muôn vàn khó khăn.Câu chuyện thiếu nước sạch đã được chính quyền địa phương và người dân vùng Lìa kiến nghị lên các cấp hơn 10 năm qua. Nhưng đến nay, hướng tìm kiếm nguồn nước sạch mỗi mùa khô hạn của người dân nơi đây còn quá gian nan, vất vả. Để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia như 135, 134, xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ, những năm qua huyện Hướng Hóa đã đầu tư hơn 100 giếng khoan ở các xã vùng Lìa. Chỉ riêng tại xã A Xing đã có 36 giếng khoan cùng 7 bể cấp thoát nước được đầu tư xây dựng trong thời gian từ năm 2007 đến nay. Tuy nhiên, do công tác quản lý, sử dụng còn nhiều bất cập, hiện phần lớn bể nước tự chảy đã không còn hoạt động do hư hỏng, xuống cấp. Trong khi đó, do điều kiện địa chất, nguồn nước từ những giếng khoan bị nhiễm vôi quá nặng nên dù có nước cũng không thể sử dụng trong ăn uống, tắm giặt được. Các công trình nước tự chảy đến mùa mưa bão thì cát, đất đá vùi lấp dòng chảy làm hạn chế nguồn nước.
Tại xã Thanh có một công trình nước tự chảy đã bị hư hỏng nhiều năm nay. Nhiều gia đình sử dụng nước giếng khoan để nấu ăn, tuy nhiên nguồn nước với hàm lượng vôi lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân. Ông Hồ Văn Lý, ở thôn A Ho, xã Thanh nói: “Gia đình tôi có khoan giếng để lấy nước, phải khoan tới độ sâu gần 70 m mới có nước, nhưng nguồn nước không đảm bảo, đành phải lấy nước sông Sê Pôn về sinh hoạt. Ở thôn này, nhà nào có điều kiện thì mua nước lọc làm nước nấu ăn, uống, còn lại mọi sinh hoạt khác đều phụ thuộc vào nước sông”.
Tại bờ sông Sê Pôn nằm trên địa phận thôn A Ho, người dân nơi đây đã quen cảnh tấp nập chờ nhau lấy nước hằng ngày. Nhiều người tranh thủ vệ sinh cá nhân, giặt giũ tại đây. Chị Hồ Thị Lợi, ở thôn A Ho cho biết: “Cảnh mọi người phải đem can đi chở nước về dùng như thế này đã diễn ra cả chục năm nay, không lấy nước sông thì không có nước dùng. Như gia đình tôi mỗi ngày phải đi ít nhất hai chuyến, mỗi chuyến chở hai can nước đầy về nhà, mà phải dùng tiết kiệm. Người dân lo nhất là từ tháng 2 đến tháng 9 thường nước sông sẽ cạn, nguy cơ thiếu nước”.
Ông Hồ Văn Them, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh cho biết, toàn xã hiện có 6 thôn, bản, trước đây có nguồn nước tự chảy dẫn nguồn từ xã Hướng Lộc về cho người dân sử dụng nhưng lâu ngày, đường ống hư hỏng, cộng với đường dẫn nước cách xa tới 16 km giữa hai xã nên đến nay đã không còn hoạt động. Nguồn nước sông Sê Pôn cũng không đảm bảo vệ sinh bởi người dân sản xuất trên đầu nguồn có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bao bì, vỏ chai thuốc vứt bừa bãi, ảnh hưởng đến môi trường.
Ngoài xã Thanh, các xã khác ở vùng Lìa như A Xing, Húc cũng trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, nhất là khi mùa khô đang đến gần.
Cuối năm 2019, UBND huyện Hướng Hóa đã có văn bản đồng ý cho Công ty TNHH cấp nước Phục Hưng khảo sát, lập dự án đầu tư Trạm xử lý nước sinh hoạt tại các xã vùng Lìa để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong vùng. Đồng thời yêu cầu các ngành, địa phương nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện việc khảo sát, sớm có phương án xây dựng công trình này. Ông Hồ A Cất, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thanh cho biết: “Hầu như cuộc tiếp xúc cử tri nào tại xã người dân cũng kiến nghị đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt để khắc phục tình trạng thiếu nước gần chục năm nay. Người dân xã Thanh nói riêng, vùng Lìa nói chung rất mong chờ công trình sớm được triển khai thực hiện”.
Trước mắt, để chủ động nguồn nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện năm 2020, UBND huyện Hướng Hóa yêu cầu các xã rà soát, đánh giá thực trạng các công trình, hệ thống cấp nước sạch nông thôn để phân loại công trình đủ hoặc không đủ điều kiện để nâng cấp, sửa chữa. Tăng cường công tác kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, vận động người dân sử dụng đúng và hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật, không vứt bừa bãi ra môi trường ảnh hưởng đến nguồn nước sông, suối.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)