Phổ biến phim trên không gian mạng: Tiền kiểm hay hậu kiểm?

Ngọc Thành |

Cơ quan soạn thảo dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đề xuất 2 phương án “tiền kiểm” và “hậu kiểm”, song cơ quan thẩm tra cho rằng nên kết hợp cả hai trong việc phổ biến phim trên không gian mạng.

Ngày 14/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung. Các ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán hành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật để giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại, bất cập trong quản lý ngành Điện ảnh hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Quốc hội

Chưa “chốt” phương án phổ biến phim trên mạng

Vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 21), Cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án quản lý hình thức phổ biến phim trên không gian mạng: Phương án 1 là hậu kiểm và Phương án 2 là tiền kiểm.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, đây là cách tiếp cận mới và linh hoạt trong bối cảnh phát triển của dịch vụ phát hành, phổ biến phim trực tuyến, giúp giảm thiểu gánh nặng về chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý, tăng cường hội nhập quốc tế, thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tuy nhiên, Ban soạn thảo cũng nhận định, phương án này tạo ra sự phân biệt, thiếu công bằng giữa các phương thức phổ biến phim. Việc tự kiểm cũng tạo nên nguy cơ trong việc để lọt các sản phẩm phản ánh sai trái lịch sử, nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm, xâm hại trẻ em… gây nên hậu quả tiêu cực trong đời sống văn hóa - xã hội, khó xử lý kịp thời, triệt để.

Phương án 2 thể hiện chỉ được phổ biến phim trên không gian mạng khi có Giấy phép phân loại phim do Bộ VHTT&DL, UBND cấp tỉnh cấp hoặc Quyết định phân loại của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình. Đối với phim chưa được cấp phép phải được phân loại trước khi phổ biến trên không gian mạng.

"Việc thẩm định, phân loại phim trên không gian mạng trước khi phổ biến sẽ bảo đảm kiểm soát nội dung phim và công bằng với phổ biến phim tại rạp và trên truyền hình. Tuy nhiên, với khối lượng đăng tải và truy cập phim hiện nay chưa có giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát khối lượng thông tin này” – cơ quan soạn thảo lý giải.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, cơ quan này đề xuất phương án 3 là kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm một cách hợp lý, trong đó hậu kiểm là chủ yếu, tiền kiểm đối với phim có ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, và phải phù hợp với điều kiện, khả năng quản lý của cơ quan nhà nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, hậu kiểm là phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế, tuy nhiên trong một số trường hợp nếu chỉ áp dụng phương án hậu kiểm có thể xảy ra nguy cơ bỏ lọt các bộ phim ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, QPAN, đối ngoại. Do đó, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích rõ các ưu, nhược điẻm của tiền kiểm, hậu kiểm, trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội, và chỉ nên trình 1 phương án.

Cần chính sách phát triển điện ảnh như một ngành kinh tế

Phát biểu góp ý vào dự luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng phải nhìn nhận điện ảnh không chỉ dưới góc độ tác phẩm văn học nghệ thuật mà còn là sản phẩm dịch vụ có tính văn hóa cao, như một ngành kinh tế, một ngành công nghiệp. Đã là ngành công nghiệp rồi thì phải phát triển trên nền tảng các quy luật kinh tế, do đó cần có chính sách phát triển điện ảnh như một ngành kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Quốc hội

Theo ông Vương Đình Huệ, điện ảnh cần được tiếp cận ở cả nền tảng truyền thống, vừa ở nền tảng số. Trên cơ sở đó, vấn đề mấu chốt cần xem xét để sửa đổi Luật Điện ảnh là điều chỉnh các hoạt động điện ảnh trong môi trường công nghệ số để khuyến khích điện ảnh phát triển nhanh và tạo hành lang pháp lý để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Như “Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước” (Điều 14) dự thảo quy định 2 phương án là giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với phương án giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu và cho rằng cần quy định cụ thể trường hợp nào cần phải đấu thầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng đồng tình với quan điểm trên, vì bên cạnh việc giao nhiệm vụ và đặt hàng, việc thực hiện hình thức đấu thầu nhằm tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân, phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu.

Ở góc độ khác, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị cụ thể hóa hơn chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư điện ảnh, trong đó nội dung cốt lõi là chính sách đãi ngộ cán bộ, nghệ sĩ có thành tựu, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp điện ảnh nước nhà; người hoạt động điện ảnh chuyên sâu, chuyên nghiệp để xây dựng đội ngũ phát triển nền điện ảnh Việt Nam.

(Nguồn: VOV.VN)

Bộ Công an đề xuất cho phép người vi phạm được đặt tiền để mang xe về

H.L |

Dự thảo Nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính đang được đưa ra lấy ý kiến nêu rõ, người dân có thể đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ.

Lào cho phép thử nghiệm khai thác, kinh doanh tiền kỹ thuật số

Phạm Kiên – Thu Phương |

Tờ Laotian Times ngày 13/9 đưa tin Văn phòng Thủ tướng Lào đã ra một thông báo cho phép 6 công ty thử nghiệm việc khai thác và kinh doanh các loại tiền điện tử như Bitcoin, Ethereum và Litecoin.

Sẽ giảm gần 20 tỷ đồng tiền điện cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19

Dương Xuân |

Thực hiện Nghị quyết 55 ngày 02/6/2021 và Nghị quyết 83 ngày 31/07/2021 của Chính phủ về việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 và đợt 4 cho khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công thương, đến hết năm 2021 Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế dự kiến giảm hơn 20 tỷ đồng tiền điện cho khách hàng sử dụng điện nhằm chia sẻ khó khăn, chung tay cùng địa phương phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh.

Thu học phí không dùng tiền mặt

Tú Linh |

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Trị cho biết, để góp phần thực hiện chính sách hạn chế dùng tiền mặt, sở đã yêu cầu các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, các tổ chức tín dụng để thực hiện thu học phí bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.