Hậu khởi tố ông Phan Văn Vĩnh vụ bán gỗ trắc tang vật:

Phải điều tra động cơ "hình sự hóa" của Cục ĐTCBL - Tổng cục Hải quan

Lâm Chí Công |

Sau khi ông Phan Văn Vĩnh - nguyên Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bị khởi tố bị can trong vụ án bán gỗ trắc tang vật, dư luận tiếp tục quan tâm và đặt câu hỏi, ngoài C44 (Bộ Công an), có những quan chức nào thuộc ngành hải quan liên quan vụ án này? Lý do là vì chính Cục Điều tra chống buôn lậu (ĐTCBL) thuộc Tổng cục Hải quan là cơ quan khởi tố vụ án buôn lậu gỗ trắc.

Động cơ khởi tố vụ án hình sự của Cục ĐTCBL - Tổng cục Hải quan?

Điều tra của Lao Động đã chỉ rõ: Lô gỗ trắc 535,8m3 của Cty Ngọc Hưng nhập khẩu từ Lào và xuất khẩu nguyên lô sang Hồng Kông là lô hàng hợp pháp. Bởi vì lô hàng được làm thủ tục nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, là loại hàng hóa không cấm nhập khẩu, không thuộc diện nhập khẩu có điều kiện.

Do đó, tại thời điểm tạm giữ lô hàng cũng như quá trình từ khởi tố, điều tra đến xét xử, Cục Hải quan Quảng Trị luôn khẳng định bằng văn bản đây là lô hàng nhập khẩu và xuất khẩu hợp pháp. Lô hàng khi kiểm tra có thể có chênh lệch khối lượng nhưng không phát sinh thiếu thuế và không gây hậu quả về trật tự quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu nên chỉ được xem xét xử lý hành chính. 

Trao đổi với PV Lao Động, ông Lê Văn Tới - T.S, nguyên Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị - nói: "Động cơ nào mà Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan quyết tâm khởi tố hình sự vụ án này? Đó là một câu hỏi cần được trả lời nghiêm túc, để chỉ ra những con người cụ thể liên quan đến vụ án bất thường này". 

Theo ông Tới, để xử lý hành vi khai sai về số lượng, chủng loại trong một lô hàng nhập khẩu hợp pháp có Nghị định 97/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan, Nghị định 18/2009/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Nghị định 97.

Riêng đối với mặt hàng gỗ, theo Nghị định 99/2009/NĐ-CP ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ cũng không áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với gỗ từ nước ngoài nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam (kể cả trường hợp lô hàng gỗ nhập khẩu hợp pháp nhưng khi kiểm tra có chênh lệch về kích thuớc, khối lượng).

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị thực hiện chức giám sát và đã có báo cáo lên Tổng Bí thư - Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng rằng đây là vụ án oan. Ảnh: Hưng Thơ
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị thực hiện chức giám sát và đã có báo cáo lên Tổng Bí thư - Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng rằng đây là vụ án oan. Ảnh: Hưng Thơ
 Dù số lượng gỗ có sai thì cũng chỉ bị xử lý hành chính

Tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo đều cho rằng việc khởi tố vụ án buôn lậu gỗ trắc thiếu căn cứ pháp luật.

Theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 02/QĐ-ĐTCBL ngày 6.4.2012 do Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Văn Quý ký, đã đưa ra căn cứ là toàn bộ gỗ giáng hương, gỗ trắc và 876 sản phẩm gỗ thuộc tờ khai xuất khẩu hàng hóa số 849 của Cty Ngọc Hưng không có nguồn gốc hợp pháp.

Trên thực tế, toàn bộ gỗ theo tờ khai xuất khẩu 849 của Cty Ngọc Hưng hoàn toàn là hàng hóa hợp pháp được xuất khẩu nguyên lô có nguồn gốc từ một lô hàng nhập khẩu hợp pháp. Mà trong một lô hàng gỗ nhập khẩu hợp pháp nếu có chênh lệch về số lượng, sai về chủng loại thì cũng chỉ bị điều chỉnh bởi Nghị định 97, Nghị định 18 và Nghị định 99 như nêu trên.

Tóm lại, lô gỗ trắc của Cty Ngọc Hưng được nhập và xuất nguyên lô là hợp pháp, cho dù có sai về số lượng và chủng loại thì cũng không phải là hành vi buôn lậu được quy định theo Điều 153 Bộ luật Hình sự. Điều 100 và 107 Bộ luật Tố tụng hình sự nêu, chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu phạm tội; không được khởi tố vụ án hình sự khi không có sự việc phạm tội; khi hành vi không cấu thành tội phạm.

Quan chức thuộc Tổng cục Hải quan có mặt tại phiên tòa phúc thẩm xử tại Đà Nẵng. Ảnh: Võ Quốc
Quan chức thuộc Tổng cục Hải quan có mặt tại phiên tòa phúc thẩm xử tại Đà Nẵng. Ảnh: Võ Quốc
 "Việc Cục Điều tra chống buôn lậu giữ toàn bộ lô hàng trong đó vừa có hàng hóa hợp pháp vừa có hàng hóa nghi có dấu hiệu vi phạm là trái với quy định tại Điều 14 Nghị định 18/2009/NĐ-CP, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp phải đền bù nhà nước đối với lô hàng hợp pháp của doanh nghiệp. Liên quan vấn đề này đã có 3 cuộc họp do Tổng cục Hải quan tổ chức trước khi khởi tố vụ án. Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị và Cục Hải quan TP. Đà Nẵng đều đề xuất cho thông quan hàng hóa hợp pháp, chỉ tạm giữ mẫu gỗ hoặc gỗ có nghi vấn vi phạm" - ông Tới nhấn mạnh. 

Theo quy đinh tại điểm C Khoản 2 Điều 75 Bộ luật TTHS, đối với vật chứng không thể đưa về cơ quan tiến hành tố tụng để bảo quản thì cơ quan tiến hành tố tụng giao vật chứng đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đồ vật, tài sản hoặc người thân thích của họ bảo quản. Nếu tuân thủ điều này thì sẽ không phát sinh chi phí lưu giữ vật chứng nhiều tỷ đồng và không có lý do lưu kho vật chứng tốn kém để đề xuất bán vật chứng trái quy định pháp luật như đã xảy ra.   

Gỗ nhập khẩu nhưng báo cáo "gỗ từ rừng tự nhiên"

Nguyên Cục trưởng Hải quan Quảng Trị Lê Văn Tới nói rằng, Cục Điều tra chống buôn lậu không tổ chức cuộc họp với các ngành liên quan để giải quyết theo hướng tích cực khi có ý kiển chỉ đạo lần thứ nhất của Chính phủ. Ngược lại, có những báo cáo không đúng bản chất vụ việc và viện dẫn hành vi vi phạm theo quy định đối với gỗ có nguồn gốc từ rừng Việt Nam để áp dụng cho lô gỗ được Cty Ngọc Hưng nhập khẩu từ Lào, nhằm biện minh cho việc khởi tố vụ án.

Khi C46 có Công văn số 231/C46-P(10) ngày 6.6.2012 kết luận hành vi nhập khẩu và xuất khẩu lô gỗ của Cty Ngọc Hưng chưa cấu thành tội buôn lậu, đề nghị Tổng cục Hải quan tổ chức họp để bàn xử lý về thuế nhưng Cục Điều tra chống buôn lậu không lắng nghe mà ngày 11.6.2012 gửi công văn cho Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, để sau đó hồ sơ vụ án được chuyển đến C44 giao cho Phòng 4 của C44 điều tra.

(Theo Lao Động)

Tòa án dùng kết quả giám định "chui" để tuyên buộc tội "buôn lậu"

Lâm Chí Công |

Ngày 15.8, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị đã chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình về những vấn đề liên quan đến vụ án bị cho là buôn lậu gỗ trắc xảy ra tại Quảng Trị và Đà Nẵng kéo dài gần 9 năm.  

Phúc thẩm kỳ án gỗ trắc: Việc xét xử đã hình sự hóa quan hệ kinh tế

Phạm Xuân Dũng |

Liên quan quá trình điều tra xét xử vụ kỳ án gỗ trắc, chiều 15/8 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị đã chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC), ông Nguyễn Hòa Bình. Vụ án “buôn lậu gỗ trắc” ở Quảng Trị và Đà Nẵng qua phiên phúc thẩm do TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử đã tuyên theo hướng xử các bị cáo nặng hơn phiên sơ thẩm. Nhưng những người trong cuộc và dư luận hầu như càng không tâm phục, khẩu phục.

Cơ quan trung ương giám định lô gỗ bằng... mắt thường

Hưng Thơ |

Theo lời của ông Thế và ông Tuế, do đơn vị này không có nghiệp vụ giám định khối lượng gỗ, nên đã mời Kiểm lâm vùng 2 cùng tham gia giám định. Quá trình được mời giám định, đại diện Kiểm lâm vùng 2 đo và cân gỗ lên, để tính khối lượng.

Sẽ xử lý hình sự những người không đến tòa theo lệnh triệu tập

HƯNG THƠ - LAM CHI |

Sau 3 ngày xét xử phúc thẩm, chiều 5.7, HĐXX tạm nghỉ đến ngày 8.7 mới tiếp tục phiên tòa. Những người tham gia giám định lô gỗ cùng điều tra viên bị tố “ép cung” vẫn vắng mặt dù được triệu tập khẩn cấp.